Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về chuyển đổi số ngành Tài nguyên Môi trường

Ngành Tài nguyên Môi trường có hai loại tài sản rất lớn. Một loại thì đang được sử dụng rất hiệu quả là tài nguyên, là đất đai. Một loại thì đang ngủ yên là dữ liệu. Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, người thì gọi là dầu mỏ, người thì coi là yếu tố sản xuất tương tự như đất đai, vốn. Dữ liệu này đang tăng lên từng ngày, do sự thay đổi của môi trường. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tài nguyên không mất đi mà lại được sinh ra.

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong bài nói về chuyển đổi số ngành Tài nguyên Môi trường. Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc toàn văn bài nói của Bộ trưởng.

 botruongnguyenmanhhung.jpeg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Nếu 10 năm trước đây, ai đấy nói mọi tổ chức rồi sẽ đều là các tổ chức số thì chẳng ai tin. Nhưng hôm nay, nếu một tổ chức nào đó mà chưa chuẩn bị kế hoạch trở thành một tổ chức số thì đã là chậm chân và nguy cơ tụt hậu là rất cao. Năm 2021 đã cho thấy, những tổ chức phát triển tốt nhất là những tổ chức có mức độ chuyển đổi số (CĐS) cao. CĐS là biến mình thành một tổ chức số. CNTT là mua phần cứng, phần mềm còn tổ chức thì vẫn là tổ chức theo cách cũ. Fintech của ngành ngân hàng là một thí dụ được nhắc đến nhiều nhất về sự kết hợp thành công của công nghệ số vào một ngành và làm thay đổi ngành đó.

Ngành tài nguyên môi trường (TNMT) có hai loại tài sản rất lớn. Một loại thì đang được sử dụng rất hiệu quả là tài nguyên, là đất đai. Một loại thì đang ngủ yên là dữ liệu. Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, người thì gọi là dầu mỏ, người thì coi là yếu tố sản xuất tương tự như đất đai, vốn. Muốn có dữ liệu thì đầu tiên phải số hoá thế giới thực. Đối với ngành TNMT thì đó là số hoá đất đai, số hoá tài nguyên, số hoá nước, số hoá biển, số hoá không khí, ... Và không chỉ là số hoá mà còn là đo lường sự biến đổi của chúng theo thời gian thực thông qua các loại sensor. Vậy là chúng ta sẽ có một phiên bản số của thế giới thực. Trong phiên bản số này, chúng ta sẽ nhìn thấy trái đất “thở” thế nào, chúng ta sẽ nhìn thấy sự ô nhiễm không khí đang thay đổi thế nào, chúng ta sẽ nhìn thấy sự xâm nhập mặn theo từng giây. Càng nhiều dữ liệu bao nhiêu thì càng nhiều tài nguyên bấy nhiêu. Và bây giờ là lúc dùng các công nghệ số như Big Data và AI để phân tích, để phát hiện vấn đề, để tìm nguyên nhân, để dự báo, để qui hoạch, để quản lý ... Những việc như thế này là rất khó, rất lâu, rất tốn công sức và không chính xác, rất tốn kém tiền của, thậm chí là không khả thi để thực hiện trong thế giới thực. Nhưng lại có thể thực hiện rất nhanh, chính xác và thông minh, không tốn kém trong thế giới số. Khi đã tìm ra phương án, lời giải tối ưu trong thế giới số thì quay lại tác động lên thế giới thực. Hoạt động trí não là trong thế giới số, hoạt động cơ học là trong thế giới thực. Với sự hỗ trợ này thì thế giới thực sẽ được sử dụng một cách tối ưu và hiệu quả hơn rất nhiều. Ngành TNMT sau khi CĐS thì sẽ giầu lên ít nhất là gấp đôi!

Dữ liệu này lại đang tăng lên từng ngày, do sự thay đổi của môi trường. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tài nguyên không mất đi mà lại được sinh ra. Ngành TNMT canh tác trên mảnh đất mới này sẽ tạo ra nhiều, rất nhiều giá trị mới cho ngành, cho đất nước. Công thức của CĐS là Dữ liệu + Điện toán đám mây + AI. Dữ liệu mà được đánh thức thì cũng giống như con hổ ngủ được đánh thức, sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho ngành TNMT và cho đất nước. Tất cả những gì mà ngành TNMT cần làm là đánh thức con hổ.

Năm 2022 sẽ là năm hành động về CĐS. Uỷ ban Quốc gia về CĐS đã công bố 35 nền tảng số quốc gia phải được phát triển trong năm 2022 để làm hạ tầng phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong số này có 01 nền tảng số của ngành TNMT, đó là nền tảng bản đồ số. Ngành TNMT sớm công bố thêm một số nền tảng số để thúc đẩy CĐS ngành TNMT. Việt Nam chọn phát triển các nền tảng số là giải phá đột phá để thúc đẩy CĐS. Nền tảng số chính là hạ tầng số trên không gian mạng. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để phát triển các nền tảng số Việt Nam. Nền tảng số Việt Nam thì giữ lại Việt Nam tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam. Bộ TNMT giao cho doanh nghiệp Việt Nam các dự án CĐS thì cũng chính là cách tốt nhất để phát triển công nghệ Việt Nam.

Bộ TNMT tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo về CNTT thành Ban chỉ đạo CĐS ngành TNMT, do Bộ trưởng làm trưởng ban, và cử ra một đồng chí Thứ trưởng chuyên trách về CĐS, nâng cấp bộ phận chuyên trách về CNTT thành bộ phận chuyên trách về CĐS, nên là cục CĐS. Bộ nên sớm có một kế hoạch riêng về CĐS cho năm 2022, ban hành ngay đầu tháng 1/2022, và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai, theo tinh thần là việc gì khó, thuộc chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông thì nhanh chóng đẩy sang cho Bộ Thông tin và Truyền thông, việc gì khó hơn thì báo cáo Uỷ ban Quốc gia về CĐS do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Uỷ ban. Chọn một số doanh nghiệp công nghệ lớn làm đối tác chiến lược để nhanh chóng tạo ra các nền tảng CĐS ngành TNMT.

Chúng ta đi qua đại dịch trăm năm thì nên học được bài học trăm năm và tận dụng được cơ hội trăm năm để bứt phá vươn lên, và năm 2022 sẽ là một năm thành công!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông