Nhật Bản hạn chế các doanh nghiệp sử dụng thiết bị, dịch vụ nước ngoài

Nhật Bản cho biết sẽ đưa ra các quy định mới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ mạng quốc gia. Đây được cho là một nỗ lực của chính phủ để tránh nguy cơ đất nước rơi vào hậu quả giống như vụ tấn công Colonial Pipeline tại Mỹ.

20211228-ta8.jpg

Báo Nhật Bản Nikkei cho biết chính phủ có kế hoạch sửa đổi các điều luật một cách toàn diện, đồng thời đưa ra luật mới, yêu cầu mỗi lĩnh vực, mỗi ngành công nghiệp phải có ý thức bảo vệ an ninh quốc gia khỏi các rủi ro tấn công mạng.

Các lĩnh vực dự kiến sẽ chứng kiến những thay đổi về luật pháp bao gồm viễn thông, điện, tài chính, đường sắt, dịch vụ chính phủ và chăm sóc sức khỏe, cùng nhiều lĩnh vực khác. Các lĩnh vực này sẽ phải xem xét mọi vấn đề trong việc sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ của nước ngoài, bao gồm lưu trữ dữ liệu đám mây và kết nối với máy chủ đặt ở nước ngoài.

Theo báo cáo, chính phủ cũng sẽ giám sát mức độ tuân thủ của các công ty và có quyền ngăn chặn các công ty sử dụng thiết bị nước ngoài nếu họ phát hiện ra bất kỳ vấn đề lớn nào.

Các tiêu chuẩn chi tiết cũng có thể sẽ được nêu trong các sắc lệnh và hướng dẫn của chính phủ trong tương lai.

Ba năm trước, các cơ quan chính phủ Nhật Bản đã đồng ý ngừng mua sắm thiết bị có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia, chẳng hạn như thiết bị của Huawei và ZTE. Với nhiệm vụ mới nhất, chính phủ Nhật Bản hiện muốn mở rộng mức độ nghiêm ngặt lên khu vực tư nhân.

Động thái này diễn ra một tuần sau khi Colonial Pipeline - một trong những nhà khai thác đường ống lớn nhất của Mỹ cung cấp khoảng 45% nhiên liệu cho bờ biển phía đông của đất nước - bị tấn công bằng mã độc tống tiền. Do cuộc tấn công mạng, công ty đã phải tạm thời đóng cửa hoạt động, đóng băng các hệ thống CNTT nhằm cô lập sự lây nhiễm và trả gần 5 triệu USD để giải mã các hệ thống bị khóa.

Trong cùng tuần xảy ra vụ hack Colonial Pipeline, hãng Toshiba của Nhật cũng phải hứng chịu một vụ tấn công ransomware, mặc dù tác động của vụ tấn công chủ yếu ở châu Âu chứ không phải trong nước.

Các quốc gia khác, như Mỹ, cũng đã áp đặt các hạn chế tương tự đối với hoạt động mua sắm liên quan đến công nghệ. Ở Mỹ, các công ty - cả trong nước và nước ngoài - phải được phê duyệt cấp phép mới được mua công nghệ do Huawei và ZTE xây dựng hoặc bán hàng hóa cho các công ty Trung Quốc đó nếu chúng chứa một số công nghệ nhất định của Mỹ.

Tại Canada, các công ty viễn thông cũng không được phép mua thiết bị, sử dụng dịch vụ của Huawei trong các hoạt động xây dựng mạng 5G. Nhà cung cấp thiết bị mạng Trung Quốc cũng bị cấm ở Úc và Thụy Điển, New Zealand.

Trong khi đó, các mạng di động của Anh được thông báo rằng họ không thể mua thêm bất kỳ thiết bị 5G nào của Huawei sau cuối năm nay và phải gỡ bỏ công nghệ của công ty mạng Trung Quốc khỏi mạng 5G của họ vào cuối năm 2027.

 

 

Nguồn: Theo https://ictvietnam.vn/