Ngoại giao ''Cây tre Việt Nam'' thấm đượm bản sắc dân tộc

Ngoại giao “Cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”. Đây là sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại.

HNMO-HNNG-31-10.jpg

Ảnh minh họa

Từ bao đời, cây tre là hình ảnh mang tính biểu tượng trong đời sống tinh thần người Việt Nam. “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”, cây tre hóa thành sức mạnh trong hình ảnh Thánh Gióng nhổ tre đánh đuổi giặc Ân... Cây tre đi vào truyền thuyết, lịch sử, thơ ca và hiện diện bình dị, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, nay được khái quát, nâng tầm thành trường phái ngoại giao của dân tộc Việt Nam...

Nhìn lại quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, cũng như từ khi thành lập Nhà nước đến nay, nền ngoại giao Việt Nam đúng như lời khái quát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, đoàn kết dân tộc, tự lực tự cường, kiên cường chống giặc ngoại xâm và hòa hiếu với các dân tộc được hun đúc trong hàng ngàn năm lịch sử. Ngày nay, việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc đã giúp khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu. Từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho công cuộc đổi mới phát triển đất nước.

Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước; là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu; Đảng ta thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước… Hàng loạt con số đó phần nào nói lên thành quả của công tác đối ngoại của nước ta trong những năm qua, giúp huy động được các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với việc kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Mỗi thời kỳ, mỗi hoàn cảnh, ngoại giao lại mang trong mình những nhiệm vụ riêng, với cốt lõi là độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoại giao “Cây tre Việt Nam” mềm dẻo, linh hoạt đã giúp chúng ta có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, có vắc xin đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước... Song song với đó, Việt Nam cũng đã viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức, thể hiện rõ vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đi kèm với đó là không ít luận điệu xuyên tạc, kích động, chống phá, thù địch, phủ nhận thành quả cách mạng, bôi xấu hình ảnh đất nước ta trước bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh đó, ngoại giao “Cây tre Việt Nam” tiếp tục thể hiện qua lập trường kiên định, quyết liệt, “tùy cơ ứng biến”... từ đó tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của quốc gia, dân tộc...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Trước sứ mệnh to lớn ấy, sự nghiệp ngoại giao được ví như “mang chuông đi đánh xứ người” cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, có bản lĩnh để tiếp tục làm nên kỳ tích, đưa Việt Nam hòa vào dòng chảy của thời đại, làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”./.