Bắc Giang: Ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng DTTS

Tỉnh Bắc Giang tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững.

 20211221-u48.jpg

Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang vừa cho biết, thời gian tới, tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững. Tỉnh thông tin thường xuyên, kịp thời về kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, các tiến bộ khoa học, các mô hình ứng dụng khoa học cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết những vấn đề cấp thiết thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thẩm định, cấp kinh phí triển khai các dự án để các cơ quan chủ trì chủ động triển khai, nhất là những dự án mang tính thời vụ.

 Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện 11 dự án khoa học và công nghệ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 114 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và huy động của người dân, doanh nghiệp. Các dự án chú trọng đến những nội dung chuyển giao, làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, khả năng tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân ở vùng miền núi và dân tộc của tỉnh đã được nâng cao; hiệu quả sản xuất cũng tăng lên rõ rệt; nhiều dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.