Kiên Giang: Triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, giai đoạn 2021 - 2030, địa phương này tập trung các giải pháp đột phá nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp trên nguyên tắc ứng dụng đồng bộ giải pháp khoa học về giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, cơ giới hóa, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.

20211221-u30.jpg

  Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, giai đoạn 2021 - 2030, địa phương này tập trung các giải pháp đột phá nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp trên nguyên tắc ứng dụng đồng bộ giải pháp khoa học về giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, cơ giới hóa, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, Kiên Giang đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản…

Hiện, một số quy trình, công nghệ tiên tiến khác đang được áp dụng hiệu quả ở Kiên Giang, như: Ứng dụng công nghệ hiện đại để chọn tạo giống lúa ngắn ngày chống chịu mặn, năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phục tráng các giống lúa mùa đặc sản của địa phương; Phân lập giống gốc và sản xuất phôi các loại nấm có giá trị kinh tế cao; Ứng dụng công nghệ GIS để đánh giá, theo dõi mô hình sản xuất lúa - tôm; Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả lợi nhuận cho người sản xuất…

Trong thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với địa phương đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm số lượng lớn, tập trung, chất lượng đồng đều và đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhất là chú trọng những sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực.

Tiếp tục đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới bằng phương pháp nuôi cấy túi phấn, ứng dụng công nghệ tế bào như phát triển kỹ thuật nuôi cấy hạt phấn, để rút ngắn quá trình tạo dòng thuần, kết hợp thanh lọc mặn các dòng lúa ở giai đoạn mô sẹo nhằm chọn ra các dòng tái sinh có khả năng chống chịu mặn.

Đồng thời, chọn tạo và phát triển các giống năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu đối với các cây trồng chủ lực theo định hướng xuất khẩu.

Tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chức năng thực hiện các dự án, đề tài liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học công nghệ vào sản xuất giống các loài thủy sản trọng tâm; nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản năng suất, chất lượng cao theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả./.