“Dân hạnh phúc”, “Dân giám sát”, “Dân thụ hưởng” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặc biệt coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân để đánh giá về sự tiến bộ, ưu việt của quốc gia. Các yếu tố "dân hạnh phúc", “chỉ số hạnh phúc”, “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” là những điểm mới quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, không chỉ ở câu chữ mà còn ở tầm bao quát, cách tiếp cận. Đặc biệt, lần đầu tiên trong Văn kiện đề cập đến: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(1). Trong đó, nhấn mạnh yếu tố “hạnh phúc”, “chỉ số hạnh phúc” của Nhân dân. Đồng thời, trong việc phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, Đảng xác định: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(2). Như vậy, cùng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung nội dung “dân giám sát”, “dân thụ hưởng”. Đây là điểm mới và điểm nhấn quan trọng. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi vai trò của Nhân dân và mục tiêu phục vụ Nhân dân ngày càng được thể hiện trong các văn kiện của Đảng.

Hạnh phúc của Nhân dân

Hạnh phúc là một giá trị văn hóa - xã hội mang tính phổ quát toàn nhân loại. Ở bất cứ quốc gia - dân tộc nào, cũng như bất kỳ thời đại lịch sử nào, hạnh phúc vẫn luôn là khát vọng vươn tới của con người. Hạnh phúc là một khái niệm với nội hàm vô cùng rộng lớn; mỗi con người ở mỗi thời điểm khác nhau, có quan niệm và cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Và như vậy, hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh mỗi người, ở trong mỗi người; nội hàm của hạnh phúc có thể biến đổi, bổ sung, phát triển qua từng thời kỳ; hạnh phúc có thể là những điều lớn lao như hòa bình cho thế giới, con người trên khắp hành tinh không lo đói khát; hạnh phúc cũng có thể là những điều nhỏ bé, dung dị hàng ngày. Vì vậy, sẽ có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”, bởi vì mỗi người có quan niệm riêng và cách cảm nhận hạnh phúc riêng của mình.

Theo lối chiết tự từ nguyên thì chữ “phúc” gồm có bộ “lễ” (tôn kính), chữ “nhất” (một), chữ “khẩu” (miệng), chữ “điền” (ruộng) với hàm ý mong muốn có một mảnh ruộng, một đời sống có miếng ăn. Nghĩa rộng chỉ những sự tốt lành. Chữ “hạnh” nghĩa là may mắn. “Hạnh phúc” là những điều tốt đẹp, may mắn, sung sướng. Hạnh phúc luôn có một nét nghĩa thỏa mãn trong hưởng thụ, về vật chất (ăn, ở, mặc...), về tinh thần (giáo dục, văn hóa...).

Hạnh phúc của con người là một khái niệm rộng lớn, là đích đến cuối cùng của con người. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định các quyền cơ bản của con người, trong đó “quyền mưu cầu hạnh phúc” là chính đáng, không ai có thể xâm phạm được. Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Hạnh phúc là mục tiêu cao đẹp nhất gắn liền với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(3).

Theo Hồ Chí Minh, “hạnh phúc” là nói đến người dân được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do Chính phủ chăm lo và bản thân mỗi con người biết mưu cầu chính đáng, là “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(4), người dân từ chỗ có ăn, có mặc, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc và cống hiến... Trong chế độ dân chủ cộng hòa, mỗi người dân được pháp luật bảo đảm quyền được cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính độc lập cá nhân và phát triển toàn diện; việc mưu cầu hạnh phúc và đem lại phúc lợi xã hội cho con người trở thành quyền công dân, mỗi người dân và toàn xã hội đều có nghĩa vụ và trách nhiệm chung.

Năm 1976, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” vẫn được giữ nguyên, điều đó đã khẳng định sự bất biến trong mục tiêu cơ bản của dân tộc ta. Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc không chỉ là khát vọng mà còn là hệ giá trị vô giá và trở thành lẽ sống.

Trải qua hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 35 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, v.v.. đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Trên hành trình đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân, quyền dân chủ của Nhân dân; đồng thời coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các quốc gia.

Chủ trương, đường lối của Đảng, chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương...

Ngày 12/7/2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 66/281 tuyên bố ngày 20/3 hằng năm là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ gửi thông điệp tới toàn thể Nhân dân Việt Nam: “Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước Độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân dân phải là người chủ thực thụ của đất nước và của quá trình phát triển. Mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ. Đó cũng luôn là mục tiêu, là động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”(5).

Với những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, kết quả xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện: Năm 2018, xếp thứ 95; năm 2019 tăng lên một bậc; đặc biệt, trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới thường niên do Liên hợp quốc tài trợ được công bố năm nay, Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí thứ 83 (năm 2020) lên 79, vị trí cao hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, trên nước láng giềng Trung Quốc (thứ 84) hay các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaixia (81), Mianma (126). 

Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chí riêng về hạnh phúc quốc gia, nhưng điều này không ảnh hưởng đến sự cảm nhận và đánh giá của người dân trong và ngoài nước về hạnh phúc của người Việt Nam. Thực tế, việc cụ thể hóa các tiêu chí về chỉ số hạnh phúc gắn với điều kiện thực tế và phấn đấu để đạt được các tiêu chí đó là điều cần phải thực hiện để Việt Nam thực sự là quốc gia hạnh phúc.

Việc nhấn mạnh “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngừng nỗ lực để đạt được, để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân, đồng thời định hướng cho cả hệ thống chính trị, cho mỗi tổ chức, cá nhân nỗ lực phấn đấu.

Trên cơ sở sự định hướng của Đảng, năm 2020, nhiều đảng bộ tỉnh, thành phố đã đưa tiêu chí hạnh phúc của người dân vào trong báo cáo chính trị của đại hội, trong đó đo lường hạnh phúc thông qua các tiêu chí hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, hài lòng về cơ quan công quyền...

Yên Bái là địa phương đầu tiên đã đưa chỉ số hạnh phúc vào chương trình Đại hội Đảng bộ tỉnh, trở thành mục tiêu phấn đấu. “Chỉ số hạnh phúc” bao gồm các tiêu chí: sự hài lòng về cuộc sống, về môi trường sống, chỉ số tuổi thọ. Đánh giá sự hài lòng về cuộc sống có bốn yếu tố: sự hài lòng về điều kiện kinh tế vật chất; về mối quan hệ trong gia đình và xã hội; về chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp xúc với cơ quan công quyền. Sự hài lòng về môi trường sống có các yếu tố: sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng đô thị và làng xã; bảo vệ môi trường nước và xử lý rác thải, nước thải; bảo vệ rừng và môi trường.

Yên Bái đã vận dụng cách tính chỉ số hạnh phúc của tổ chức NEF - Tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, để đưa ra cách tính chỉ số hạnh phúc bằng công thức: Chỉ số hạnh phúc = (Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống × tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình) ÷ tỷ lệ hài lòng về môi trường sống. Với công thức trên, chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái hiện tại là: 53,3 %. Theo đó, người dân Yên Bái đang ở mức độ “Khá hạnh phúc mức 1”. Do đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất tăng chỉ số hạnh phúc của người dân trong nhiệm kỳ 2020-2025 thêm 15%, đạt 68,3%, tức là Khá hạnh phúc mức 2; đề xuất phương hướng phát huy lợi thế và khắc phục các vấn đề còn hạn chế, bất cập, nhằm xây dựng một xã hội hạnh phúc, đời sống vật chất, tinh thần và tuổi thọ của người dân không ngừng được nâng lên.

Dân giám sát, dân thụ hưởng

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng trọng dân, coi trọng vị trí, vai trò của Nhân dân: “dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết”; “dân là gốc của nước”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân là nguyên tắc tối cao, là sự nhất quán trong tư tưởng và hành động. Do đó, tôn trọng Nhân dân chính là phát huy dân chủ thực chất.

Theo Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, phải hướng vào phục vụ Nhân dân, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Do vậy, những vấn đề về đường lối, chính sách có liên quan đến sinh mệnh, cuộc sống của Nhân dân và tương lai của đất nước rất cần sự tham gia, đóng góp ý kiến của Nhân dân, để không chỉ vừa thể hiện sự tôn trọng, phát huy dân chủ mà còn tập hợp được trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của Nhân dân nhằm hạn chế những sai lầm, khuyết điểm.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đồng thời bổ sung yếu tố “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Để bổ sung “dân giám sát, dân hưởng thụ” là một quá trình 35 năm đổi mới đất nước, được trải nghiệm, chứng minh qua thực tiễn cũng như đòi hỏi từ cuộc sống của người dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đề ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, mở ra thời kỳ phát triển mới. Tại Đại hội, Đảng ta đã đề ra cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, đồng thời khẳng định “thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới.

Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, cơ chế nêu trên khó đi vào cuộc sống bởi vì chưa có quy định cụ thể dân được biết những gì? dân được bàn việc gì và bàn như thế nào? dân được làm ra sao? và dân được kiểm tra ai, kiểm tra gì, kiểm tra ở đâu. Vì vậy, Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước”. Tháng 02/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, trong đó nêu rõ thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để Nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành các nghị định để thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Nhờ đó, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thực sự đi vào cuộc sống.

Nhờ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra không khí dân chủ cởi mở hơn trong từng loại hình cơ quan, đơn vị cơ sở cũng như trong toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị. Quyền làm chủ trực tiếp của người dân được tôn trọng, mở rộng, đặc biệt là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân.

Tuy nhiên, ở một số nơi, trong đó có cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương, việc thực hiện dân chủ vẫn còn hình thức, Nhân dân không được biết những vấn đề, nội dung liên quan đến quyền lợi thiết thân của mình. Do vậy, trong Văn kiện Đại hội XIII, bên cạnh nhiệm vụ thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Đảng ta tiếp tục bổ sung hai nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được đề cập đến khi chúng ta chuẩn bị Văn kiện Đại hội XII, nhưng do chưa có sự thống nhất cao, nên tạm thời dừng lại. Dừng lại, nhưng không có nghĩa là không được triển khai trong thực tế. Những năm gần đây, qua quá trình tổng kết phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước, bất kỳ ở đâu cũng dễ dàng nhận thấy việc người dân thể hiện sự giám sát của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là với việc sử dụng nguồn vốn đầu tư trong xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn. Nhờ có sự giám sát của Nhân dân đã góp phần nâng cao chất lượng các công trình, đồng thời hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Hiệu quả càng thấy rõ khi sự giám sát được thực hiện qua nhiều hình thức, tổ chức khác nhau; từ khâu bắt đầu đến quá trình thi công rồi bàn giao đưa vào sử dụng các công trình nông thôn mới như đường giao thông, chợ, nhà văn hóa... Đồng thời, sự giám sát của dân chính là “cầu nối” đưa đến sự thụ hưởng, hài lòng của chính họ, Nhân dân là những người được hưởng lợi về cơ sở hạ tầng, sự thuận tiện trong đi lại đến đời sống kinh tế, tinh thần ngày một cải thiện, nâng cao hơn.

Từ những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Văn kiện Đại hội XIII đã đưa thêm yếu tố “dân giám sát, dân thụ hưởng” và đã được Nhân dân thống nhất cao. Cùng với đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn khẳng định rõ quyền của người dân được đặc biệt chú trọng. Đó là những quyền lợi hết sức sát sườn, thiết thực, từ sự phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường sống lành mạnh, trong sạch, an toàn. Đó là việc không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà là sự hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa phát triển kinh tế với xã hội, văn hóa, an sinh xã hội; là sự thụ hưởng của người dân cả về vật chất và tinh thần, an sinh xã hội được xem trọng hơn. Chính điều này cũng là biểu hiện sinh động của việc ý Đảng hợp với lòng dân. Đó cũng chính là quá trình tiếp tục củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng.

Như vậy, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sau 35 năm thực hiện và vận động trong cuộc sống đã đem lại hiệu quả rất tích cực, nhất là ở cơ sở. Đến nay, Đảng ta bổ sung, đề ra chủ trương thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là rất đúng đắn, phù hợp cả về lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước. Sau khi Đại hội XIII của Đảng thông qua, cần được thể chế hóa bằng cơ chế, pháp luật, chính sách để nhanh chóng đi vào cuộc sống, phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Đất nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều nội dung quan trọng, xác định đường hướng phát triển đất nước, đang bắt đầu được triển khai rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân. Trong Nghị quyết, Đảng ta tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; lấy hạnh phúc ấm no của Nhân dân làm mục tiêu để phấn đấu. Chủ trương của Đảng đã làm sâu sắc hơn giá trị lớn lao của 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc “- là những khát vọng cháy bỏng mà cả dân tộc luôn hướng đến và cũng là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng nỗ lực để đạt được, để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân./.

---------------------------

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.336, 173.

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.64, 187.

(5) Đình Nam: Hạnh phúc luôn hiển hiện, rất đỗi giản dị, http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=195032.

 

ThS Bùi Thị Bích Thuận, Trường Đại học Công đoàn