Văn hóa chính trị - ngọn đuốc thắp sáng tương lai dân tộc

Văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo. Từ khi xã hội có giai cấp, phát sinh áp bức bóc lột thì văn hóa chính trị là công cụ đấu tranh tinh thần nhằm xóa bỏ bất công, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, mang lại cuộc sống tự do, bình đẳng, bác ái, hạnh phúc. Trong tiến trình hướng tới mô hình chủ nghĩa xã hội khoa học hiện thực thì văn hóa là sự hướng đạo các giá trị phổ quát giàu tính nhân bản, theo dự báo tiên đoán chính trị được chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi. Và trong dòng chảy nghìn năm của văn hóa Việt Nam, văn hóa chính trị hiện đại vượt lên tiên phong, dẫn hướng cho tương lai dân tộc.

TCanh.jpg

Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ở Việt Nam, văn hóa chính trị thời hiện đại được kế thừa, tiếp biến trên nền tảng truyền thống yêu nước, thương nòi, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh là nhịp cầu nối giữa văn hóa chính trị truyền thống với văn hóa chính trị hiện đại, định hướng và mở ra chân trời tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.

Vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, một nhà báo Xô viết khi tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc đã dự báo từ Nguyễn Ái Quốc toát lên những giá trị văn hóa tương lai. Chủ nghĩa yêu nước chân chính kết nối với chủ nghĩa quốc tế vô sản đã hình thành trong nhân cách văn hóa chính trị Hồ Chí Minh lòng nhân ái bao la, đức khiêm nhường và tinh thần đấu tranh không nhân nhượng với thực dân, đế quốc. Tổ quốc và nhân dân là lẽ sống của Nguyễn Ái Quốc, đó là lý tưởng cộng sản cao đẹp, bất diệt đủ sức lan tỏa, là ngọn đuốc cách mạng đưa dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Nguyễn Ái Quốc cũng chính là người định hình văn hóa chính trị trong lòng nhân dân Việt Nam, trước tiên xác định sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ rồi tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, ngay khi ra đời, Đảng ta thực sự là ngọn đuốc soi sáng tương lai, đã tiên phong mở lối đi cho lịch sử nước nhà, là người khơi nguồn dòng chảy lịch sử cho hiện tại và tương lai. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Đảng nhận thức và hành động nhất quán, kiên định.

Giá trị văn hóa chính trị tiếp theo mà Nguyễn Ái Quốc xác định như một hòn đá tảng giữ cho Đảng trường tồn là bản chất giai cấp vô sản, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm "kim chỉ nam" cho đường lối cách mạng đúng đắn. Tư tưởng tiên phong thời đại gắn liền với đạo đức chuẩn mực giống như đôi cánh chim ưng, nâng cao tầm vóc lịch sử của Đảng. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã dành một dung lượng xứng tầm để nói về tư cách đạo đức của người kách mệnh (cách mạng). Sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đức hy sinh vì lý tưởng cộng sản, đó chính là những giá trị văn hóa chính trị trong nhân cách và phẩm giá của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo những chuẩn mực đạo đức cốt lõi nêu trên, thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam đã sản sinh nhiều thế hệ chiến sĩ cộng sản có khí tiết kiên trung bất khuất, là những hạt giống đỏ gieo vào phong trào đấu tranh cách mạng, tụ nghĩa được muôn dân.

vh-daibieu.jpg

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, văn hóa chính trị đã được Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chí Minh cùng với toàn dân khắc họa thành công: Một dân tộc tràn trề khát vọng độc lập, tự do đã nhất tề vùng lên giành quyền sống. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Hồ Chủ tịch đã cho thấy diện mạo văn hóa chính trị Việt Nam thời đại mới là xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Linh hồn văn hóa chính trị ấy đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập vừa giành được. “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cuộc kháng chiến chống hai đế quốc to là Pháp và Mỹ tiếp tục hoàn thiện và nâng tầm văn hóa chính trị ở Việt Nam. Một Đảng có đủ tầm tư duy chiến lược, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại, cùng chung một mục tiêu chiến đấu hy sinh cho chân lý bất tử “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, dân tộc đó tất thắng.

Trong bối cảnh cách mạng thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, những kẻ phản động hí hửng thúc đẩy chống Cộng và đợi chờ Việt Nam sụp đổ. Chính giữa lúc phong ba bão táp thời đại, ý Đảng lòng dân cùng hòa quyện, tạo nên dòng thác đổi mới, cuốn phăng đi thách thức lịch sử, đạp bằng trở ngại, lập nên những thành tựu có tính lịch sử, mang lại cơ đồ Việt Nam tươi mới, rạng rỡ. Trên tiền đề đó, dân tộc Việt Nam đang khát vọng hướng tới mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, là nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (vào giữa thế kỷ XXI).

Trong tiến trình hướng tới mục tiêu chiến lược có tính dẫn hướng thời đại, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đặt con người vào trung tâm phát triển, coi văn hóa là nguồn lực nội sinh, động lực tinh thần, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam. Đồng thời tăng cường xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng dân tộc là đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch Đảng và nâng cao tính phụng sự nhân dân của hệ thống chính trị, giữ được mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Như vậy, từ nền tảng truyền thống yêu nước thương nòi, tự lực, tự cường, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khắc họa tầm vóc văn hóa chính trị của Việt Nam trong thời hiện đại, như một tòa tháp hải đăng. Tầng thứ nhất, là văn hóa cứu nước theo con đường cách mạng vô sản. Tầng thứ hai, là văn hóa vùng lên giành độc lập. Tầng thứ ba, là văn hóa bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Tầng thứ tư, là văn hóa quyết đoán tìm ra con đường đổi mới, tư duy định hình cấu trúc chế độ xã hội chủ nghĩa phù hợp hoàn cảnh lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tầng thứ năm, là văn hóa khát vọng "dân tộc Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu”, đóng góp đáng kể vào tiến trình lịch sử nhân loại hướng tới hiện đại, văn minh, hòa bình, hạnh phúc, nhân ái, không còn áp bức, bất công.

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là khởi đầu tầm tư duy chiến lược văn hóa dân tộc Việt Nam thời hiện đại, được Đảng nêu ra như một tuyên ngôn văn hóa chính trị, đặt nền tảng cho văn hóa chính trị Việt Nam. Nghị quyết số 03-NQ/TƯ, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, là những cột mốc mới về tư duy văn hóa chính trị của Đảng.

Tháng 11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, có giá trị như “Hội nghị Diên Hồng” về nghị lực và ý chí xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thời độc lập, tự chủ, hướng tới chủ nghĩa xã hội. Tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và thực sự văn hóa chính trị là ngọn đuốc soi sáng chế độ mới ở nước ta.

Tháng 11-2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là sự tái hiện “Hội nghị Diên Hồng” trên mặt trận văn hóa, bồi đắp thêm trí tuệ, nhiệt huyết và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức đồng lòng xây dựng văn hóa, con người mang bản sắc truyền thống yêu nước, thương nòi, khát vọng hòa bình, độc lập, tự lực, tự cường; gia cố cho văn hóa chính trị thời đại Hồ Chí Minh tiếp tục thật sự là động lực tinh thần, sức mạnh nội sinh cho Đảng bất diệt và dân tộc trường tồn.

Nguồn: Theo hanoimoi.com.vn