Đột phá trong thâm canh cây lúa

Thực hiện mô hình hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) của Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới”(WB7) trên cây lúa tại tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

 20211217-u9.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Thành là một trong những hộ có diện tích canh tác lúa theo mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) tại HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh. Vụ Hè Thu 2019 mỗi ha lúa của gia đình ông Thành thu hoạch cho năng suất đến 56 tạ/ha, cao hơn 5 đến 8 tạ /ha so với canh tác truyền thống, lợi nhuận kinh tế mỗi ha cũng cao hơn gần 8 triệu đồng.

Mô hình trồng lúa CSA đã mang lại cho người dân Quảng Trị nguồn thu nhập tăng rõ rệt. Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh cho biết: Trồng lúa theo mô hình CSA yêu cầu nông dân cần có những kiến thức cơ bản về thời vụ, nhu cầu sinh lý của cây lúa và các biện pháp chăm sóc cây tự nhiên. Qua các lớp tập huấn về phân tích hệ sinh thái, sinh lý cây trồng giúp nông dân có thể áp dụng tốt mô hình CSA trên đồng ruộng của để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trot - BVTV Quảng Trị cho biết: Qua hai năm thực hiện mô hình, đã triển khai thực hiện 6 “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích” trên diện tích 438 ha với 456 hộ nông dân tham gia.

Năng suất lúa trung bình của mô hình CSA vụ Đông Xuân cao hơn ruộng sản xuất đại trà đến 9,5 tạ/ha ( tương đương 18 %); vụ Hè Thu cao hơn 7,6 tạ/ha (17,5%). Lợi nhuận thu về vụ Đông Xuân cao hơn trung bình 5 triệu đồng trên/ ha, vụ Hè Thu có nơi lên đến 15 triệu đồng/ ha.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá: Các mô hình CSA bước đầu đã tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế được thuốc BVTV trên đồng ruộng, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững.

Thành công của mô hình sẽ giúp phổ biến các bước thực hành CSA để áp dụng phù hợp từng biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, là điểm tham quan, học tập nhằm khuyến khích các địa phương khác ngoài mô hình.