Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trách nhiệm của cả cộng đồng

Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2021 (tại Quyết định số 830/QĐ-TTg) đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, huy động sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp.

hoc-truc-tuyen-30420-1623542681200.jpg

Sự phát triển của công nghệ và mạng internet có những tác động to lớn đối với trẻ em. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cảnh báo nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng

Theo thống kê của Digital (số liệu tính tới thời điểm tháng 01/2021) thì: Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là 68.720.000 người, tăng 551.000 người (tăng 0,8%) trong giai đoạn 2020-2021, chiếm 70,3% dân số; số lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 72 triệu (tăng hơn 7 triệu người trong vòng 1 năm), tương đương 73,7% tổng dân số, trong đó, trẻ em chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, trẻ em lại chưa có đầy đủ nhận thức về nguy cơ, mặt trái của internet, về kỹ năng sống cũng như kiến thức trong việc sử dụng internet, mạng xã hội một cách an toàn.

Tham gia môi trường mạng, trẻ em thường gặp nhiều nguy cơ như: tiếp cận với quá nhiều thông tin giả; lộ thông tin cá nhân; bị bắt nạt qua mạng; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào trang có thông tin xấu độc, hoặc nội dung lừa đảo… Sự xâm hại với trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những hình ảnh, clip  được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet; và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày. Theo thống kê, hiện mỗi ngày Youtube, Facebook đăng tải hơn 500 giờ clip, video lên mạng xã hội và điều này cho thấy luồng thông tin khổng lồ đang tác động tới trẻ em. Thực tế đã xảy ra một số sự việc đau lòng như trẻ bị lột đồ đánh hội đồng rồi bị tung clip lên mạng; trẻ bị quay trộm clip trong đó đang thể hiện tình cảm với bạn khác giới… dẫn đến việc các em cảm thấy hổ thẹn, hoang mang, trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết. Theo số liệu từ Bộ Công an, trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Việt Nam đã ban hành Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2018, trong đó có những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Việt Nam cũng đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12/2019, App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) được khai trương. Các hoạt động triển khai nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, song nhiều chuyên gia cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại. 

Tăng cường trách nhiệm bảo vệ trẻ em

Tháng 6/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, với sự vào cuộc của các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và Công an; đồng thời có sự phối hợp của các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí cùng tham gia, triển khai.

Thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/11/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025" (KH số 598/KH-UBND).

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm: Bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; Trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đảm bảo các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng; Phổ cập Hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam trên môi trường mạng đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để thực hiện hiệu quả Chương trình đó là Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng, gồm một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất: Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức ở quy mô toàn tỉnh; đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội. Tăng cường hiển thị trên kênh truyền hình của tỉnh (BGTV), truyền thông qua hệ thống phát thanh của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở về số điện thoại đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) tiếp nhận thông tin báo cáo xâm hại trẻ em và địa chỉ liên hệ của cơ sở bảo trợ xã hội, đơn vị bảo vệ chăm sóc trẻ em, các tổ chức tư vấn,…

Thứ hai: Lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường; phấn đấu trong mỗi năm học, các trường phổ thông bố trí 01 buổi ngoại khóa để trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet.

Thứ ba: Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội, gia đình, nhà trường trong thực hiện lồng ghép chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng với các chương trình hành động vì trẻ em, các chương trình bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư: Khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, phóng viên, biên tập viên, nhà báo…chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng.

Thứ năm: Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, giáo viên các trường học thực hiện công tác tuyên truyền về công nghệ thông tin và truyền thông, mạng internet và mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đặt ra nhiệm vụ phải thực hiện tốt việc: Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách; Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; Bố trí cán bộ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; Vận động nguồn lực và sự tham gia của xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế trong triển khai chương trình. Với những quyết tâm đặt ra, hy vọng chương trình sẽ góp phần tích cực trong bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giúp các em thực sự trở thành những công dân số trong tương lai không xa./.