Nông dân và công nghệ số

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có nông nghiệp và nông dân. Thực tế cho thấy, tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” quan trọng để người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

 Là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè ở xã La Bằng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), anh Lương Văn Đức đã rất hài lòng với hệ thống tưới tự động tiết kiệm cho hơn 2 ha chè của gia đình. Đây là hệ thống tưới tiêu vận hành thông qua điện thoại di động. Trước đây, với diện tích này, anh Đức phải thuê 4 lao động; hiện nay, chỉ cần một mình anh điều khiển từ xa cũng có thể hoàn thành trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, hệ thống tưới này không chỉ giúp cung cấp nước cho vùng chè, mà toàn bộ phân bón sử dụng là phân chuồng, phân xanh và các loại phân hữu cơ khác cũng được hòa qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây… Anh Đức cũng tranh thủ lên mạng Internet để tìm kiếm thị trường. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, anh cũng đã khai thác tối đa tính hữu dụng của điện thoại thông minh để livestream trực tiếp, tiếp thị và bán sản phẩm trên mạng Internet.

20211208-m09.jpg

Ứng dụng công nghệ đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất chè ở Thái Nguyên. (Ảnh: TB). 

Tương tự như anh Đức, hơn 2 năm qua, chị Ma Thị Chú ở huyện Mường Khương (Lào Cai) đã tập trung xây dựng fanpage, trang Facebook cá nhân để bán các loại quýt của gia đình. Hiện nay, fanpage chuyên bán hàng của Ma Thị Chú có hơn 17.000 lượt người thích, hơn 32.000 lượt người theo dõi. Mỗi lần livestream bán quýt, chị Chú đều "chốt đơn" và bán được 5 - 8 tạ quýt/ngày mà không phải vất vả mang hàng xuống chợ hoặc phụ thuộc vào thương lái như trước đây.

Anh Đức, chị Chú chỉ là hai trong số hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan. Hàng loạt chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Một ví dụ điển hình về “sức mạnh” của công nghệ số trong phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay chính là thành công của vụ vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương vừa qua. Việc minh bạch thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ đã giúp người nông dân xuất bán được hơn 215 nghìn tấn vải (cao nhất từ trước đến nay), bao gồm cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nông nghiệp số đã giúp cập nhật mọi thông tin về giống, quy trình chăm sóc, phân bón, thu hái, đóng gói, tem nhãn được minh bạch. Nhờ vậy, vải thiều Bắc Giang đã có mặt ở nhiều thị trường Mỹ, EU, Hà Lan, Nhật Bản… Thị trường mở rộng, giá trị kinh tế gia tăng và thu nhập của người nông dân cũng được nâng lên.

20211208-m10.jpg

 Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang được đưa lên sàn thương mại điện tử. (Ảnh: BT)

Theo đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đổi số là một xu thế không thể đảo ngược đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là nước có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số sẽ là cơ sở để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các mặt hàng nông sản. Muốn vậy, cần hình thành kinh tế nông nghiệp số, nông dân số...

Thực tế, những năm gần đây cùng với sự phát triển của xã hội, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh đã không còn xa lạ với người nông dân. Từ những trang trại “chăn nuôi không người”, “vườn rau không đất”, “trang trại tự động”, “sàn thương mại điện tử”… là những thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, việc vươn lên làm chủ công nghệ số của nông dân hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đó là thói quen sản xuất, tiêu thụ truyền thống; là những hạn chế của phần lớn nông dân trong tiếp cận công nghệ hay những khó khăn trong nguồn lực tài chính để hỗ trợ, giúp đỡ nông dân...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, "Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh". Thực hiện lời dạy của Bác gắn với điều kiện hiện nay, việc tiếp cận, làm chủ công nghệ số đối với người nông dân vừa là yêu cầu, vừa là xu thế khách quan. Theo đó, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường các cơ chế phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để khơi dậy ở nông dân khát vọng sáng tạo, vươn lên; đa dạng hóa các hình thức tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ số, nhất là trang bị cho nông dân kỹ năng khai thác sử dụng mạng Internet, kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử... Bản thân mỗi người nông dân cũng cần chủ động hơn trong việc tìm tòi, ứng dụng công nghệ vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; vươn lên làm chủ và khai thác triệt để những thế mạnh, ưu thế của công nghệ số gắn với lĩnh vực sản xuất cụ thể.

Tham gia xã hội số, xây dựng nền nông nghiệp thông minh và thị trường số là yêu cầu đặt ra đối với mọi nông dân hiện nay. Để quá trình đó thực sự có hiệu quả, đòi hỏi cần có sự chung tay, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương để nông dân Việt Nam thực sự là những “nông dân 4.0”, “nông dân thông minh”, phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay./.

Nguồn: Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam