Bắc Giang: Đồng bào dân tộc đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa

Bắc Giang là tỉnh với 45 thành phần dân tộc thiểu số (chiếm 14,26 % dân số toàn tỉnh), trong đó có 06 dân tộc thiểu số có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng, gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay ( bao gồm Cao Lan và Sán Chí ), Dao, trải qua hàng ngàn năm luôn đoàn kết, gắn bó, chia sẻ, thương yêu, xây dựng và bảo vệ quê hương, cùng nhau hun đúc, tạo dựng nên những giá trị truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa tốt đẹp, bền vững. Qua 10 năm thực hiện công tác dân tộc (2011-2021), diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

202108-l1.jpg
 
Diện mạo Nông thôn mới vùng DTTS khởi sắc ở Sơn Động (Bắc Giang) có nhiều khỏe sắc rõ nét.
 
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc rõ nét
 
Hiện nay, Bắc Giang có 02 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáođược cấp có thẩm quyền cho phép thành lập tổ chức và hoạt động ổn định. Đạo Phật có khoảng 87.730 tín đồ thường xuyên sinh hoạt và trên 110.000 tín đồ không thường xuyên sinh hoạt, chiếm 10,8 % dân số toàn tỉnh; Đạo Công giáo có 32.964 nhân danh (Giáo dân), chiếm 1,8% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản giữ được ổn định, theo hướng tuân thủ pháp luật. Sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo diễn ra “tốt đời, đẹp đạo” và được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi; các tôn giáo có nhiều hoạt động từ thiện, xã hội, tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm tới công tác dân tộc và tôn giáo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo từng bước khẳng định đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Ngoài việc duy trì thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh còn ban hành các chính sách đặc thù của địa phương, như: Chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho 36 thôn bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh theo Nghị quyết số 12 năm 2018 của HĐND tỉnh (giai đoạn 2016 - 2021); chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 07 năm 2017 và Nghị quyết số 06 năm 2018 của HĐND tỉnh.

Song hành với đó, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách như: chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; chính sách định canh định cư theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng giai đoạn 2011 -2015, các nhóm chính sách về y tế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo... Bởi vậy, qua 10 năm thực hiện công tác dân tộc (2011-2021), diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc giảm nhanh (giai đoạn 2011-2015 trên 4%; giai đoạn 2016-2020 là 5,2%). Cơ sở hạ tầng ở các xã thôn bản được đầu tư xây dựng đáp ứng dần nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân (đến nay có 100% thôn, bản có điện; 100% số xã vùng dân tộc, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm kể cả mùa mưa).

Tính đến hết tháng 5/2021 đã có 114/171 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt tiêu chí xã nông thôn mới; tỷ lệ các xã vùng dân tộc có nhà văn hoá xã đạt 84,82%; tỷ lệ người DTTS biết đọc, biết viết tiếng phổ thông 99,6%; người DTTS của tỉnh có thẻ bảo hiểm y tế 97,62%; tỷ lệ phụ nữ được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế người DTTS của tỉnh 99,3%; tỷ lệ trẻ em DTTS dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi 23,9%; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,6%.

20211208-l2.jpg

Một buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc đang sinh sống tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Cùng với đó, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét; công tác giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; cơ bản giải quyết tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào DTTS; đáp ứng được nguồn nước sinh hoạt cho các hộ, giúp thay đổi nhận thức, thói quen sinh hoạt của đồng bào vùng dân tộc, miền núi và góp phần nâng cao sức khỏe cho đồng bào trong khu vực.

Đặc biệt, các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, các dân tộc được bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau phát triển, hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc, miền núi được vững mạnh, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Nhiều dân tộc thiểu số là người bản địa sống lâu đời đã trải qua hàng ngàn năm luôn đoàn kết, gắn bó, chia sẻ, thương yêu, xây dựng và bảo vệ quê hương, cùng nhau hun đúc, tạo dựng nên những giá trị truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa tốt đẹp, bền vững. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc trong tỉnh. 

Quốc phòng, an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ vững, ổn định; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào các  dân tộc thiểu số trong tỉnh đối với Đảng, Nhà nước. Thực hiện nghiêm và có hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trước yêu cầu mới

Trên suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào dân tộc thiểu số với quan điểm, nguyên tắc nhất quán và xuyên suốt: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi phải được phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh; hệ thống chính trị ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số phải được xây dựng, củng cố và phát triển từng bước vững chắc...
 
Bám sát quan điểm định hướng, chỉ đạo ấy, tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch (giai đoạn 2021-2025), tỉnh sẽ xây dựng 65 công trình ngầm dân sinh, 8 công trình cầu dân sinh vùng đồng bào DTTS với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng nằm trên địa bàn 68 thôn, bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh thuộc 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế; Hỗ trợ kinh phí tổ chức nuôi dưỡng học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở và trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cụ thể: Hỗ trợ thêm 30% mức lương cơ sở/học sinh ở bán trú/tháng; hỗ trợ thêm 20% mức lương cơ sở/học sinh ở nội trú/tháng.
20211207-l10.jpg
 
Đông đảo các em học sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến tham quan, tìm hiểu Triển lãm về dân tộc, tôn giáo năm 2021.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương và các chính sách hiện hành của tỉnh, trọng tâm là triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong vùng.

Cùng với đó, tỉnh sẽ chú trọng, định hướng để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị cao như: vải thiều, cam, bưởi, na, dứa...; huy động mọi nguồn lực, kêu gọi tài trợ của các tổ chức quốc tế và vốn xã hội hoá từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, các vấn đề tái định cư, nước sản xuất, nước sinh hoạt cho Nhân dân.

20121207-l100.jpg

20211207-l103.jpg

Nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về đồng bào dân tộc thiểu số được trưng bày tại Triển lãm (7/12/2021) tại Bắc Giang.

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động là người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng đất đai, lợi thế của từng vùng, bảo vệ và phát triển rừng.

Đặc biệt, quan tâm đến việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công tác dân tộc, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất hàng hóa; phát triển giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề tạo việc làm trong vùng dân tộc thiểu số; quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, sinh thái vùng dân tộc, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng công tác cải cách hành chính đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực công tác dân tộc, từng bước nâng cao hiệu quả công tác, (CCHC), áp dụng thực hiện chữ ký số... Đây là một trong những nội dung trọng tâm, trong công tác CCHC của Ban Dân tộc Bắc Giang, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Ông Trương Văn Bảo, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: Qua tập huấn, cán bộ cấp huyện, cấp xã nắm bắt được nội dung, chính sách, tiêu chí, điều kiện bình chọn Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS ở cơ sở theo Điều 4, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg. Từ đó, tiến hành lập danh sách, hồ sơ đề nghị công nhận Người có uy tín trong đồng bào DTTS đúng thủ tục, quy trình, đúng đối tượng, tránh được việc tập trung đông người, nhưng vẫn bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời, rút ngắn thời gian so với trước đây.

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về dân tộc tôn giáo và truyền thống lịch sử bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, năng lực; đề cao trách nhiệm và đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của công chức, thực hiện có hiệu quả công tác CCHC trong phạm vi quản lý.