Postmart sẽ đưa nhiều đặc sản Yên Bái ra thị trường nước ngoài

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng về đẩy mạnh chuyển đổi số và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Vừa qua, đoàn công tác của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có chuyến đi thực tế tại hai huyện Lục Yên và Văn Chấn của tỉnh Yên Bái để giúp bà con nơi đây có thể sớm đưa các đặc sản của địa phương như măng khô, lạc ri đỏ, cam sành lên sàn thương mại điện tử.

2021121-yb1.jpg

Nhân viên Bưu điện hướng dẫn anh Giàng A Vảng đưa đặc sản chè San tuyết lên Sàn Postmart

Hiệu quả từ việc đưa nông sản lên Sàn Postmart

Huyện Lục Yên là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái, nơi mà người dân tộc thiểu số chiếm phần đa số. Địa hình, địa thế rất khó khăn trong việc đi lại. Bưu điện huyện Lục Yên đã vượt qua những khó khăn để thực hiện và triển khai Quyết định 1034/QĐ-BTTTT, bà con nông dân rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên bị các thương lái ép giá, dẫn đến việc được mùa mất giá, được giá mất mùa, bà con rất trăn trở việc này. Từ khi có Sàn thương mại điện tử Postmart sản lượng nông sản ở đây được tiêu thụ nhiều hơn. Rồi tới đây, khắp vùng miền trên cả nước có thể đặt đặc sản Yên Bái trên sàn Postmart. Đây cũng chính là một bước chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn tại Yên Bái.

2021121-yb9.jpg

Một trong những sản phẩm đông dược của công ty Đông Dược Thế Gia đóng  tại Văn Chấn, Yên Bái

Ông Hoàng Quốc Dũng, Giám đốc Bưu điện huyện Lục Yên cho biết, từ khi triển khai Quyết định 1034/QĐ-BTTTT, nhân viên  Bưu điện đã vào hỗ trợ, hướng dẫn bà con tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart. Từ đó số lượng nông sản tiêu thụ được nhiều hơn,  bà con tiêu thụ được nhiều sản phẩm, không còn tình trang bị “ép giá” từ các thương lái.

Cụ thể như măng khô của xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, trước khi Bưu điện vào hỗ trợ bà con thì thương lái ép giá, chỉ bán được 70.000 đồng/kg. Sau khi Bưu điện vào thu mua với giá 100.000 đồng/kg thì thương lái vào trả giá cao hơn so với Bưu điện. Từ đó “tạo cuộc chơi sòng phẳng giữa bà con với thương lái bán hàng trên thị trường”, ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, hiện Lục Yên còn rất nhiều sản phẩm OCOP chưa được đưa lên sàn. Thời gian tới, để đẩy mạnh triển khai Quyết định 1034/QĐ-BTT&TT, Bưu điện huyện Lục Yên sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hội Nông dân của huyện để đưa sản phẩm của hợp tác xã, nông dân lên sàn thương mại điện tử.

Về hướng dẫn kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nhân viên Bưu điện sẽ có các buổi hướng dẫn cho bà con nông dân để nắm được về quy trình đưa sản phẩm lên sàn, về chất lượng sản phẩm.

Lợi thế của Lục Yên là có mạng lưới đường thư phủ kín 100% các xã trên địa bàn huyện, đa số đường thư trong ngày, để hỗ trợ cho bà con triển khai Quyết định 1034, về phía Bưu điện cũng sẽ tổ chức sản xuất lại đường thu gom, từ thôn bản tới các xã, từ xã lên huyện, từ huyện về tỉnh.

Ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn cho biết, hiện HTX có 5 sản phẩm OCOP 3 sao đều đã có mặt trên sàn, gồm: Lạc ri vỏ đỏ, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, dầu đỗ tương, dầu vừng. Đó là sản phẩm nguyên chất sản xuất từ nông sản của địa phương. Thông qua sàn TMĐT của Bưu điện đã giúp HTX giải quyết khối lượng hàng đi lớn hơn. Trong 1 tháng, sàn đã tiêu thụ 1 – 2 tạ lạc nhân, hơn hẳn bán lẻ (chỉ được 50% số lượng).

Postmart sẽ đưa đặc sản của Văn Chấn ra nước ngoài

Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nằm trên độ cao gần 1.400 m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, du khách đến với Suối Giàng không phải để nghỉ dưỡng mà chủ yếu để được thưởng thức thứ chè đặc sản mang tên San Tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Vùng chè San Tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 393ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên là 293ha, chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… với hơn 4 vạn cây có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm. Chè San Tuyết cổ thụ có thân cây to bằng vài người ôm, màu trắng mốc, tán cây rộng khoảng 20m², lá màu xanh đậm.

Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều ngày có mây mù nên chè ở đây búp to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Chè San Tuyết là loại cây mọc tự nhiên trên vùng núi cao, được nuôi dưỡng bằng sinh khí của đất, trời nên búp và lá chè rất to, có màu xanh đậm, trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng trắng như tuyết. Vì vậy mà chè có tên Shan Tuyết (chè được ngậm tuyết trên núi cao).

Anh Giàng A Vảng, thôn Giàng A, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái  cho biết, hiện gia đình anh có hơn 2ha, hơn 3.000 cây, trong đó có cây chè Tổ hơn 400 tuổi. Từ 15/3 đến 15/4 là hết vụ chính. Từ tháng 5 đến tháng 10 hái liên tục, búp nào dày thì cấu búp đấy, thu cho đến tháng 11 thì hết chè. Chè của gia đình anh, trung bình sẽ có giá từ 1.5-12tr/1 kg. Chè được rất nhiều du khách trong và ngoài nước rất thích.

2021121--yb4.jpg

Du khách thưởng trà tại Không gian Văn hóa trà Suối Giàng

Chị Trần Thị Thanh Lịch, nhân viên của Không gian Văn hóa trà Suối Giàng cho biết, hiện có 4 vị trà: Diệp trà, hồng trà, hoàng trà và bạch trà. Bạch trà đắt nhất, không phải do hương vị ngon nhất mà do hiếm nhất, được hái từ 1 tôm đầu tiên của cây trà, hái từ khi có sương sớm. Khi sương hết thì không được hái nữa. Hồng trà là loại trà đã được lên men 90%, đã khử gần như hết chất chát, rất tốt cho sức khỏe. Loại trà này phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Diệp trà là trà phổ thông, mọi người thường hay uống, rất hợp với phái nam vì khi uống thì có vị chát nhưng sau đó lại có vị ngọt trong cổ họng. Giá bán bạch trà 12 triệu đồng/kg; diệp trà 4,8 triệu, hồng trà 6,5 triệu, hoàng trà là 4 triệu.

Thời gian qua, nhờ có sàn thương mại điện tử mà có nhiều du khách trong nước biết đến chè San Tuyết. Trong thời gian tới, người dân ở đây mong muốn thông qua sàn TMĐT Postmart, đặc sản chè San Tuyết của Văn Chấn, Yên Bái có thể đi ra thế giới.

2021121-yb8.jpg

Ông Phạm Tuấn Dũng, Phó phòng Kinh doanh Bưu điện Yên Bái hướng dẫn nông dân đưa cam lên sàn Postmart

Ông Phạm Tuấn Dũng, Phó Phòng Kinh doanh của Bưu điện tỉnh Yên Bái cho biết, theo lộ trình thì Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và Sở TT&TT tổ chức 1 hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam; xúc tiến các sản phẩm sản xuất tại địa phương.

Ngoài ra, Bưu điện sẽ hỗ trợ các kênh truyền thông, marketing để sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn Yên Bái có thể vươn xa trên phạm vi rộng hơn.

Thời gian qua, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã đưa được 174 sản phẩm đặc sản, nông sản của Yên Bái lên sàn TMĐT Postmart.vn. Các sản phẩm chè ở đây có đặc thù là có nhiều hộ sản xuất khác nhau. Đã đưa được 3 – 5 hộ sản xuất, với 15 – 20 sản phẩm chè lên.

Thời gian tới, sau khi rà soát các hộ sản xuất nông nghiệp thì Bưu điện sẽ cố gắng đưa tối đa các hộ sản xuất nông nghiệp và các hộ lên sàn Postmart./.