Đưa công cụ, công nghệ thông tin vào cải cách quy định kinh doanh

Muốn cải cách thành công không thể tiếp cận theo cách làm cũ là bằng giấy, mà phải gắn với công cụ, công nghệ thông tin (CNTT) để bảo đảm công khai, minh bạch. Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để tạo ra làn sóng cải cách mạnh mẽ thứ ba của Việt Nam.

20211118-m14.jpg

Hội nghị tập huấn về Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu của các bộ, ngành. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 18/11, VPCP tổ chức Hội nghị tập huấn về Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Nhiều kết quả bước đầu

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, Nghị quyết 68 được coi là làn sóng cải cách mới, đặt ra những chỉ tiêu hết sức cụ thể với cách làm hoàn toàn mới. Đó là gắn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với ứng dụng CNTT, cải cách cả quy định và việc thực hiện các quy định.

Trong đó, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan đến năm 2025 là bảo đảm thực hiện mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành, cũng như kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành cũng như trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân.

Theo ông Ngô Hải Phan, Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt việc thực hiện chương trình cải cách này. Năm 2021, một loạt các nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết số 01, 45, 50, 58, 75, 76, cùng nhiều văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như Văn bản số 516/TTg-KSTT, Quyết định số 468/QĐ-TTg, Chỉ thị số 23/CT-TTg… cho thấy sự kỳ vọng lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vào chương trình cải cách.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhưng nhờ những nỗ lực và sự quyết tâm cao, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu, mặc dù còn rất khiêm tốn so với những rào cản đang hiện hữu, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã thực thi cắt giảm được 42 điều kiện kinh doanh; bãi bỏ 572 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 200 TTHC và xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa 906 quy định kinh doanh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tính đến nay, các bộ đã xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.494 quy định kinh doanh (dự kiến sửa đổi, bổ sung 192 văn bản). Trong đó, đã có 6 bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; đã có 2 phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phương án của Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước. Một số bộ đã và đang gửi lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan để hoàn thiện phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ

Bên cạnh đó, một số đề án, như đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cùng nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành được xây dựng, tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ cho cải cách TTHC và phát triển chính phủ điện tử, hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Về cải cách việc thực hiện quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đến nay đã có 60/63 địa phương tổ chức trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử; cung cấp 226 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, 3.156 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chính thức đưa vào vận hành Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giảm giấy tờ công dân phải cung cấp khi thực hiện TTHC…

Theo ông Ngô Hải Phan, đây là những cơ sở pháp lý và thực tiễn để đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tới.

Công cụ tạo sự công khai, minh bạch

Đáng chú ý, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 75/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã phối hợp cùng các chuyên gia của dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LINK SME) và Tập đoàn VNPT tiếp tục phát triển phần mềm thống kê, rà soát, tính chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thành Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh.

Theo ông Ngô Hải Phan, đây là công cụ giúp các bộ thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, hình thành cơ sở dữ liệu quản lý các quy định kinh doanh theo thời gian thực (gồm cả quy định hiện hành và dự kiến ban hành), hỗ trợ các bộ, cơ quan tham vấn hiệu quả ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và quy định dự kiến ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng quy định pháp luật và chất lượng thể chế; cập nhật, tổng hợp và công khai thường xuyên tình hình, kết quả thực hiện cải cách của các bộ.

“Giữa VPCP với các bộ sắp tới không còn câu chuyện tranh luận cắt mấy quy định, giảm mấy quy định, đã sửa đổi hay chưa sửa đổi… Tất cả sẽ được thể hiện trên Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh. Nhờ đó, tạo sự công khai, minh bạch và theo dõi được toàn bộ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cũng như quá trình cắt giảm, đơn giản hóa”, ông Ngô Hải Phan cho hay.

Về phía hiệp hội, doanh nghiệp và người dân, công cụ cho phép tra cứu, tìm kiếm quy định kinh doanh theo các nhiều tiêu chí linh hoạt; tham gia đóng góp ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cũng như quy định dự kiến ban hành trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, nắm bắt được những nỗ lực cải cách của các cơ quan quản lý Nhà nước trong cải cách quy định, cải thiện môi trường kinh doanh, trực tiếp gửi vướng mắc, đề xuất đến các cơ quan nhà nước và gửi hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính đến Cổng Dịch vụ công quốc gia và cũng như cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ông Ngô Hải Phan cho biết, dự kiến khoảng giữa tháng 12/2021, VPCP sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, cùng sơ đồ thể chế quy định kinh doanh khi đã có đầy đủ số liệu được các bộ cập nhật vào hệ thống.

Vì vậy, các bộ, cơ quan cần rà soát, cập nhật đầy đủ, chính xác các danh mục lĩnh vực, ngành nghề; tiêu chuẩn, quy chuẩn; sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của các bộ; rà soát, cập nhật đầy đủ, chính xác các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được chuyển từ hệ thống cũ sang Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh; cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy định đang có hiệu lực thi hành khi có quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế, bị bãi bỏ, hủy bỏ hoặc quy định được ban hành mới.

Đặc biệt chú ý cập nhật đầy đủ, kịp thời cả các quy định dự kiến ban hành trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để gửi lấy ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia. Cập nhật kết quả rà soát, phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia, cũng như khi trình Thủ tướng Chính phủ và khi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua; trình Thủ tướng Chính phủ (đối với các bộ chưa trình) và thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để theo dõi quá trình thực thi phương án.

“Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất, chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao, tháo gỡ những nút thắt, rào cản, tạo ra làn sóng cải cách mạnh mẽ thứ ba của Việt Nam để phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19. Do đó, các bộ cần làm chủ công cụ này để có sản phẩm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 12 tới”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, cơ quan đã được các báo cáo viên giới thiệu về Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh và những điểm mới; hướng dẫn đăng ký, phần quyền tài khoản và quản trị hệ thống, hướng dẫn cập nhật dữ liệu thống kê, tính chi phí tuân thủ và rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; tổng hợp báo cáo thống kê, báo cáo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, tham vấn phương án cắt giảm, đơn giản hoá và quy định dự kiến ban hành trong dự thảo văn bản; phản hồi ý kiến góp ý của hiệp hội, doanh nghiệp trên hệ thống Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy đinh kinh doanh…

Nguồn: Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ