Phần mềm quản lý và truy vết Covid giúp các doanh nghiệp phòng dịch hiệu quả, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với tinh thần “Sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”, từ ngày 14/6/2021, tỉnh Bắc Giang chính thức triển khai áp dụng phần mềm quản lý và truy vết Covid cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc áp dụng phần mềm này trong DN vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Cơ sở dữ liệu cần đồng bộ

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để bảo đảm thực hiện việc truy vết, khoanh vùng dập dịch trong DN chính xác và kịp thời, từ tháng 6/2021 UBND tỉnh đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) triển khai phần mềm quản lý và truy vết Covid-19 cho các DN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ứng dụng phần mềm này, các DN cập nhật dữ liệu, biến động về nơi ở, biến động về di chuyển của người lao động trực thuộc. 

20211117153849-img-1278.jpg

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam.

Đồng thời phần mềm cũng cung cấp các chức năng hỗ trợ truy vết để truy xuất dữ liệu các F liên quan khi có F0 xuất hiện trong dữ liệu người lao động do các DN cung cấp, cập nhật trên phần mềm. Việc tạo lập tài khoản được cập nhật và thực hiện hằng ngày theo đăng ký của DN.

Được biết, Sở TT&TT đã hướng dẫn DN cập nhật thông tin người lao động trên phần mềm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh tạo lập 363 tài khoản của các DN trong KCN và 3.363 tài khoản cho DN thuộc các huyện, TP. Tổng số lao động trong các DN được cập nhật dữ liệu trên phần mềm gần 269 nghìn lao động, trong đó hơn 151 nghìn lao động cập nhật dữ liệu về nơi ở, còn lại là cập nhật thông tin về di chuyển.

Thực tế, việc triển khai phần mềm quản lý và truy vết Covid trong DN trên địa bàn tỉnh bước đầu đã phát huy hiệu quả song vẫn còn bất cập. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Việt Yên cho biết, sau hơn 4 tháng ứng dụng phần mềm cho thấy, việc truy cập vào phần mềm mất nhiều thời gian do tốc độ chạy chậm và hay bị "treo".

Ngoài hạn chế nêu trên, theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, các DN đã ứng dụng phần mềm song việc cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động hằng ngày vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi nhiều DN có số lượng công nhân lớn, thường xuyên biến động nơi ở, chỗ làm việc trong khi các DN này chưa bố trí đủ nhân lực chuyên trách cập nhật thông tin. Mặt khác, phần mềm trên chỉ cấp mã QR-Code chung cho từng DN mà chưa cấp đến từng công nhân. Do đó việc cập nhật dữ liệu không thường xuyên, liên tục khiến việc hỗ trợ truy vết các F không thể thực hiện.

“Hiện trong KCN có 2 DN có số lượng công nhân lớn đã tự tạo mã QR-Code riêng để quản lý công nhân, nhưng do việc triển khai của DN không triệt để nên khi xảy ra dịch Covid-19 khó truy vết các F”, ông Ngọc cho biết thêm.

Ghi nhận tại Công ty TNHH Crystal Martin (KCN Quang Châu) được biết, hiện DN có 9,7 nghìn lao động. Để cập nhật được thông tin dữ liệu về người lao động trên hệ thống phần mềm quản lý và truy vết Covid, đơn vị bố trí 1 người phụ trách tuy nhiên thực tế cho thấy có tình trạng công nhân thường xuyên di chuyển nhà trọ song không khai báo thông tin kịp thời nên DN không nắm bắt được để điều chỉnh dữ liệu.

100% DN phải triển khai ứng dụng phần mềm

Theo ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT, để bảo đảm triển khai sử dụng phần mềm quản lý và truy vết Covid cho DN, các cơ quan nhà nước, trường học, đặc biệt là trong DN đạt hiệu quả tốt nhất, các đơn vị, DN phải thường xuyên cập nhật dữ liệu (bao gồm cả dữ liệu biến động về nơi ở và dữ liệu biến động về di chuyển) để bảo đảm dữ liệu có trên phần mềm là dữ liệu đầy đủ, chính xác, sẵn sàng phục vụ các cơ quan chức năng quản lý và truy vết khi cần thiết.

20211117153849-z2942206087453-a6b87ccc7f1e3a521b14b012f1810002.jpg

Công nhân Công ty TNHH Luxshare ICT- Việt Nam quét mã khai báo thông tin tạm trú ban đầu tại nhà trọ trên địa bàn xã Tăng Tiến (Việt Yên).

Các đơn vị, DN cần phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT trong việc cập nhật, khai thác, sử dụng phần mềm để bảo đảm việc khai thác, sử dụng đạt hiệu quả. “Đề nghị UBND tỉnh có chế tài cụ thể đối với đơn vị không thực hiện cập nhật dữ liệu trên phần mềm”, ông Phong nói.

Để thuận lợi cho việc cập nhật dữ liệu, ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho rằng: Sở TT&TT nên bổ sung mục “Số điện thoại của người đại diện theo pháp luật của DN” khi khai báo DN trên phần mềm để thuận tiện trong thông tin liên lạc.

 

Phần mềm quản lý và truy vết Covid cho các DN sẽ hỗ trợ quản lý công nhân theo từng DN, chi tiết đến phân xưởng, tổ sản xuất; quản lý lịch sử về nơi ở, nơi làm việc và di chuyển trên phương tiện ô tô đưa đón công nhân để khi phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 sẽ ngay lập tức có được thông tin về các đối tượng liên quan giúp nhanh chóng, kịp thời khoanh vùng, truy vết.

 

Đồng thời nghiên cứu tích hợp phần mềm quản lý và truy vết Covid cho DN với các ứng dụng: PC Covid, Sổ sức khỏe điện tử, Phần mềm quản lý lưu trú… nhằm thuận tiện trong quản lý và truy vết, hoặc tạo một phần mềm chung tích hợp giữa quản lý và truy vết Covid cho các DN và trong các nhà trọ trên địa bàn tỉnh.

Cùng với các giải pháp trên, để phát huy hiệu quả phần mềm Quản lý và truy vết Covid, bản thân mỗi DN cần chủ động, tích cực vào cuộc để cập nhật đầy đủ dữ liệu thông tin về sự thay đổi của người lao động hằng ngày, bảo đảm chính xác, kịp thời; quan tâm bố trí đủ nhân lực, máy móc và các điều kiện cần thiết khác đáp ứng yêu cầu cập nhật thông tin lên phần mềm. 

Trước khó khăn của người lao động do thường xuyên di chuyển chỗ ở trọ khiến thông tin đã cập nhật bị lạc hậu, thiếu chính xác, để kiểm soát tốt việc khai báo thông tin, DN cần yêu cầu người lao động ký cam kết thực hiện nghiêm trong quá trình di chuyển chỗ ở, có hình thức xử lý những trường hợp thiếu hợp tác, khai báo không trung thực, kịp thời. 

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, qua thực hiện phần mềm Quản lý và truy vết Covid, kết hợp với các biện pháp khác thiết thực giúp các DN phòng dịch hiệu quả, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn