Mong học sinh có thêm niềm vui khi tới lớp, tới trường

Vượt quãng đường cách nhà 150 cây số để tới trường, ước mong của thầy Lò Văn Hơn chẳng có gì hơn là mong cộng đồng xã hội, các tổ chức thiện nguyện đem đến nhiều phần quà cho các em học sinh và người dân xã vùng sâu, vùng xa, làm vơi đi những khó khăn thường ngày để học trò của thầy có thêm niềm vui khi tới lớp, tới trường.

anhchau111.jpg

Thầy Lò Văn Hơn cùng các thầy cô trong trường cắt tóc, móng tay cho học sinh

Sinh ra và lớn lên ở bản Nà Sàng, xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã, năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sơn La, thầy Lò Văn Hơn nhận công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sam Kha.

 

"10 năm qua, tuy cuộc sống của tôi cũng như người dân nơi này đã có nhiều cải thiện nhưng Sam Kha vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Các điểm trường đều xa trung tâm, điểm gần nhất cách 5 km, xa nhất là 19 km, nhiều điểm trường ở tình trang "3 không": không điện, không sóng điện thoại, không có mạng internet. Học trò của tôi, nhiều em phải vượt núi, đi bộ từ 5 đến 7 km đường đất để đến trường", thầy Hơn kể về nơi gắn bó cả thanh xuân.

Khó khăn mà người thầy sinh năm 1989 phải đối mặt để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng không phải là ít bởi cơ sở vật chất cho việc dạy và học âm nhạc của nhà trường còn thiếu thốn khá nhiều, trường chưa có phòng học chức năng, tranh ảnh để phục vụ cho việc dạy bộ môn này, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cũng rất nan giải.

Dù vậy nhưng vượt lên tất cả, thầy Lò Văn Hơn vẫn không ngừng sáng tạo, có nhiều sáng kiến, mô hình hay trong quá trình giảng dạy. Nói về sáng kiến: “Sử dụng xen lẫn tiếng dân tộc Mông trong quá trình giảng dạy bộ môn âm nhạc”, thầy thổ lộ, với đặc thù của xã hơn 90% là người dân tộc Mông, khả năng sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp và trong quá trình học tập của học sinh nhất là học sinh đầu cấp như lớp 1, lớp 2 gặp không ít rào cản. Ngay cả phụ huynh của các em cũng thường xuyên sử sụng tiếng dân tộc để giao tiếp. Từ thực tế này, thầy Hơn đã áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với đặc thù vùng miền và thành phần dân tộc, khơi gợi hứng thú học tập của học trò. 

anhchau333.jpg

Học sinh của trường hội thu rác tái chế ủng hộ phong trào "Kế hoạch nhỏ”

"Thông qua sử dụng xen lẫn tiếng Mông để giảng giải các từ hoặc nội dung kiến thức mà các em không hiểu, sau một thời gian triển khai, tôi nhận thấy học sinh nắm được kiến thức môn học tốt hơn, khả năng sử dụng tiếng Việt của các em cũng được cải thiện rõ rệt", thầy Hơn nói.

Hay như sáng kiến "Vai trò của thầy giáo Tổng phụ trách Đội trong giáo dục học sinh bán trú” đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh bán trú. "Học sinh của tôi nhiều em ở với thầy cô nhiều hơn cha mẹ. Có em  xa gia đình từ lớp 1 đến lớp 9, ở bán trú từ chiều chủ nhật đến chiều thứ 6, thứ 7 mới về nhà. Cá nhân tôi nhận thấy cần thiết phải giáo dục cho các em từ việc vệ sinh cá nhân, lối sống trong môi trường tập thể đến rèn tính tự lập, tự học, cao hơn nữa là giáo dục cho các em về luật trẻ em, quyền bình đẳng giới, phòng tránh tai nạn thương tích, các kỹ năng sống, khắc phục tình trạng tảo hôn, tự tử bằng lá ngón... qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp càng sớm càng tốt. 

Từ việc có nhiều thời gian gần gũi, uốn nắn học sinh bán trú, tôi đã tạo được nhiều thói quen tốt cho các em như trải nghiệm làm vườn rau bán trú bán cho bếp ăn của trường. Hay nâng cao ý thức bảo vệ môi trường qua việc mỗi sáng, mỗi em mang một túi đựng rác nhặt được trên đường đến trường. Rác được phân loại, tái chế hoặc đem bán. Toàn bộ số tiền thu được để thực hiện phong trào "Kế hoạch nhỏ” mỗi năm cũng gần 20 triệu đồng dành xây dựng khu vui chơi, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là những điều các em nhỏ tận tay làm, tận mắt chứng kiến và cũng dễ dàng thuyết phục các em làm theo nhất", thầy Hơn phấn khởi nói.

2fb0a89c3633fe6da722.jpg

Với vai trò giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy Lò Văn Hơn tích cực tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoài trời

Cùng với hai sáng kiến kể trên, sáng kiến "Tích hợp hiệu quả hoạt động trải nghiệm và khám phá trong dạy học môn âm nhạc lớp 1” nhằm phát hiện và rèn luyện năng khiếu âm nhạc, khiến học sinh hứng thú học tập, linh hoạt trong các hoạt động ngoài trời đã được Hội đồng khoa học cấp trường, cấp huyện công nhận là sáng kiến có hiệu quả và được áp dụng từ năm 2017 đến nay. 

Nói về động lực để có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, người thầy giáo dân tộc Thái cho biết: "Ngay từ nhỏ tôi đã có ước mơ được đứng trên bục giảng. Khi ước mơ trở thành hiện thực, cá nhân tôi luôn tự nhủ phải làm sao cống hiến hết khả năng của mình để giáo dục học sinh. Sinh ra và lớn lên tại vùng sâu, vùng xa, tôi dành sự thương cảm của mình đến với các em học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số. Nhiều người dành sự chia sẻ với những khó khăn của những giáo viên vùng sâu, vùng xa như chúng tôi nhưng khó khăn hơn hết mà tôi cũng như các thầy cô trong trường phải vượt qua đó là nhận thức của nhiều bậc phụ huynh. Với tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều gia đình vẫn chưa coi trọng việc trang bị kiến thức cho con em mình. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng hay phải tiếp cận giáo dục trong điều kiện ngặt nghèo vẫn còn xảy ra khiến chúng tôi day dứt, tìm mọi cách để thuyết phục, vận động được các em học sinh ra lớp, không bỏ học. Nhìn các em vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập là niềm vui không gì tả xiết với chúng tôi rồi".

Cũng bởi thế mà hằng tuần, thầy Hơn vẫn vượt quãng đường cách nhà 150 cây số để tới trường và ước mong của thầy chẳng có gì hơn là "rất mong cộng đồng xã hội, các tổ chức thiện nguyện đem đến nhiều phần quà như sách vở, đồ dùng học tập, quần áo đến với các em học sinh và người dân xã vùng sâu, vùng xa, làm vơi đi những khó khăn thường ngày để các em học sinh có thêm niềm vui khi tới lớp, tới trường".

20d2b0a6de0916574f18.jpeg

Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bí thư thường trực Trung ương Đoàn

Bùi Quang Huy trao Bằng khen Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp Trung ương cho thầy Lò Văn Hơn.

Năm 2018, 2019, thầy Lò Văn Hơn đã đoạt giải Nhất, giải Nhì cấp xã và năm 2019, giành giải Nhì cấp huyện “Hội thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đạt danh hiệu “Báo cáo viên giỏi cấp huyện” trong việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Nhiều năm liền, thầy đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2020, thầy là đảng viên trẻ tiêu biểu của tỉnh Sơn La và đạt giải thưởng Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh, Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp Trung ương. Năm 2021, thầy Lò Văn Hơn là một trong 50 giáo viên tiêu biểu toàn quốc có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn sẽ được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tới đây.

 

Nguồn: https://dangcongsan.vn