Thái Nguyên nỗ lực giúp nông dân “lên sàn”, phát triển kinh tế số nông nghiệp

Nỗ lực chuyển đổi số (CĐS), Thái Nguyên tích cực xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng CNTT để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giúp nâng cao uy tín sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

20211117-u1_2.jpg

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, ngày 7/10/2021 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND. Kế hoạch nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025.

Triển khai Kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã và đang phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (ViettelPost) triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Sở NN&PTNT đã cung cấp thông tin các hộ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các sàn TMĐT triển khai hoạt động hỗ trợ các hộ lên sàn TMĐT Postmart (của Vietnam Post) và Vỏ sò (của Viettel Post).

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản là đầu mối chủ trì, theo dõi, tổng hợp, tham mưu tổ chức thực hiện. Đồng thời, Chi cục sẽ tổng hợp thông tin về mùa vụ, sản lượng, chất lượng, phân loại,… các sản phẩm nông sản trên địa bàn để cung cấp cho Sở TT&TT và các sàn TMĐT. Chi cục cũng sẽ tham mưu lựa chọn, cung cấp danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn đưa sản phẩm nông sản lên giao dịch trên các sàn TMĐT theo kế hoạch.

Ngoài hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn TMĐT, để thành công và tạo sự tin tưởng khi người tiêu dùng mua nông sản online, một hoạt động rất đáng quan tâm khác là công tác hỗ trợ các sàn TMĐT chứng nhận các sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản sẽ hỗ trợ các sàn TMĐT lựa chọn các doanh nghiệp (DN) cung ứng nguyên vật liệu, sản phẩm đầu vào có uy tín, thương hiệu tham gia giao dịch trên sàn TMĐT.

Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp với Sở TT&TT, UBND các huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ Vietnam Post, ViettelPost triển khai các hoạt động phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan cung cấp thông tin, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên giao dịch trên các sàn TMĐT đối với 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh theo Kế hoạch.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên từng cho biết, TMĐT vẫn là "sân chơi" khá mới lạ với người nông dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Các tổ chức, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về CNTT hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành và triển khai các giải pháp số. Vì vậy, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về TMĐT. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hỗ trợ các hộ nông dân đưa nông sản lên các sàn TMĐT.

Theo báo cáo kết quả một năm triển khai, thực hiện Nghị quyết Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, tỉnh đã có 1.354 hộ sản xuất, kinh doanh đã được đào tạo, tạo tài khoản bán hàng cho 653 hộ, số sản phẩm đã được đưa lên sàn TMĐT là 1029.

Nhiều nông sản của Thái Nguyên như chè, miến, mật ong, gạo, mỳ gạo, nấm… đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn TMĐT, được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến.

Theo báo cáo về kết quả triển khai kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2022, Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên đã tiêu thụ được 3 tạ mỳ gạo bao thai Định Hóa của hợp tác xã (HTX) chăn nuôi sản xuất nông sản sạch Định Hóa, cùng nhiều sản phẩm khác như chè móc câu, chè tôm nõn của HTX Hảo Đạt và nhiều hộ sản xuất nông nghiệp khác. Tổng số đơn hàng đã bán thành công là 2.993 đơn.

Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 37 tấn sản phẩm nông nghiệp, trong đó tiêu biểu như hơn các nông sản miến Việt Cường, chè Thái Nguyên ….

Sử dụng tem truy xuất nguồn gốc ứng dụng mã QR Code, nâng cao chất lượng nông sản

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với Sở Công thương, Sở TT&TT và các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản. Vì vậy, toàn bộ 76 sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn TMĐT Voso.vn và sàn Postmart.vn.

Sở NN&PTNT cũng đã hỗ trợ 180.000 tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR Code cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh; cung cấp danh sách 59 DN, HTX trên các sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn, Sàn TMĐT tỉnh Thái Nguyên (thainguyentrade.gov.vn).

37 cơ sở có 76 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tỉnh Thái Nguyên, 55 cơ sở được cấp xác nhận Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tỉnh Thái Nguyên, 28 cơ sở có khả năng cung ứng các thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội đã được đăng tải trên Chuyên mục: Địa chỉ xanh - Nông sản sạch tại Website của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT (www.nafiqad.gov.vn), và quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên trên Website của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn).

Trước đó, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, phát triển TMĐT, ngày 6/4/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hai DN Viettel và VNPT đã tích cực phát triển cài đặt và khuyến khích sử dụng ngân hàng số, thanh toán di động. Cho đến nay, Viettel Pay ước đạt 95.000 khách hàng sử dụng thường xuyên, phát sinh giao dịch qua ứng dụng; VNPT Pay đạt khoảng 200.000 khách hàng cài đặt, sử dụng thường xuyên.

Theo Sở TT&TT, trong thời gian tới Thái Nguyên sẽ tiếp tục bám sát các nội dung đã nêu trong Kế hoạch số 177/KH-UBND, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia và thúc đẩy nhân dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thông qua hình thức mua, bán trực tuyến trên các sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.