Vĩnh Phúc: Triển khai nhiều giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số chuyển đổi số

Chiều 9/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang chủ trì hội nghị thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; báo cáo thực trạng, giải pháp cải thiện chỉ số chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc.

20211115-m14.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tại hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan phụ trách từng chỉ số thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã báo cáo cụ thể thực trạng và đề xuất giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần, đặc biệt là các chỉ số về tiếp cận đất đai, tính minh bạch, gia nhập thị trường, chi phí thời gian, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý.

Nhấn mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nội dung UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện của từng sở, ngành phục trách từng chỉ số thành phần vẫn còn hạn chế. Đồng chí đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các cơ chế tỉnh đã ban hành, trên cở sở đó, tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn, với tinh thần quyết tâm cao nhất cải thiện, nâng cao hơn nữa chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đề nghị các sở, ngành đánh giá cụ thể từng chỉ số thành phần, chỉ rõ những khâu còn vướng mắc, giải pháp cải thiện, xây dựng Đề án cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh khả thi nhất. Trong đó, cụ thể hóa cho từng phần việc theo từng nhóm từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, hệ thống tư vấn hỗ trợ để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11/2021.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện có 2 trạm 5G đã phát sóng, 100% mạng cáp quang sẵn sàng đấu nối, 66% hộ gia đình đã có kết nối internet tốc độ cao (lớn hơn mức bình quân cả nước); mạng 3G, 4G phủ sóng 100% trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã đã  kết nối mạng LAN, kết nối internet; có hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng; đã hình thành hệ thống hội nghị trực tuyến; công tác quản lý dữ liệu, bảo mật thông tin được thực hiện tốt.

Để cải thiện chỉ số chuyển đổi số, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số; quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước về chuyển đổi số; tham mưu ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, các biện pháp nâng cao chỉ số chuyển đổi số; tổ chức các hội nghị, kiện toàn bộ máy để thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số; kiến nghị, báo cáo UBND tỉnh cho triển khai 100% dịch vụ công mức độ 4; tổ chức hoạt động Trung tâm giám sát điều hành thông minh, kho dữ liệu của tỉnh, hệ thống camera giám sát an ninh; xây dựng phòng họp không giấy tờ; cam kết sau năm 2022 đưa Vĩnh Phúc trở lại tốp 20 tỉnh, thành có chỉ số chuyển đổi số cao nhất cả nước.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh những thuận lợi cho việc cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số của tỉnh như các căn cứ về mặt pháp lý về chuyển đổi số đầy đủ, kinh phí dành cho công nghệ thông tin khá lớn, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn mạnh. Tuy nhiên, nhận thức về chuyển đổi số chưa cập; việc tổ chức triển khai thực hiện chưa sát sao. Đồng chí đề nghị các sở, ngành cần thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số, kiến tạo thể chế. Sở Thông Tin và Truyền thông tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về công tác này.

Nguồn: Nguồn: Báo Vĩnh Phúc