9X Đà thành mở cà phê sách, giúp hàng trăm bạn trẻ khó khăn

Không chỉ tạo không gian để các bạn trẻ yêu sách có nơi giao lưu, trao đổi, quán cà phê sách của chàng trai 9X tại Đà Nẵng còn hỗ trợ việc làm cho cả trăm bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

01.jpg

Quán cà phê của anh Thịnh nằm trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập Cộng đồng thu hút các bạn trẻ đến đọc sách (Ảnh: Nguyễn Tri).

Khởi nghiệp từ đam mê đọc sách

Gần 4 năm nay, quán cà phê của Hồ Đức Thịnh (sinh năm 1990) nằm trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa, thể thao và Học tập Cộng đồng (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thu hút các bạn trẻ đến đọc sách.

Độc giả chủ yếu là học sinh, sinh viên hoặc là các em nhỏ tuổi. Nguồn sách trong quán cũng rất đa dạng từ: truyện tranh, tiểu thuyết, sách dạy kỹ năng, sách hạt giống tâm hồn, sách về pháp luật, lịch sử…

Thuở nhỏ, sau mỗi buổi học, Thịnh cùng bạn bè thường rủ nhau đi đọc lén sách ở các tiệm sách hoặc mượn ở những cửa hàng cho thuê sách về đọc. "Sau này, kinh tế ngày càng phát triển, các bạn trẻ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc giải trí. Nhưng cũng chính vì vậy, người trẻ vơi dần đam mê với sách", Thịnh kể.

2.jpg

Thông qua việc mở quán cà phê sách, Thịnh mong muốn xây dựng một điểm lưu giữ và cho mượn sách miễn phí (Ảnh: Nguyễn Tri).

Vì lẽ đó, Thịnh luôn ấp ủ tạo ra không gian để các bạn trẻ yêu sách có nơi để tìm đến giao lưu, trao đổi. Có ý tưởng, Thịnh trình bày với Đoàn phường An Hải Đông để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Sau khi được Đoàn phường đồng ý hỗ trợ, Thịnh vay vốn Ngân hàng chính sách; đồng thời, mượn được khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập Cộng đồng phường để khởi nghiệp.

Không gian rộng hơn 250 m2 được Thịnh dọn dẹp, lát gạch mới khang trang. Bên trong quán cà phê, các kệ sách được bố trí ngăn nắp theo từng khu vực để mọi người dễ dàng tìm đọc.

Để làm phong phú các kệ sách, Đoàn phường An Hải Đông cũng thường xuyên tổ chức các đợt vận động quyên góp sách cũ trong đoàn viên thanh niên. Các bộ sách giáo khoa sẽ được tặng lại cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Còn các loại sách khác sẽ được đặt ở quán cà phê để phục vụ người dân.

Giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh khó khăn

Không chỉ trở thành điểm đọc sách yêu thích của các em thiếu nhi, các bạn học sinh, quán cà phê của Thịnh còn hỗ trợ việc làm cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, anh đã hỗ trợ hàng trăm bạn trẻ hoàn cảnh khó khăn có việc làm để phụ giúp gia đình.

Nhân viên ở quán đa phần là các bạn sinh viên, học sinh chưa có kinh nghiệm làm thêm. Vì vậy, Thịnh thường phải cầm tay chỉ việc. Để tạo tâm lý thỏa mái, vị trí nào các em muốn thử, Thịnh đều sẵn lòng hỗ trợ từ lau dọn, phục vụ, rửa ly chén…

Gần 2 năm nay, quán cũng có 2 nhân viên đặc biệt là người khuyết tật. Những ngày đầu, Thịnh mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn và giúp các bạn làm quen với công việc cũng như đồng nghiệp ở quán.

"Vì tham gia hoạt động Đoàn, thanh niên nhiều năm nay nên tôi từng gặp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, khi điều kiện cho phép, tôi muốn góp sức, tạo điều kiện để các em có nguồn thu nhập, phụ giúp gia đình", Thịnh cho hay.

3.jpg

Độc giả chủ yếu là học sinh, sinh viên hoặc là các em nhỏ tuổi. Đây cũng là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa đọc, Ngày hội đọc sách của thanh niên trên địa bàn (Ảnh: Nguyễn Tri)

Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, muốn có tiền trang trải một phần học phí để đỡ đần cho bố, em Phạm Thị Khánh Uyên (sinh năm 2004, học sinh trường THPT Ngô Quyền) xin vào quán cà phê của Thịnh làm việc.

"Mới vào làm việc nên em vẫn còn rất nhiều thứ phải học, nhưng anh Thịnh rất nhiệt tình hướng dẫn em từng chút một. Hiện em đang làm việc từ 10h30 đến 17h hàng ngày. Công việc cũng rất nhẹ nhàng, rồi mỗi khi rảnh em lại đến đọc sách để có thêm kiến thức", Uyên cho hay.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Sương, Phó Bí thư Đoàn phường An Hải Đông cho biết, từ khi khai trương, quán cà phê của Thịnh đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa quen thuộc của đoàn viên, thanh niên.

"Đoàn phường thường xuyên mượn địa điểm để tổ chức Ngày hội sách, các buổi trao đổi về văn hóa đọc, sinh hoạt các câu lạc bộ, hội nhóm... Nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn cũng được kết nối có được việc làm để kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống", chị Sương cho hay.