Chuyển đổi số - động lực thúc đẩy phát triển

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng, với khát vọng 5, 10 và 30 năm tới là thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh hơn nữa trong điều kiện nguồn tài nguyên, nguồn lực, nguồn nhân lực có hạn thì chuyển đổi số chính là cứu cánh, động lực mới thúc đẩy phát triển. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và cả nước, nếu Hải Dương không nắm bắt được cơ hội sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu cao.

20211109-m04.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu giao nhiệm vụ tại hội nghị

Từ quyết tâm chính trị…

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, tỉnh Hải Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách hành chính, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực. 

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh - LGSP đi vào hoạt động từ ngày 1.10.2019 đã tạo tính kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Từ 1.10.2020, 100% các văn bản đi, đến trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh đều được thực hiện qua hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Thực hiện cấp được khoảng 2.800 chữ ký số cho cán bộ, công chức và 16 PKI (hạ tầng khóa công khai) cho lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. 

Hệ thống “một cửa điện tử” và Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh được đưa vào sử dụng thống nhất tại tất cả 18 sở, ban ngành; 12 huyện, thành phố, thị xã; 235 xã, phường, thị trấn; cung cấp 1.930 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên ở nhiều lĩnh vực. 

Trên cơ sở những lợi thế sẵn có của địa phương, mới đây, Hải Dương đã có Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 đưa Hải Dương thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. 

Cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh có 80% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Thành phố Hải Dương, Chí Linh và thị xã Kinh Môn cơ bản xây dựng là đô thị thông minh… 

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (DTI) năm 2020. Hải Dương xếp thứ 14/63 địa phương trên cả nước về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2020. Về xếp hạng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thứ hạng của tỉnh so với cả nước lần lượt là 22, 9, 13.

… đến thực tiễn hành động

Khẳng định tầm nhìn đột phá, chiến lược của Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng lưu ý, việc chuyển đổi số phải biến thành quyết tâm chính trị, nhiệm vụ ưu tiên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các địa phương, đơn vị. 

Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, phù hợp với lộ trình phát triển chính phủ điện tử, mới đây, Tỉnh Hải Dương cũng đã đưa Cổng thông tin đối ngoại tỉnh đi vào hoạt động. Cổng thông tin được xây dựng bằng 3 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung, tương ứng với 3 chuyên trang độc lập, mỗi chuyên trang có 1 tên miền riêng. Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương Nguyễn Văn Nhật, đây chính là quá trình chuyển đổi số về thông tin, là cầu nối Hải Dương với các tỉnh, thành phố trên cả nước, với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong lĩnh vực sản xuất, phục vụ đời sống, việc thực hiện đề án chuyển đổi số của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; chất lượng dịch vụ, năng suất lao động và năng lực quản trị là một ví dụ điển hình. Nhờ áp dụng số hóa nhanh yêu cầu của khách hàng về cấp điện mới, yêu cầu dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng; số lượng yêu cầu đã tiếp nhận và hoàn thành tính theo tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đạt 99%.

Song, minh chứng rõ nét trong việc áp dụng chuyển đổi số thành công của Hải Dương phải kể tới sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã có một số diện tích có hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh điều khiển bón phân, tưới nước tự động từ xa; một số diện tích thủy sản có hệ thống quan trắc, cho ăn, điều chỉnh tự động kết nối điện thoại thông minh. Chuyển đổi số còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp cho nông sản tiêu thụ dễ dàng và vẫn giữ được giá trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

"Từ những bước đi đầu tiên rất thuyết phục của ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã cho thấy, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên đáng kể; chuyển đổi số kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra" - Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh.