Bưu chính cần tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị trực tuyến “Trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển bền vững, thích ứng với dịch Covid-19 lĩnh vực Bưu chính”. Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; 18 doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát…

2021115-u4.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 vẫn diến biến phức tạp đã gây tác động lớn đến mọi mặt đợi sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra 59/63 tỉnh, thành phố. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020, là mức thấp so với mức tăng trung bình 8,1% giai đoạn 2016-2020; số lao động của các doanh nghiệp mới thành lập giảm 7,2% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Việc giãn cách xã hội tại 20 tỉnh/TP trực thuộc TW theo Chỉ thị 16/CT-TTg đã khiến cho các doanh nghiệp đều khó tiếp cận thị trường, khách hàng; khó duy trì lực lượng lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Theo báo cáo từ đại diện Vụ Bưu chính, trong 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp bưu chính đã đạt được một số kết quả cụ thể: Số doanh nghiệp bưu chính lũy kế đến ngày 30/9/2021 là 650 doanh nghiệp (tăng 67, tương ứng tăng 11% so với 31/12/2020); Doanh thu toàn Ngành đạt 27.400 tỷ (tăng 7% so với cùng kỳ 2020) đạt 66% so với kế hoạch năm 2021 (41.600 tỷ);  Sản lượng bưu gửi đạt 890 triệu cái (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020) đạt ~68% so với kế hoạch năm 2021 (1.300 triệu cái). Trong đó: Thư đạt: 146 triệu cái (bằng so với cùng kỳ năm 2020); Gói, kiện hàng đạt: 734 triệu cái (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020).

Trong đại dịch, doanh nghiệp bưu chính đã tham gia cung cấp hàng hóa thiết yếu. Tính đến ngày 16/10/2021, đã thiết lập 4.162 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu; cung cấp 102.974 tấn hàng hóa, trị giá 1.614 tỷ; vận chuyển 8.390 tấn hàng hóa theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT cùng sự đóng góp của Tập đoàn VNPT, Viettel Telecom, T&T Group, Ngân hàng MBank, từ ngày 17/8 - 15/9/2021, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Viettel Post đã triển khai Chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" với kinh phí thực hiện lên đến 160 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ người lao động tự do tại thành phố Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Chương trình đã phát hơn 500.000 món quà với trị giá hơn 160 tỷ đồng cho người dân thành phố Hồ Chí Minh.

Các doanh nghiệp bưu chính lớn đã thực hiện Chương trình chung tay vì cộng đồng, cung cấp lương thực miễn phí cho người dân tại một số tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn các xã hội. Đến ngày 21/8/2021, đã phát 1.744 tấn lương thực (trị giá hơn 40 tỷ đồng) đến gần 890.000 người dân.

Về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính, đại diện Vụ Bưu chính cho biết số lượng người lao động bưu chính được tiêm vắc-xin còn rất hạn chế và tùy thuộc vào chính sách của từng địa phương (do không thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP). Mặc dù doanh nghiệp bưu chính được các địa phương cho phép hoạt động để cung cấp hàng hóa dịch vụ cho người dân nhưng các quy định/chính sách áp dụng chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp bưu chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số địa phương, chính quyền, cán bộ xã, phường chỉ chấp nhận Bưu điện Việt Nam, Viettel Post là doanh nghiệp bưu chính, dẫn đến các doanh nghiệp bưu chính khác gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Tại Hà Nội, việc cấp giấy đi đường và test cho người lao động của doanh nghiệp bưu chính bộc lộ nhiều bất cập, gây tốn kém công sức và tạo tâm lý hoang mang, bất ổn.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp bưu chính, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Vụ Bưu chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan bám sát tình hình, kịp thời đề xuất những vấn đề cần đề xuất, giải quyết thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT với thông điệp luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng cùng với các đơn vị trong Ngành tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Bộ TT&TT đã đồng hành cùng cácdoanh nghiệp trong việc hỗ trợ bà con nông dân thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Sẽ thống nhất dùng chung cơ sở hạ tầng

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng, nhiều tỉnh thành đã phải thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bưu chính đã lỗ lực vượt qua khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và vẫn thể hiện rõ nét vai trò thiết yếu, là hạ tầng bảo đảm dòng chảy vật chất của xã hội thông qua việc là cầu nối giữa người dân và các doanh nghiệp nhằm lưu thông hàng hóa, giảm tiếp xúc xã hội, góp phần giữ ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, các doanh nghiệp bưu chính cần chủ động trao đổi, thống nhất dùng chung cơ sở hạ tầng, bằng cách chia sẻ các phương tiện vận chuyển, bưu tá, shipper. Bộ TT&TT sẽ chủ trì làm việc với các địa phương, đồng thời lựa chọn một doanh nghiệp bưu chính độc lập để làm đầu mối.

Hiện nay, Bưu điện Việt Nam và một số doanh nghiệp bưu chính đã chia sẻ nền tảng quốc gia như địa chỉ số VPostcode, bản đồ số, hay nền tảng Tikingon, Đi chợ hộ…Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp bưu chính có thể cùng chia sẻ, dùng chung mạng lưới vật lý, nền tảng số, rồi chia nhỏ chuỗi cung ứng như Việt Nam Post, Viettel Post để cùng nhau hỗ trợ thị trường nông thôn chuyển đổi số và thương mại điện tử.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp bưu chính còn có thể dùng chung về dữ liệu để các doanh nghiệp cùng canh tác, làm lúa 3 vụ - 5 vụ mà không bị tranh chấp”. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tập trung mở rộng thị trường, xây dựng kịch bản đối phó với khủng hoảng

Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam cho biết, dự báo đến năm 2025, thị trường Thương mại điện tử sẽ đạt 29 tỷ USD. Vì vậy, các doanh nghiệp bưu chính phải tập trung làm cho chiếc bánh này lớn lên và mở rộng nhu cầu của người dân. Nhu cầu của người dân về dịch vụ Bưu chính, thương mại điện tử lớn lên rất nhiều vì vậy cần phải tạo thói quen mua sắm trực tuyến, mở rộng thị trường mới.

Tổng giám đốc Bưu điện Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn hợp tác, dùng chung cơ sở hạ tầng, chia sẻ nền tảng số giữa các doanh nghiệp bưu chính với nhau để cùng phát huy thế mạnh của nhau, tiết kiệm chi phí, mở rộng kế hoạch lâu dài cho tương lai.

2021115-u2.jpg

Ông Chu Quang Hào, TGĐ Bưu điện Việt Nam phát biểu tại hội nghị 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho rằng để đối phó với khủng hoảng, các doanh nghiệp bưu chính cần cùng với Bộ TT&TT xây dựng kịch bản diễn tập để đối phó khi khủng hoảng xảy ra, đồng thời cùng nhau tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, trong đó các doanh nghiệp bưu chính lớn cần tuân thủ quy định pháp luật, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ để người dân tin tưởng, không giảm giá chiết khấu dưới giá thành.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp bưu chính báo cáo Bộ TT&TT về thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp của mình. Liên kết dữ liệu với Bộ TT&TT để báo cáo dữ liệu thời gian thực, cũng như hoàn thiện các ý tưởng chung để từng bước công bố chiến lược và quy hoạch bưu chính. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.