Bắc Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh

Cùng với cách mạng 4.0, Chuyển đổi số được nhắc đến ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, Chuyển đổi số càng trở nên tất yếu và là bước đi không thể thiếu mở ra nhiều cơ hội để phát triển xã hội trên tất cả các mặt.

1635425376618-an1.png

Giao diện phần mềm Quản lý và truy vết Covid tỉnh Bắc Giang

Giao diện phần mềm Quản lý và truy vết Covid tỉnh Bắc Giang

Đứng trước đại dịch Covid-19, những ngày qua cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Giang cũng đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các nền tảng số để tuyên truyền, chia sẻ thông tin, đồng thời coi đây là một công cụ hữu hiệu trong quá trình dập dịch Covid 19 trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều phần mềm tiện ích đã được đưa vào ứng dụng như: phần mềm phòng chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid 19 theo thời gian thực; phần mềm bản đồ thông tin dịch tễ tỉnh Bắc Giang; xây dựng cơ sở dữ liệu phiếu xét nghiệm phục vụ CDC và báo cáo UBND tỉnh; phần mềm in phiếu xét nghiệm phục vụ CDC …

Trong đó, phần mềm quản lý và truy vết Covid cho doanh nghiệp là phần mềm do Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang xây dựng có chức năng truy vết khi một trong những doanh nghiệp có trường hợp dương tính với Covid-19, đảm bảo khoanh vùng nhanh, kịp thời và có độ chính xác cao. Phần mềm được triển khai cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai cho một số tỉnh bạn như: Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Quảng Nam, Khánh Hòa. Mới đây, phần mềm đang được nâng cấp để phục vụ quản lý và truy vết với đối tượng là cán bộ công chức, viên chức đơn vị hành chính, sự nghiệp, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Tính đến 14h ngày 30/9/2021, Sở đã tạo lập 5.158 tài khoản cho các doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự ̣ nghiệp, trường học trên phần mềm, trong đó có 339 đơn vị hành chính, sự nghiệp, 1.099 tài khoản cho các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, 360 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và 3.360 tài khoản cho doanh nghiệp thuộc các huyện, thành phố. Việc tạo lập tài khoản được cập nhật và thực hiện ngày theo đăng ký của doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp. Sở đã thưc hiện hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp cập nhật dữ liệu trên phần mềm, với tổng số 255.018 người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp được cập nhật; 11.584 cán bộ công chức, viên chức được cập nhật; 21.947 giáo viên, nhân viên và 115.650 học sinh trong các trường học trên địa bàn đã được cập nhật thông tin lên hệ thống.

Trong thời gian dịch Covid diễn biến phức tạp tại Bắc Giang, hàng trăm hội nghị trực tuyến đã được tổ chức, đảm bảo kênh liên lạc trực tuyến thông suốt giữa chính phủ, các bộ ngành và các cấp chính quyền trong tỉnh Bắc Giang để triển khai công tác phòng chống dịch khi có yêu cầu. Để đảm bảo tiến độ giải quyết công việc cho tổ chức, công dân trong điều kiện hạn chế tiếp xúc, các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được khuyến khích thực hiện và tăng mạnh tại nhiều sở, ngành và địa phương. Riêng trong tháng 8, cổng dịch vụ công của tỉnh có trên 11 nghìn hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3,4. Một số cơ quan có số lượng tiếp nhận, giải quyết trực tuyến nhiều, đạt tỷ lệ cao  như Ban Quản lý Khu công nghiệp 100%, Sở Tài chính 100%, Sở Công thương 99%. Ngoài ra, các dịch vụ công thực hiện thanh toán trực tuyến đã giúp các tổ chức, cá nhân giảm thời gian, chi phí đi lại. Thanh toán điện tử là bước phát triển tất yếu góp phần giúp Bắc Giang thay đổi hình thức thanh toán cũ của người dân, doanh nghiệp, hướng đến cách làm mới hiện đại, tiên tiến hơn phù hợp với giao dịch trên toàn quốc và trên thế giới.

Cũng nhờ ứng dụng CNTT và các nền tảng số, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được hiện diện và tiêu thụ trên 6 sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost) và Lazada, đồng thời được tiêu thụ mạnh qua mạng xã hội như zalo, facebook. Riêng 2 sàn thương mại điện tử đã giúp Bắc Giang tiêu thụ 8.988 tấn vải thiều (Voso: 4.938 tấn, Postmart: 4.050 tấn). Việc ứng dụng các nền tảng số đưa vải thiều lên sàn đã không chỉ giúp giải bài toán về tiêu thụ vải thiều Bắc Giang mà còn giúp vải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế nhanh và rộng hơn, phù hợp với phương thức bán hàng thời công nghiệp 4.0 và tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp.

1635425432310-an-2.png

Vải thiều Bắc Giang trên sàn giao dịch TMĐT shopee

Với việc triển khai sâu rộng Chuyển đổi số tới từng cơ quan ban ngành của tỉnh, thành quả đạt được chính là tiền đề góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của tỉnh Bắc Giang trong năm 2021 và những năm tiếp theo: Hệ thống phần mềm QLVB&ĐHCV được triển khai đến tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước liên thông 4 cấp, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được chuẩn hoá, nâng cấp và tích hợp liên thông từ 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố với cổng chính duy nhất và các cổng thành phần. Cũng nhờ tích hợp với cổng dịch vụ công Quốc gia, một số thủ tục hành chính cho phép người dân có thể thực hiện liên thông 4 cấp chính quyền. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh hiện nay, còn tích hợp, kết nối chính thức với phần mềm Bưu chính công ích thông qua trục kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương.

Tỉnh bắt đầu triển khai đạt hiệu quả cao việc lắp đặt camera giám sát giao thông, an ninh trật tự tại các tuyến đường trọng điểm; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hạ tầng ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ. Hệ thống đường truyền chuyên dùng được kết nối từ Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đến 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn với tốc độ cao để bảo đảm hoạt động cho các hệ thống phần mềm dùng chung. Đặc biệt, trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được xây dựng trở thành hệ thống hạ tầng CNTT cốt lõi, đủ mạnh để quản lý tập trung các hệ thống CNTT dùng chung của toàn tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền điện tử hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. Ngày 11/6/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, việc ban hành Nghị quyết Chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng tập trung trên 3 trụ cột chính đó là: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; Ngày 13/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 324/KH-UBND Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện tỉnh đang triển khai thí điểm ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại xã Việt Tiến (huyện Việt Yên) và thị trấn Phồn Xương (huyện Yên Thế); thí điểm Chuyển đổi số mô hình giáo dục cho các học sinh cấp THCS tại trường THCS Việt Tiến (huyện Việt Yên) và trường THCS Tam Hiệp (huyện Yên Thế); thí điểm mô hình Chuyển đổi số cấp xã tại phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang). Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ xếp hạng Bắc Giang thứ nhất toàn quốc về Chỉ số hiện đại hoá hành chính năm 2020… Trong nhưng năm tới, Bắc Giang quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp uỷ, chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin; phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội, phấn đấu đến năm 2025 Bắc Giang có chỉ số đánh giá về Chuyển đổi số thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và tạo tiền đề thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chuyển đổi số./.