Chuyển đổi số là động lực để Khánh Hòa phát triển

Thực hiện NQ 01/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa xác định việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, tạo sự phát triển mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. Trong thời gian qua, việc chuyển đổi số ở Khánh Hòa đã có nhiều chuyển động tích cực tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh…

20211101-m04.jpeg 

Chuyển đổi số hỗ trợ rất lớn trong công tác điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa

Đưa nội dung chuyển đổi số vào cuộc sống

Trong nhiều năm qua, việc chuyển đổi số đã được toàn bộ hệ thống chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân tỉnh Khánh Hòa áp dụng và phát huy được nhiều hiệu quả đáng mong đợi. Một trong những lĩnh vực hưởng lợi từ việc áp dụng chuyển đổi số chính là ngành du lịch.

Trong năm 2021, Sở Du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch như đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội; tổ chức các hội thảo trực tuyến; kết hợp với các DN để triển khai thực hiện bản đồ số cho du lịch. Cùng với đó, Sở Du lịch Khánh Hòa còn đã kêu gọi các DN đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với công nghệ.

Trong nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm đến việc chuyển đổi số trong quá trình điều hành, giải quyết thủ tục hành chính… Vào tháng 10.2021 vừa qua, Tỉnh ủy Khánh Hòa có Nghị quyết số 16-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tập trung vào 3 nội dung là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.  

Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề ra các mục tiêu cao hơn so với mức trung bình của cả nước trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, như ở nội dung chính quyền số, chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, trong khi mục tiêu này của cả nước là 80%, hay ở nội dung kinh tế số, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% đơn vị nhà nước thuộc tỉnh và trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh chuyển dịch lên nền tảng số, trong khi cả nước chưa có mục tiêu này, hoặc ở nội dung xã hội số đến năm 2025 tỉ lệ dân số trong tỉnh có điện thoại thông minh…

Hàng loạt kết quả tích cực

Ông Nguyễn Tấn Tuân- Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh thời gian qua mới chỉ là bước đầu của việc phát triển chính quyền số và chỉ đáp ứng một phần trong 3 nội dung cơ bản của chuyển đổi số gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân lưu ý chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy, cách làm và nội dung chính sách để kịp thời có các hành đồng thiết thực, đột phá và hiệu quả hơn nhằm tổ chức lại và duy trì các hoạt động của mình thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Tại hội nghị chuyên đề về “Chuyển đổi số trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19” vào ngày 22.10 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị, địa phương phải xem chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, mà còn là nhu cầu phục vụ cho phát triển, do đó phải triển khai Nghị quyết 16 bằng cả tâm huyết và trách nhiệm với quê hương.“Khánh Hòa là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, con người năng động, thân thiện, nếu khai thác tốt tiềm năng này tỉnh ta sẽ giàu, nhưng nếu địa phương chúng ta tiếp cận, nắm bắt và khai thác được tiềm năng trí tuệ là chuyển đổi số thì Khánh Hòa không chỉ giàu mà sẽ giàu nhanh và bền vững” – Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh chia sẻ.

Tháng 7.2021, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa phấn đầu 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp SMEs) được nhận các hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số như sử dụng nền tảng công nghệ, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp; phấn đấu 20% doanh nghiệp thuộc tỉnh và trên 10% doanh nghiệp SMEs trên địa bàn tỉnh hoàn thành chuyển dịch lên nền tảng số.

 

 

Nguồn: Nguồn: Báo Lao Động