Ứng phó thời hậu COVID-19: Doanh nghiệp cần làm gì khi trở lại hoạt động?

Công nghệ đang trở thành một vũ khí mới giúp các tổ chức, doanh nghiệp (DN) thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19.

 Việc ứng dụng công nghệ, triển khai cách làm mới, phương thức tiếp cận mới giúp DN linh hoạt đưa ra các phân tích, dự báo chính xác dựa trên dữ liệu thực, từ đó đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn và sẵn sàng ứng biến trước những thay đổi trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Hậu COVID-19: Chuyển đổi từ tồn tại sang phát triển

Ứng phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả từ đại dịch sẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho DN trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ nền tảng và chuẩn bị sẵn các kịch bản phù hợp để thích ứng kịp thời với sự thay đổi trong giai đoạn hậu COVID-19.

20211029-pg7.jpeg

Ảnh minh hoạ

Thực tế cho thấy, CĐS giúp các DN, nhất là DN vừa và nhỏ (SME), tìm kiếm, xây dựng một mô hình kinh doanh linh hoạt, tiết kiệm chi phí và tối ưu vận hành. Đặc biệt, trong bối cảnh "bình thường mới", giai đoạn quan trọng đòi hỏi DN cần nhanh nhẹn, đẩy hết tốc lực để phục hồi và phát triển, giúp DN thức dậy sau kỳ "ngủ đông" dài. Ứng dụng công nghệ vào cải cách bộ máy điều hành đang là xu thế trong thời đại 4.0 nhưng đây vẫn là tiến trình với nhiều trăn trở mà không phải cứ chi nhiều tiền cho công nghệ là sẽ thành công.

Theo khảo sát của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 55,6% SME lo lắng về chi phí ứng dụng công nghệ, 38,9% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, 32,3% thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, mặc dù biết CĐS là xu hướng tất yếu của thời đại nhưng không phải cứ CĐS là đem lại thành công. Theo báo cáo BCG, có hơn 80% công ty có kế hoạch đẩy nhanh quá trình CĐS, tuy nhiên, trong đó 70% CĐS không đạt được mục tiêu ban đầu do thiếu lộ trình và công cụ thích hợp.

Cũng theo một khảo sát của công ty CP Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ (FSI) với các SME về thực trạng CĐS trong DN Việt hiện nay, các nguyên nhân dẫn đến việc CĐS thất bại chính là do thiếu chiến lược cụ thể, chưa xác định rõ lộ trình chuyển đổi nên dễ "nửa đường đứt gánh" khi không thấy hiệu quả như kỳ vọng, dễ nản chí bỏ dở. 

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhiều DN khi được hỏi nghĩ ứng dụng công nghệ chính là CĐS và nóng lòng đầu tư trang bị các công nghệ tiên tiến để thúc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi. Nhưng thực tế quá nhiều công nghệ, thiếu chiến lược và lộ trình cụ thể dẫn đến tốn tiền mà cuối cùng nhiều phần mềm bị chính nhân sự nội bộ "gác xó" hoặc dùng cho có, tốn thời gian, không hiệu quả.

Nhằm giúp DN chủ động và sẵn sàng trong trạng thái "bình thường mới", hạn chế tối đa tác động của đại dịch, sáng 28/10, Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA) đã phối hợp cùng các đối tác, hiệp hội bạn, DN công nghệ thông tin tổ chức hội thảo trực tuyến "Quản trị DN thông minh, việc cần làm khi DN trở lại hoạt động".

Chia sẻ tại hội thảo, ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng giám đốc công ty FSI cho biết: "SME nên "nghĩ đúng" để có thể "làm đúng" vì chúng ta không có nhiều tiền để thử sai làm lại. Việc tập trung giải quyết các bài toán nhỏ lẻ phát sinh sẽ làm DN mất đi cái nhìn tổng thể, dễ dẫn đến "dư thừa mà lại vẫn thiếu hụt". Thay vì đầu tư cho những phần mềm đơn lẻ, khó liên kết nội bộ, DN nên tập vào các giải pháp quản trị toàn diện trên một nền tảng, và có khả năng mở rộng trong tương lai khi DN lớn dần lên".

Chuyển đổi mô hình kinh doanh số để thích nghi thời kỳ bình thường mới

Cũng tại hội thảo, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành The Pathfinder, cho biết: Công nghệ là chìa khóa quan trọng thúc đẩy DN phát triển kinh doanh, gia tăng khác biệt và tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài. Mô hình kinh doanh số chính là nền tảng giúp DN CĐS thành công. Chuyển đổi mô hình kinh doanh là xu hướng tất yếu để giúp DN cải tiến hoạt động hậu COVID-19.

Theo Giám đốc điều hành The Pathfinder, giai đoạn hiện nay được coi là giai đoạn khó khăn nhất với các DN, bối cảnh kinh doanh liên tục thay đổi liên tục và đầy bất trắc do chịu tác động của làn sóng gián đoạn (chuyển đổi) tạo ra bởi công nghệ thời kỹ thuật số và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến kinh tế toàn cầu. Sự phát triển của các công nghệ số đã tạo ra rất nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều mô hình kinh doanh cũ trở nên lỗi thời và sụt giảm nghiêm trọng, làm gián đoạn, phá vỡ nhiều ngành công nghiệp. Nhiều ngành nghề và mô hình kinh doanh mới xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường. Tất cả đòi hỏi các DN phải có chiến lược để thích nghi, thậm chí là xây dựng mô hình kinh doanh mới để chiến thắng trong cuộc đua hiện nay.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết 4 yếu tố quan trọng khi CĐS DN là tầm nhìn của người lãnh đạo, mô hình kinh doanh, hệ thống kết nối khách hàng và các tái cấu trúc DN. Do đó, có 4 khía cạnh cần cân nhắc khi CĐS mô hình kinh doanh đó là: Tầm nhìn, chiến lược mới (phạm vi, mô hình kinh doanh nền tảng); đánh giá lại chuỗi giá trị hiện nay; tái cấu trúc tổ chức (thay đổi quy trình làm việc, cơ cấu tổ chức, kỹ năng nhân viên,...) và tăng cường tái kết nối lại khách hàng, tạo ra nhiều kênh tương tác mới, nhằm tạo ra nhiều nguồn thu khác nhau và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Kết quả thực tế cho thấy các DN thành công CĐS thường có doanh thu cao hơn 26%. Đây là những DN tận dụng cơ hội và khả năng của công nghệ mới và đổi mới sáng tạo vào hệ thống DN; thay đổi toàn diện cách thức quản lý, hoạt động, tối ưu hóa hiệu suất và gia tăng trải nghiệm khách hàng; đổi mới tiếp thị, bán hàng, chăm sóc khách hàng và doanh thu; đổi mới mô hình kinh doanh, cấu trúc tổ chức và quản lý DN và tối ưu quy trình hoạt động và hệ sinh thái kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ giúp DN chuyển dịch mô hình kinh doanh, thích ứng an toàn và phục hồi sau đại dịch

 

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ nền tảng và chuẩn bị sẵn các kịch bản phù hợp để thích ứng kịp thời với sự thay đổi trong giai đoạn hậu COVID-19. Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ nhiều giải pháp, mô hình công nghệ nhằm giúp DN chuyển dịch mô hình kinh doanh, thích ứng an toàn và phục hồi sau đại dịch.

Đại diện FSI đã giới thiệu hệ thống tự động hóa DN WEONE, hệ thống cung cấp các giải pháp quản trị và điều hành DN đơn giản, trên một nền tảng, giúp DN tối ưu hiệu quả quản lý và vận hành. Là nền tảng quản trị toàn diện với 3 phân hệ cốt lõi, WEONE giải quyết các bài toán cơ bản của mọi DN bao gồm: Quản lý quy trình thủ tục, quản lý công việc, quản lý kho tài liệu, giúp DN tối ưu khả năng vận hành. Đồng thời, WEONE tạo môi trường làm việc trực tuyến cộng tác liên thông tất cả mọi thành viên trong tổ chức, các nhân sự có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi không giới hạn.

Ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc FSI cho biết: "Giải pháp WEONE là hệ thống tự động hóa DN. Số hóa quy trình công việc và quản lý giám sát trên không gian số, không giới hạn không gian và thời gian, giúp nhà quản trị nắm bắt thông tin điều hành công việc hiệu quả. Phần mềm quản lý công việc WEONE được sử dụng để quản lý công việc cá nhân và DN".

Trong bối cảnh COVID vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu làm việc từ xa sẽ vẫn tiếp tục phổ biến sau đại dịch. Theo ông Lâm Bảo Vương, chuyên gia kỹ thuật, Công ty CP Tập đoàn HiPT cho biết: giải pháp "Cloud Virtual Desktop - VDI" sẽ là một cuộc cách mạng hóa cách làm việc từ xa dành cho DN. Giải pháp sẽ mang điện toán đám mây đến với mọi người, người dùng có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, nâng cao trải nghiệm người dùng và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, giải pháp sẽ giảm được chi phí đầu tư các trang thiết bị, đơn giản hóa đội ngũ vận hành và tăng giá trị của DN vừa đảm bảo sức khỏe, vừa đảm bảo hoạt động DN được diễn ra thông suốt.

Với kinh nghiệm trong việc quản lý, tư vấn và triển khai các giải pháp quản lý DN như ERP, CRM, Retail, e-commerce tại Việt Nam và Mỹ hơn 15 năm, ông Lê Văn Trung, Giám đốc giải Pháp ERP, Giám đốc Giải Pháp ERP, công ty BTM Global Consulting Viet Nam, cho biết: Giải pháp Oracle Netsuite ERP của công ty sẽ cung cấp quy trình tổng thể và các chức năng để tổng hợp và đồng bộ dữ liệu từ nhiều nguồn thông tin vào một hệ thống duy nhất phục vụ nhu cầu riêng lẻ và đa dạng của các phòng ban khác nhau như nhân sự, tài chính, nhà kho, cung ứng, mua hàng, R&D…mà quá trình kinh doanh cần phải có. Giải pháp phù hợp hầu hết các loại hình DN ở các lĩnh vực khác nhau như sản xuất, bán sỉ, bán lẻ, dịch vụ…

Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ số như trên sẽ các DN nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh, đơn giản hóa các hoạt động quản trị và vận hành tạo, để phát triển và thích ứng an toàn, linh hoạt trong giai đoạn hậu COVID-19./.