Thúc đẩy hợp tác với trọng tâm là các giải pháp số thân thiện môi trường và thu hẹp khoảng cách số

Tối 12/10/2021, Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Bộ TT&TT đồng tổ chức đã chính thức khai mạc. Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: Phát triển xanh và phát triển số là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21. Cổng TTĐT Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại sự kiện.

20201013-ta1.jpg

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

- Kính thưa ông Zhao Houlin, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU

- Thưa Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, đại diện các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội,

- Thưa quý vị đại biểu,

50 năm qua, cộng đồng viễn thông và CNTT thế giới đều hướng về một sự kiện thường niên, do Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU tổ chức: Triển lãm Viễn thông Thế giới (ITU Telecom World). Cơ quan quản lý và doanh nghiệp ICT toàn cầu tập trung tại đây để thảo luận chính sách, chiến lược, các sáng kiến, giải pháp phát triển hạ tầng, phổ cập dịch vụ, để thúc đẩy hợp tác, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa 193 nước thành viên ITU.

Năm 1971, khi sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, Việt Nam còn đang tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm qua, sự kiện đã được tổ chức ở nhiều nước khác nhau, trở thành điểm hẹn của cộng đồng ICT toàn cầu.

Năm 2021, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, sự lớn mạnh của ngành viễn thông và CNTT, hay gọi chung là ICT, nay trở thành công nghệ số, Việt Nam đã được chọn là nước đăng cai, cùng với ITU tổ chức sự kiện toàn cầu này.

Cũng từ sáng kiến của Việt Nam, ITU đã đồng ý đổi tên gọi của sự kiện, từ ITU Telecom World, thành ITU Digital World. Sự thay đổi này mở ra giai đoạn mới, với không gian mới, ngoài phạm vi của viễn thông hoặc ICTs truyền thống. Hạ tầng số, dịch vụ, nội dung số, nguồn nhân lực số sẽ sẵn sàng cho việc xây dựng các quốc gia số.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Gần 2 năm qua, Covid-19 đã tạo ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn và thách thức. Covid rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng quan trọng là ai sẽ tận dụng được cơ hội mà Covid mang lại, ai sẽ là người thích ứng nhanh, kịp thời thay đổi để vượt lên với sức sống mạnh mẽ hơn.

Trong tiến trình này, điều cốt yếu là nhanh chóng chuyển hoạt động lên môi trường số. Với chuyển đổi số thì một tháng Covid có thể bằng nhiều năm. Chính vì thế, Hội nghị Bộ trưởng và các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện năm nay đều tập trung thảo luận các chính sách, giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số.

Đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu phải tập trung hơn cho phát triển nhanh và bền vững. Phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển xanh và phát triển số, vì nó tiêu tốn ít tài nguyên nhất. Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tập trung chủ yếu cho phát triển xanh và số. Đổi mới sáng tạo thì cũng chủ yếu là trong lĩnh vực xanh và số. Phát triển xanh và phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21. ITU và 193 nước thành viên cần thúc đẩy hợp tác với trọng tâm là các giải pháp số thân thiện môi trường, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, cộng đồng dân cư.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Các hoạt động của Chính phủ sẽ chuyển nhanh lên môi trường số. Năm 2021 này, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, ban hành các khung pháp lý và chiến lược liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số.

Để mọi người có niềm tin chuyển lên môi trường số thì đảm bảo an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết. Năm 2020, Việt Nam đã được ITU xếp hạng thứ 25 trong số 193 quốc gia về an toàn, an ninh mạng toàn cầu. Điều này khẳng định bước tiến vượt bậc về năng lực đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Trước đó, năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 50 thế giới.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, các nhà mạng viễn thông Việt Nam đã thực hiện gói hỗ trợ cước viễn thông và internet lên tới 10.000 tỷ đồng (gần 500 triệu USD). Trong năm 2021 này, các nhà mạng sẽ giải quyết triệt để các điểm lõm sóng cuối cùng để toàn dân được phủ sóng viễn thông và internet. Chương trình 1 triệu máy tính cho em do Thủ tướng Chính phủ phát động cũng là cú huých thúc đẩy chuyển đổi số ngành Giáo dục và xã hội số.

Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng số hiện đại, đẩy nhanh phát triển kinh tế số. Việc cấp phép tần số và cung cấp dịch vụ sẽ được triển khai trong Quý 4 để đảm bảo phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc năm 2022. Từ năm 2023, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G, có nghĩa là 100% người dân sẽ dùng điện thoại thông minh. Đây là những nền tảng quan trọng để thực hiện chuyển đổi số toàn diện, toàn dân, trên toàn quốc.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành ICT và công nghệ số, Việt Nam đang kiên cường vượt qua thách thức, dùng công nghệ số để chiến thắng dịch bệnh, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực trong hợp tác quốc tế, cùng ITU và các nước triển khai các sáng kiến toàn cầu, chung tay xây dựng thế giới số.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của Việt Nam, cảm ơn ông Zhao Houlin, Tổng thư ký ITU, và đại diện các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự Khai mạc Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021.

Xin kính chúc sức khỏe các vị Lãnh đạo và quý vị đại biểu. Chúc Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021 thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./. 

Nguồn: BBT