AI giúp lấp lỗ hổng kiến thức khi học online

Việc học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh, làm giảm sự tập trung… và sẽ tạo ra những lỗ hổng kiến thức nhất định. Tuy nhiên, nếu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giáo dục thì có thể giải quyết được những vấn đề này khi học trực tuyến (online).

20211007-ta3.jpeg

Giúp các thầy cô giáo theo dõi mức độ tập trung của học sinh

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tính đến ngày 28/9, cả nước có 25 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 13 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 địa phương còn lại tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Chia sẻ tại sự kiện TechForStudy với chủ đề "Giải quyết nhức nhối khi học online bằng sức mạnh công nghệ và phong cách mới" được tổ chức mới đây, cô giáo dạy tiếng Anh Phạm Nữ Thanh Tú - Tiktoker với 112.000 người theo dõi, nhà sáng lập Trung tâm dạy tiếng Anh Pompom English khẳng định, quá trình học tập diễn ra tốt nhất khi học sinh tập trung, có cảm xúc tích cực và hứng thú trong quá trình tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, khi học online, đa phần các em học sinh đã có định kiến là chán và mất tập trung. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập của các em. 

"Vì vậy, việc theo dõi giáo viên phải nhận diện được cảm xúc của học sinh để điều tiết bài giảng của lớp học trực tuyến", cô giáo Thanh Tú cho biết thêm.

Đối với các em học sinh thì việc nhận diện cảm xúc rất quan trọng, vì không phải ai cũng tự mình có động lực học tập, khi mà có em thì bi ba mẹ bắt buộc, có em thì đến giờ phải học dù không thích… Vì vậy, các thầy cô giáo thay vì cố gắng dậy đủ 45 phút thì hãy dành ra khoảng 15 phút đầu tiên để chia sẻ với các em, thay đổi bầu không khí trong lớp học trực tuyến.

Cùng quan điểm, nhà sáng lập/CEO ứng học học Tiếng Anh ELSA Speak Văn Đinh Hồng Vũ cho rằng, do con nguòi không phải là máy móc nên sẽ có những cảm xúc khác nhau, và nó thay đổi theo ngày, theo giờ hay theo từng phút. Vì vậy, khi chuyển từ môi trường trực tiếp (offline) sáng môi trường online, không chỉ các em học sinh mà ngay cả trong công ty, người trưởng nhóm hay lãnh đạo công ty, khi họp online cũng phải nhìn tâm trạng của mọi người tham dự để thay đổi bầu không khí hoặc điều tiết nó, thì cuộc họp mới hiệu quả. 

"Tương tự, trong một lớp học online đông học sinh, để các thầy cô giáo biết được cảm xúc của tất cả mọi người và cân bằng nó là một bài toán khó cần giải quyết", bà Hồng Vũ chia sẻ thêm.

Ông Bùi Hải Hưng, Viện trưởng VinAI (Vingroup) cũng cho rằng, đối với cả người lớn và trẻ em, khả năng tiếp thu kiến thức tỷ lệ thuận với mức độ tập trung. Tuy nhiên, nếu như người lớn có khả năng tự điều chỉnh được mức độ tập trung của mình thì trẻ em việc này rất khó khăn, nhất là khi các em phải học online và ở nhà vẫn có mặt các thành viên khác của gia đình.

Từ đó, ông Hưng cho rằng, công nghệ sẽ giúp khắc phục và cải thiện phần nào đó vấn đề này thông qua AI nhờ việc nhận diện khuôn mặt của các học sinh trong lớp học online. Cụ thể, nếu như cô giáo chỉ nhìn được khoảng 2-3 bạn do màn hình hiện ra quá nhiều cửa sổ chat, thì AI sẽ giúp phân loại việc tập trung của toàn bộ học sinh, theo thang điểm từ 1 - 10 để giáo viên có thể nắm được và có những điều chỉnh, cân bằng lớp học một cách phù hợp nhất. 

"Thông qua các hành vi trên gương mặt như vui, buồn… , AI hoàn toàn có thể nhận diện được cảm xúc của học sinh với mức độ chính xác khá cao", ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Phan Dũng, Giám đốc công nghệ của nền tảng Clevai Math cũng cho rằng, AI hoàn toàn có thể giúp các thầy cô giáo đo được sự tập trung của các con trong buổi học. Để từ đó đưa ra được hướng dẫn và cách truyền tải hướng dẫn với tình hình các em học sinh trong lớp học của mình. 

Ví dụ, như việc học Toán trực tuyến về quy tắc nhân chia trước cộng trừ sau, phép tính từ bên trái sang bên phải. Qua màn hình của công cụ dạy học trực tuyến, với sự trợ giúp của AI, thầy cô giáo sẽ biết được học sinh nào đang hứng thú với bài tập này, còn học sinh nào đang cảm thấy bối rối hoặc lo lắng. Theo đó, giáo viên có thể tức thời điều chỉnh, đưa ra lời khuyên hay động viên em học sinh đó có thể lấy lại tự tin của mình.

Hiện Clevai Math đã nhận thức được vai trò quan trọng của vấn đề này và đang thử nghiệm công nghệ Amazon Regconition - nhận diện được 8 loại cảm xúc của học sinh như đang hứng thú, buồn, vui, giận dữ, chán nản hay đang bình tĩnh, ngạc nhiên,... 

"Trong quá trình thử nghiệm công nghệ đó, Clevai Math nhận thấy rằng công nghệ này giúp ích rất nhiều cho giáo viên trong việc truyền tải kiến thức và học sinh tiếp thu bài học khi có thể nhận được sự trợ giúp ngay lập tức", ông Dũng chia sẻ thêm.

Ngoài ra, Clevai Math còn kết hợp với thiết bị đo sóng não Earables để đo độ tập trung của các em học sinh và nhận thấy đây là thiết bị cực kỳ tiềm năng trong giáo dục.

Cá nhân hoá và phân loại theo từng học sinh để có lộ trình giảng dạy phù hợp

Như vậy, với việc học online hiện nay, sẽ khiến các em mất tập trung và bỏ qua một kiến thức nào đó, tạo những lỗ hổng kiến thức cho học sinh. Khi được hỏi, liệu công nghệ có thể giúp phát hiện và "lấp đầy" những lỗ hổng kiến thức này cho các em học sinh hay không.

Theo cô giáo Phạm Nữ Thanh Tú, khi dịch bệnh xảy ra, dạy online là một sự khủng hoảng với các thầy cô giáo vì trước đó chưa có bất kì khoá đào tạo nào cho việc này. Nếu như trước kia, muốn biết học sinh có hổng kiến thức hay không thì chỉ cần cho các em kiểm tra miệng hay làm bài tập đầu giờ, nhưng khi học online thì việc này gần như không khả thi. Mặc dù vậy, điều may mắn là với môn Tiếng Anh có những ứng dụng học từ vựng thông minh nên có thể "cá nhân hoá" biết được cụ thể từng học sinh hay sai những từ nào để cô giáo có thể kiểm tra và dạy kĩ càng hơn.

Bên cạnh việc phát hiện lỗ hổng kiến thức nhờ kinh nghiệm, ông Hưng cho rằng, cách sử dụng các ứng dụng công nghệ như cô giáo Thanh Tú thực hiện sẽ giúp giáo viên có được những dữ liệu rất thú vị về cách học sinh trả lời những câu hỏi đó. Từ những dữ liệu này, công cụ học máy (machine learning) sẽ đưa ra được những dự báo về mức độ tiếp thu kiến thức của các em học sinh khi tham gia lớp học online. 

"AI có thể giúp tìm ra những lỗ hổng kiến thức một cách định lượng của thông qua những bài kiểm tra trắc nghiệm hay những câu hỏi đơn giản, thay vì dựa vào kinh nghiệm", ông Hưng cho biết thêm.

Bà Hồng Vũ cho rằng, công nghệ phát hiện lỗ hổng kiến thức đang được ELSA Speak làm khá tốt thông qua hệ thống gợi ý (Recommendation Engine). Công nghệ này giống như người dùng mua hàng trên Amazon hay xem phim trên Netflix, sẽ gợi ý dựa trên lịch sử xem/tìm kiếm của người sử dụng. Khi thiết kế bài học, ELSA Speak sẽ "cá nhân hoá" đến từng người dùng dựa trên bài học trong 1-2 tháng vừa qua để đưa ra các chương trình tiếp theo. 

"ELSA Speak sẽ phát hiện học sinh này chỉ cần đọc một lần là tiến bộ thì sẽ chuyển qua bài học tiếp theo, nhưng với những bạn phải đọc tới 10 lần thì ứng dụng sẽ phát hiện ra lỗ hổng kiến thức nằm ở đâu để lưu ý cho những bài học kế tiếp", bà Văn Vũ nói.

AI sẽ giúp các giáo viên phân loại được từng học sinh để có lộ trình giảng dạy phù hợp. Ví dụ, ai học nhanh thì không cần tập trung quá nhiều nhưng với học sinh nào học chậm, bị sai nhiều thì sẽ có sự quan tâm, điều chỉnh giáo trình cho phù hợp, còn bạn nào thông minh sẽ phải đẩy các bài học khác nhiều hơn.

Ông Dũng cho rằng, nếu như giáo dục truyền thống sẽ gặp những giới hạn nhất định khi giáo viên chỉ quan tâm đến một số học sinh nhất định trong lớp, thì việc ứng dụng công nghệ trong học online sẽ giúp thu thập được lượng dữ liệu rất lớn của từng cá nhân một, để rồi có thể tính toán, tuỳ biến cá nhân hoá học tập cho từng học sinh một theo năng lực, mục tiêu học tập. Trên thế giới, có rất nhiều điển hình ứng dụng công nghệ hệ thống gợi ý và cá nhân hoá.

Tiêu biểu như Quizlet, một công ty có trụ sở ở San Fransisco (Mỹ) với nền tảng Quizlet Learning, sử dụng kỹ thuật máy học  và lượng dữ liệu khủng lồ của hơn 64 môn học, trong đó các môn Đại số, Vât lý, Hóa học, Kinh tế,.. với mục đích tạo ra lộ trình hợp lý nhất cho người học. Theo đó, tùy theo chủ đề, môn học mà có các học liệu tương ứng với từng cá nhân một. 

"Thống kê cho thấy, 92% sinh viên đã cải thiện điểm số sau khi sử dụng nền tảng Quizlet learn. Điều đó đã cho thấy hiệu quả của việc sử dụng dữ liệu lớn để tuỳ biến theo từng cá nhân", ông Dũng nói.

Công nghệ AI sẽ không thể thay thế được các thầy cô giáo

Đánh giá về ứng dụng của AI trong lĩnh vực giáo dục, CEO ELSA khẳng định, AI có thể giúp giáo viên trong những việc liên quan đến hành chính như quản lý lớp học, chấm điểm học sinh…., để có thể dành nhiều thời gian hơn trong việc giảng dạy, mang lại kiến thức cho học sinh. 

Tiếp theo, AI có thể giúp giao viên kiểm tra đầu vào của học sinh một cách đa dạng hơn, thay vì các bài giống nhau cho tất cả học sinh. Thậm chí, dựa vào dữ liệu kết quả kiểm tra đó, AI còn có thể giúp thầy cô giáo cá nhân hoá học sinh theo trình độ, như thay vì sắp xếp bài 1-2-3 cho học sinh, mà có thể tự đảo thứ tự theo trình độ của học sinh. 

"Chưa kể đến, nếu như một lớp học có 30 - 40 học sinh, việc chuẩn bị bài cho riêng từng đó em là một khối lượng công việc khổng lồ. Nhưng nếu nhờ AI, thì công việc đó sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều", bà Hồng Vũ Khẳng định.

Chưa dừng lại ở đó, AI còn giúp các giáo viên hiểu được cảm xúc của từng em học sinh trong lớp học khi giảng bài. Tuy nhiên, giáo viên cũng không phải lo lắng liệu AI có thay thế công việc của mình không, bởi vì AI chỉ là công cụ để các thầy cô giáo giảng dạy hiệu quả hơn, nhưng đồng thời cũng phải không ngừng thay đổi kỹ năng, phương pháp sư phạm của mình.

Cùng quan điểm, theo ông Dũng, AI không thể thay thế được các thầy cô giáo mà chỉ để việc học và dạy hiệu quả hơn, giúp các thầy cô giáo soạn giáo án nhanh hơn, phù hợp với buổi học và trình độ của lớp, của từng học sinh.

Bên cạnh đó, AI có thể giúp cho thầy cô giáo chấm điểm tự động, nhận diện bài làm của học sinh, đáp án từ đó đưa ra điểm số với độ chính xác tương đối cao.

Cô giáo Thanh Tú cho biết vẫn đang dùng AI để chấm điểm, tồng hợp điểm và hiểu trình độ học sinh. Công nghệ AI có thể giải quyết được lỗ hổng của học sinh rất hiệu quả thông qua cá nhân hoá phần bài tập cho học sinh.

"Nếu chỉ dựa vào giáo viên thì do sức người có hạn nên cũng chỉ gửi một vài dạng bài tập cho cả lớp. Nhưng nhờ AI, do có thể hiểu được trình độ học sinh, nên có thể gửi câu khó hơn nếu học sinh trả lời đúng hoặc gửi lại dạng bài tập cấu trúc để học sinh ôn lại khi làm sai. Điều này sẽ bổ sung rất nhiều cho việc lấp lỗ hổng kiến thức của các em học sinh", cô giáo Thanh Tú bày tỏ.

Như với việc học ngôn ngữ, ứng dụng ELSA Speak đã giúp học sinh cải thiện khâu phát âm rất nhiều, không còn ngại ngùng nếu học theo cách truyền thống. Chưa kể, việc phát âm trên lớp sẽ mất rất nhiều thời gian, vì phải đọc đi đọc lại, nhưng nếu các em có thể tự nói với ứng dụng ELSA Speak thì sẽ thoải mái hơn rất nhiều./.

Nguồn: Theo https://ictvietnam.vn/