Triển khai xây dựng đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra ba đột phá chiến lược trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó đột phá chiến lược đầu tiên chính là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

 Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn (Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021) đã khẳng định quan điểm, định hướng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Thành viên Chính phủ không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương...; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, cơ quan, địa phương xử lý công việc. Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng cường phân cấp cho cấp dưới trực tiếp, cho địa phương xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính (TTHC)... Tiếp theo, Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 (Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021) cũng yêu cầu: Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.

Triển khai thực hiện các Nghị quyết, ngày 25/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1104/TTg-KSTT về việc triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương cần tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết TTHC, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đạt mục tiêu phân cấp ít nhất 20% TTHC. Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất phương án phân cấp của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương phải nêu cụ thể nội dung, lý do phân cấp đối với từng thủ tục hành chính; tên điều, khoản văn bản cần sửa đổi và nội dung dự kiến sửa đổi; lợi ích mang lại;...

Các địa phương xây dựng Báo cáo, gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan trước ngày 15 tháng 11 năm 2021; trên cơ sở kết quả rà soát và Báo cáo của địa phương, các bộ, cơ quan xây dựng Báo cáo, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 15 tháng 12 năm 2021 để tổng hợp, phục vụ xây dựng Đề án.

Các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Báo cáo để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của các phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương chủ động tổ chức triển khai, các nhiệm vụ xây dựng Đề án nêu tại Phụ lục kèm theo công văn 1104/TTg-KSTT, bảo đảm tiến độ và chất lượng; phối hợp chặt chẽ và kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc với Văn phòng Chính phủ trong quá trình thực hiện.

Trên cơ sở tổng hợp Báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và kết quả rà soát độc lập, Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính”, kèm theo phương án phân cấp đối với từng thủ tục hành chính cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong tháng 3 năm 2022.

Văn phòng Chính phủ sẽ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong quá trình rà soát, đề xuất phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng Đề án./.