“Sóng và máy tính cho em” - chương trình chạm đến trái tim cộng đồng

Dịch Covid-19 gây ra nhiều xáo trộn cho đời sống kinh tế-xã hội, trong đó giáo dục là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin, ngành giáo dục đã kịp thời thích ứng và triển khai mô hình dạy và học trực tuyến khá bài bản, bước đầu có hiệu quả.

 Trước thực tế đó, Lễ phát động trực tuyến Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tối 12-9 vừa qua đã thực sự chạm đến trái tim của cộng đồng, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trước thực trạng nhiều học trò nghèo đang vô tình bị bỏ lại phía sau trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, khi mà việc học trực tuyến đã trở thành một trạng thái “bình thường mới”. Dư luận hy vọng, rồi đây, quyền tiếp cận giáo dục theo phương thức trực tuyến của các học trò nghèo sẽ được bảo đảm khi nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm cũng đã và đang tiếp tục đóng góp vật lực, tài lực để cùng Chính phủ và ngành giáo dục hiện thực hóa lời kêu gọi đầy nhân văn của Thủ tướng Chính phủ. 

20210923-m07.jpg
Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, TP Hà Nội) trao máy tính và tiền hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn phục vụ học trực tuyến. Ảnh: KIỀU MINH 

Nhận thức được tính nhân văn của chương trình, ngay trong tối 14-9 vừa qua, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã tổ chức cuộc họp liên tịch mở rộng (có mời đại diện cha mẹ học sinh tham dự) để thống nhất chủ trương, giải pháp về vấn đề sử dụng tiền ủng hộ chương trình. Theo đó, nhà trường lên phương án mua 11 bộ máy tính mới trị giá 7.183.000 đồng/bộ tặng 11 học sinh của nhà trường trong diện gia đình chính sách (con thương binh, liệt sĩ), học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt phục vụ học trực tuyến và 2.000.000 đồng/học sinh hỗ trợ internet để bảo đảm đường truyền trong khi học... Mua thêm 8 máy tính mới để những học sinh có hoàn cảnh khó khăn gặp vấn đề về thiết bị học trực tuyến mượn dùng trong thời gian giãn cách. Số máy "Ai cần đến mượn" này được để tại thư viện và luân phiên hỗ trợ học sinh khó khăn khi cần.

Trường cũng đã ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của quận Ba Đình 50.000.000 đồng để giúp đỡ học sinh đặc biệt khó khăn trên địa bàn quận. "Đây là chương trình có tính nhân văn cao, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đến các cơ sở giáo dục, nhận được sự hưởng ứng của cả xã hội. Dù chương trình bây giờ mới "dậy sóng", nhưng nhìn thấy sự vào cuộc của các cơ quan lãnh đạo, các doanh nghiệp lớn, sự chia sẻ của từng cá nhân trong xã hội, cảm nhận giáo dục không bị bỏ lại phía sau. Cả xã hội dồn sức chống Covid là chống giặc trước mắt. Cả xã hội chung tay với giáo dục là chống giặc dốt, giặc nghèo đói lâu dài. Trân quý mọi tấm lòng chung tay nối sóng và tặng máy tính lúc này", cô Phạm Thị Hương Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương xúc động cho biết.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh trên cả nước đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận mô hình giáo dục mới này do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có thiết bị cũng như đường truyền internet để kết nối, bởi vậy, để chương trình thực sự phát huy hiệu quả tối đa, tránh hình thức, thiết nghĩ, các nhà tổ chức cần chú ý tới chất lượng của máy tính, máy tính bảng được trang bị cho các em. Không thể chỉ vì mục tiêu “giá rẻ” mà đánh đổi chất lượng sản phẩm, bởi lẽ thiết bị học trực tuyến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực, sức khỏe cũng như trải nghiệm, chất lượng học tập của học sinh.

Để hài hòa giữa chất lượng, số lượng và giá thành, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt, có trách nhiệm xây dựng phương án triển khai, công bố cấu hình chi tiết và tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu cần đạt được, sau đó kêu gọi các nhà cung cấp máy tính, máy tính bảng trong nước và quốc tế gửi hồ sơ báo giá kèm theo các thông số kỹ thuật, chế độ bảo hành, kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật... Căn cứ vào đó, tổ công tác sẽ khuyến nghị những sản phẩm phù hợp nhất để ngành giáo dục các địa phương tiến hành mua sắm tập trung, hoặc các mạnh thường quân tham khảo trong quá trình lựa chọn thiết bị học trực tuyến để tài trợ cho chương trình...

Và để thực sự căn cơ, tính kế sâu rễ bền gốc, nên phân quyền cho sở, phòng giáo dục và đào tạo các địa phương tổ chức thống kê nhu cầu cần hỗ trợ, làm đầu mối tiếp nhận tài trợ, sau đó phân bổ lượng máy tính xuống các trường theo nhu cầu đã đăng ký. Mỗi nhà trường sẽ chịu trách nhiệm cài đặt, quản lý, cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn số máy tính này. Cán bộ kỹ thuật hoặc giáo viên tin học của nhà trường sẽ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, khắc phục sự cố và cấp đổi thiết bị cho học sinh khi có phát sinh về chất lượng hay sự cố kỹ thuật, bảo đảm quá trình sử dụng được thông suốt và hiệu quả nhất.

Đồng thời, cần tính đến phương án kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông lắp đặt các điểm phát wifi công cộng đến từng thôn, xóm, khu phố, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn và cấp tài khoản truy cập wifi miễn phí tới học trò nghèo. Ngoài ra, các nhà mạng cũng nên có chính sách miễn phí cước truy cập dữ liệu 3G, 4G liên quan đến dạy và học trực tuyến cho học sinh nghèo để thực sự mang “sóng” đến với các em ngoài nỗ lực cung cấp thiết bị kết nối... 

Có thể thấy rằng, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ chỉ thực sự phát huy tác dụng nếu có chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phù hợp trên môi trường số. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành giáo dục và thông tin và truyền thông, xây dựng một chiến lược giáo dục trực tuyến hợp lý, thống nhất với các nền tảng đồng bộ, các phần mềm, ứng dụng sẵn sàng để triển khai rộng khắp  trên toàn quốc; chú trọng đến yếu tố con người, đào tạo, tập huấn bài bản để có một đội ngũ thầy, cô giáo và cán bộ kỹ thuật có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu trước tình hình mới của mô hình giáo dục 4.0...

Nguồn: Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân