Xây dựng Đảng về đạo đức - trách nhiệm của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên

Xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề luôn được Đảng ta quan tâm chú trọng; được đặc biệt nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bởi trong bối cảnh và điều kiện hiện nay thì việc quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức có ý nghĩa rất lớn và quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên.

Cover-img-1601177693422.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: nhandan.vn

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XI của Đảng ta đã nhận định, vẫn còn “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...”(1). Đây là nguyên nhân chủ yếu làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của người dân đối với Đảng.

Nếu đạo đức trong Đảng không được đảm bảo sẽ tác động nguy hại tới chính trị, tư tưởng, tổ chức của Đảng, dẫn đến suy đồi đạo đức trong xã hội và tổ chức đảng mất sức chiến đấu. Vì vậy, tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là trong bối cảnh và điều kiện hiện nay càng phải quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức. 

Nguyên tắc xây dựng Đảng về đạo đức 

Một là, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức.

Đối với mỗi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên lời nói phải đi đôi với việc làm. Nói đi đôi với làm trước hết là sự nêu gương tốt. Sự làm gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, cha mẹ làm gương cho các con, anh chị làm gương cho em, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên... là phương thức giáo dục đạo đức phổ biến và hiệu quả nhất. Đảng viên phải làm gương trước quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2).

Hai là, xây đi đôi với chống trong công tác xây dựng Đảng.

Xây đi đôi với chống là muốn xây dựng phải chống, chống nhằm mục đích xây. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chống chủ nghĩa cá nhân. Xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, trong tập thể và toàn xã hội. Những phẩm chất chung nhất phải được cụ thể hóa phù hợp với mọi tầng lớp, đối tượng.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(3). Do đó, phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(4).

Tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng, đã là con người thì ai cũng có mặt tốt, mặt xấu; ai cũng có những lúc mắc sai lầm, khuyết điểm. Điều quan trọng là phải dám nhìn thẳng vào chính mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tư tưởng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của mình. 

Một số giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay

Trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng, Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(5). Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Vì vậy, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp giữa tư tưởng truyền thống quý báu của dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại, đặc biệt là với chủ nghĩa Mác - Lênin. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là thực hiện các chuẩn mực đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc, đạo đức cộng sản và những chuẩn mực đạo đức nhân đạo, nhân văn tiên tiến nhất của thời đại.

Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng nổi bật trong hoạt động cách mạng và trong đời sống hàng ngày của Người (thống nhất giữa tư tưởng và hành vi đạo đức). Đó là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương, gương mẫu. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Thứ hai, kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, “nói không đi đôi với làm”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương  lần thứ tư, khóa XII đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế, chính sách; kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII  của Đảng nhấn mạnh: “Coi phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(6).  Do đó, cần xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền; có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm trong xây dựng Đảng về đạo đức. 

Thứ ba, xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ra sức phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của Nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng tự rèn luyện đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, luôn đề cao vai trò gương mẫu, nêu gương sáng về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên rèn luyện, làm cho việc tự tu dưỡng của đảng viên trở thành nền nếp hàng ngày. 

Đặc biệt, thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Trong đó, về tư tưởng chính trị: kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Ðảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân.

Cần tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực; nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, coi trọng giám sát chuyên đề; tăng cường sự phối hợp giám sát của Đảng với giám sát của Nhà nước và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp… sẽ góp phần cho mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên, tự giác trong vấn đề nêu gương.

Xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân, hoàn thành trọng trách trước Nhân dân và dân tộc. Xây dựng Đảng về đạo đức là trách nhiệm của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên; đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh./.

TS Nguyễn Thu Huyền - Học viện Hành chính Quốc gia

------------------------------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG-ST, H.2012, tr.22-23.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.16.

(3) Sđd, tập 11, tr.612.

(4) Sđd, tập 15, tr.672.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H. 2021, tr.190.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.251.

 


 

Nguồn: https://tcnn.vn