Phòng chỉ huy điều hành của Thủ tướng sẽ kết nối trực tiếp đến 11.000 xã, phường

Ngày 30/8/2021, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước tháng 8/2021 dưới hình thức trực tuyến tại 8 điểm cầu với sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ TT&TT, Lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ, Công đoàn TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC.

BT-phat-bieu-ket-luan.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Góp sức trong cuộc chiến chống Covid

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá cao một số hoạt động nổi bật mà ngành TT&TT đã góp sức trong cuộc chiến chống Covid vừa qua.

Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” trị giá 160 tỷ do Bộ TT&TT tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn VNPT, Viettel Telecom, T&T Group, Ngân hàng MBank, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Viettel Post với đối tượng thụ hưởng là người nghèo, vô gia cư, lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn, không có giấy tờ, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, một hành động rất kịp thời, hiệu quả của Bộ TT&TT. Từ hoạt động trên, chính quyền TP.HCM đã ghi nhận, đánh giá cao, sau đó đã chính thức đứng ra tổ chức những hoạt động hỗ trợ này.

Chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, một chương trình đối thoại trực tiếp nhằm giải đáp những câu hỏi của người dân xoay quanh việc phân bổ các gói hỗ trợ, túi an sinh, chương trình đi chợ thay, công tác tiêm chủng vắc xin, xét nghiệm Covid-19,… do Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thực hiện. Chương trình đối thoại trực tiếp lần đầu tiên giữa chính quyền với người dân này đã tạo ra một sự thay đổi lớn, khởi động những thay đổi căn bản về hoạt động chính quyền trước hết tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, là cú huých để có thể nhân rộng tại các tỉnh thành khác trên cả nước. Lần đầu tiên người dân nhận thấy ý kiến của họ không chỉ được lắng nghe mà còn được thực hiện.

Tiếp đến là Gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp viễn thông, đã hỗ trợ thiết thực cho người dân sử dụng dịch vụ viễn thông, trong nhiều trường hợp, liên lạc viễn thông, Internet là cách thức duy nhất để kết nối.

Sự kiện ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một nỗ lực to lớn của ngành TT&TT. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia tiếp tục mở rộng triển khai nền tảng công nghệ bắt buộc phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương trên cả nước. Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ là giải pháp tình huống mà cần trở thành có tính chiến lược, lâu dài thời kỳ hậu Covid. Những ứng dụng công nghệ số trong chống dịch sẽ là cú huých để tiến hành ứng dụng công nghệ số cho phát triển kinh tế xã hội. Tất cả những nền tảng số, ứng dụng số đang được xây dựng đều phải nhằm tới mục tiêu được ứng dụng trên toàn quốc với 100% người dùng.

toan-canh_2.jpg

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Phòng chỉ huy điều hành của Thủ tướng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid đang diễn ra hết sức phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa giao một nhiệm vụ đột xuất cho Bộ TT&TT, đó là: Xây dựng phòng chỉ huy điều hành để Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp đến lãnh đạo 11.000 xã, phường trên toàn quốc, trước mắt tập trung 2.500 xã, phường tại các địa phương phía Nam đang bị giãn cách. Với quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt, Phòng chỉ huy điều hành phục vụ công tác chỉ đạo của Thủ tướng sẽ sớm đi vào hoạt động. Các số liệu thời gian thực của các nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid Quốc gia cũng được đưa về Phòng điều hành này, Thủ tướng sẽ dựa trên các số liệu này để đưa ra các quyết định phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Và quan trọng hơn, sau mùa dịch, Thủ tướng sẽ sử dụng hệ thống này để điều hành kinh tế, xã hội.

Những hoạt động kịp thời này của ngành TT&TT không chỉ đã đáp ứng tốt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 mà còn mở ra và hướng tới những mục tiêu lâu dài cho phát triển kinh tế xã hội đất nước sau đại dịch. Covid là cơ hội, là cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ số để chống dịch là khởi đầu cho ứng dụng công nghệ số lâu dài trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội đất nước.

Vai trò của quản lý nhà nước là dẫn dắt, muốn dẫn dắt phải xuất sắc

Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới: cấp tần số 4G, 5G; tiếp tục xử lý triệt để SIM rác; hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hoàn thiện ứng dụng Trợ lý ảo; địa chỉ số đến hộ gia đình; sản xuất thiết bị 5G Make in Viet Nam; định hướng phát triển các cơ quan báo chí chủ lực; tổ chức Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021…

Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của quản lý nhà nước trong giai đoạn phát triển mới; đã xây dựng chiến lược dài hạn là phải có tầm nhìn xa trông rộng; Nhà nước phải dẫn dắt, mà muốn dẫn dắt thì phải xuất sắc, chiến lược đưa ra phải xuất sắc và nếu không xuất sắc thì không thể dẫn dắt.

Bộ trưởng lưu ý các đơn vị: khi thực hiện nhiệm vụ, đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn, đây là thay đổi căn bản nhất giữa thời công nghệ số so với thời CNTT. Trong chuyển đổi số, một nền tảng là dùng chung toàn quốc thì sản phẩm phải 100% người dân dùng. Tất cả các ứng dụng làm ra để xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số mà không được 100% tỉnh thành, không 100% người dân dùng có nghĩa là chưa được; đây là thay đổi vô cùng lớn của nhiều chục năm nay./.

 

Tình hình phát triển ngành TT&TT tháng 8/2021

Doanh thu bưu chính ước đạt 24.500 tỷ (tăng 10% so với cùng kỳ), sản lượng bưu chính ước 8 tháng đầu năm 2021: 820 triệu bưu gửi (tăng 15% so với cùng kỳ). Kế hoạch 1035/QĐ-BTTTT của Bộ về việc bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đang thực hiện giãn cách xã hội: tính đến ngày 25/8/2021, đã thiết lập 4.150 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu; cung cấp 53.167 tấn hàng, trị giá 1.034 tỷ đồng.

Đến hết tháng 7/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 76,53 nghìn tỷ tăng 3,46%% so với cùng kỳ năm trước; Số thuê bao điện thoại: 126,34 triệu, giảm 0,81% so với cùng kỳ năm trước; số lượng SIM rác đã xử lý: 10,2 triệu SIM; số cuộc gọi giả mạo đã ngăn chặn: 65,17 triệu; Số thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã xử lý: 196.762 thuê bao.

Đến hết ngày 26/8, số lượt ứng dụng Bluezone đang hoạt động (22,7 triệu), lượt trả kết quả xét nghiệm quả Bluezone (hơn 700.000 lượt), lượt khai báo y tế qua các ứng dụng (70 triệu lượt), tổng số lượt cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (4,6 triệu lượt); thực hiện truy vết 5.001 ca nhiễm/ ca nghi nhiễm; truy ra 53.989 ca có liên quan; truy vết 1.704 trường hợp F0 đặc biệt, 28 trường hợp là F0 bỏ trốn đã bị phát hiện nhờ kết quả truy vết.

Tính từ 1/8-23/8/2021, Facebook đã gỡ 407 bài viết, tài khoản vi phạm, Google (Youtube) đã gỡ 407 video và kênh, Tiktok gỡ 82 video theo yêu cầu của Bộ TT&TT.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận 5.082 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 25,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Ước tính trong 8 tháng đầu năm 2021, Tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 1.992 tỷ đồng (~ 86,1 tỷ USD) tăng trưởng khoảng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, chủ yếu doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử đạt khoảng 1.765 tỷ đồng (~ 76,3 tỷ USD) chiếm gần 90% tổng doanh thu công nghiệp ICT.