Bắc Giang: Xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Bắc Giang đề ra mục tiêu và quyết tâm trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số (CĐS). Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Một trong những nội dung được người dân, doanh nghiệp (DN) đặc biệt quan tâm là xây dựng và phát triển chính quyền số (CQS). Phóng viên Báo Bắc Giang đã phỏng vấn đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh về nội dung này.

Với quyết tâm trở thành một trong những địa phương có chỉ số đánh giá về CĐS thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, Bắc Giang đã tập trung cao vào cuộc. Xin đồng chí cho biết những kết quả bước đầu nổi bật?

20210831080518-3a1.jpg
Đồng chí Mai Sơn. 

Đồng chí Mai Sơn: Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng thì việc CĐS là tất yếu. Đây là quá trình số hóa các hoạt động, dữ liệu thông tin của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên môi trường mạng; là nền tảng quan trọng, nguồn lực thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh, bền vững. 

Vì vậy, tỉnh đề ra mục tiêu khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần, vật chất để bứt phá vươn lên, phấn đấu đến năm 2025, Bắc Giang có chỉ số đánh giá về CĐS thuộc nhóm 15 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bắc Giang đã tập trung cao trong chỉ đạo và thực hiện, đạt kết quả nổi bật. Đó là hạ tầng viễn thông phát triển rộng khắp và tương đối hoàn chỉnh phục vụ người dân, DN. 

Duy trì, phát triển vận hành tốt các hệ thống thông tin dùng chung cốt lõi của tỉnh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành như: Hệ thống một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, hệ thống thư công vụ, phần mềm ký số, hệ thống họp trực tuyến, cổng thông tin điện tử. Hiện nay, tỷ lệ ký số cơ bản đạt 100%, nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước.

20210831080518-1-dinh-thay-thay.jpg

Đồng chí Mai Sơn và lãnh đạo Tập đoàn VNPT Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác về viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, CĐS và xây dựng đô thị văn minh giai đoạn 2021-2025.

Cổng dịch vụ công trực tuyến được nâng cấp và phát triển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tích hợp tất cả dịch vụ công của các sở, ngành, UBND huyện, xã để giải quyết, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân, DN. Hiện nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến thực hiện tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia gồm cấp tỉnh, huyện, xã là 369 dịch vụ, trong đó 133 dịch vụ mức độ 3, 236 dịch vụ mức độ 4. 

Bắc Giang nằm trong 10 tỉnh, TP có 100% dịch vụ công đủ điều kiện được giải quyết trực tuyến ở cấp độ 4; đứng thứ 5 về tỷ lệ hồ sơ cấp phép đăng ký kinh doanh qua mạng. Công tác truyền thông thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp.

Nhờ chủ động CĐS nên vừa qua Bắc Giang đã ứng dụng có hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19. Ví như tỉnh đã xây dựng phần mềm quản lý và truy vết Covid-19, cấp tài khoản cho hơn 3,5 nghìn DN, cập nhật dữ liệu khoảng 227 nghìn hồ sơ công nhân, hiện nhiều tỉnh đã áp dụng phần mềm này của Bắc Giang; tạo các điểm check in bằng mã QR, cài đặt Bluezone, ứng dụng nền tảng tiêm chủng, các điều kiện kỹ thuật cho hơn 100 cuộc họp trực tuyến, kịp thời góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Một trong những nội dung được người dân, DN đặc biệt quan tâm đó là phát triển chính quyền số (CQS). Đồng chí có thể giới thiệu rõ hơn về mô hình này và Bắc Giang từng bước thực hiện ra sao?

Đồng chí Mai Sơn: Có thể hiểu, CQS là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của CNTT. Tất cả hoạt động của các cơ quan ở các cấp sẽ ứng dụng CNTT để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn. 

Bắc Giang xây dựng và phát triển CQS nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.

Để xây dựng, phát triển CQS, tỉnh tập trung vào 4 nhóm nội dung. Đó là phát triển hạ tầng số, nền tảng số, các ứng dụng – cơ sở dữ liệu và dịch vụ số, bảo đảm an ninh mạng. Trong các nhóm nội dung này đều có các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể. 

Đến nay, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng của quốc gia gồm 9 lĩnh vực, dịch vụ, gồm: Bảo hiểm xã hội, đăng ký DN, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hộ tịch, lý lịch tư pháp, cấp mã số quan hệ ngân sách, văn bản quy phạm pháp luật, bưu chính công ích (VNPost), danh mục dùng chung.

Đơn cử như việc phát triển nền tảng số, chúng ta xây dựng nền tảng kết nối dịch vụ số hóa tỉnh Bắc Giang bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với các phương pháp học máy bảo đảm kết nối các dịch vụ số hóa với các ứng dụng quản lý, lưu trữ tài liệu số hóa, khai phá dữ liệu, hỗ trợ phân tích ra quyết định, giải các bài toán phục vụ phát triển, thúc đẩy CĐS tại các cấp, các ngành. 

20210831080518-3a2.jpg

Vận hành lưới điện tại Trung tâm Điều khiển xa của Công ty Điện lực Bắc Giang. Ảnh: Quốc Phương

Cùng với đó là nâng cấp, phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Bắc Giang kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nội bộ của tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của quốc gia theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài.

Đến nay, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng của quốc gia gồm 9 lĩnh vực, dịch vụ, gồm: Bảo hiểm xã hội, đăng ký DN, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hộ tịch, lý lịch tư pháp, cấp mã số quan hệ ngân sách, văn bản quy phạm pháp luật, bưu chính công ích (VNPost), danh mục dùng chung. 

Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) để kết nối và phân tích dữ liệu liên ngành, cho phép theo dõi các chỉ số KT-XH mọi lúc, mọi nơi, đưa ra những cảnh báo sớm để hỗ trợ ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành kịp thời.

Nhiều ý kiến cho rằng CQS sẽ phục vụ người dân, DN tốt hơn, nhất là hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức hoặc cơ quan, đơn vị khi giải quyết TTHC. Quan điểm của đồng chí như thế nào?

Đồng chí Mai Sơn: Chúng ta khẳng định rõ quan điểm CĐS phải lấy người dân và DN là trung tâm. Mọi hoạt động của chính quyền phải hướng đến phục vụ người dân và DN. Vì thế trước mắt tập trung nguồn lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người dân và DN. 

Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa lên môi trường số càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Có như vậy, thông tin sẽ minh bạch, được người dân giám sát, chính quyền sẽ phục vụ người dân, DN tốt hơn, nhất là hạn chế tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức hoặc cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC.

Trước mắt, để nhanh chóng phát triển CĐS, tỉnh tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm nào thưa đồng chí?

Đồng chí Mai Sơn: Bắc Giang tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu CĐS của tỉnh theo hướng hiện đại để quản lý tập trung các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu triển khai CQS, đô thị thông minh.

Cùng đó là xây dựng, phát triển Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) tỉnh Bắc Giang cho các hệ thống thông tin của tỉnh và kết nối với Hệ thống hỗ trợ, giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia để đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) để kết nối và phân tích dữ liệu liên ngành, cho phép theo dõi các chỉ số KT-XH mọi lúc, mọi nơi, đưa ra các cảnh báo sớm để hỗ trợ ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành kịp thời. Chuyển đổi số trong 9 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Y tế, giáo dục, giao thông - vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, tư pháp, báo chí.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!