Chuyển đổi số ở TP Thái Nguyên: Đô thị thông minh trong tương lai gần

TP Thái Nguyên là một trong 3 địa phương của tỉnh Thái Nguyên (cùng với TP Sông Công và TX Phổ Yên) đang tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh theo chủ trương của Tỉnh ủy; xác định đây là một yếu tố cốt lõi, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

20210823-ta1.jpg

Điểm cầu T.P Thái Nguyên trong một buổi tiếp công dân trực tuyến của Ban Tiếp công dân tỉnh.

Thành phố Thái Nguyên là địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình “Phòng họp không giấy”. Từ tháng 6 đến nay, nhiều phiên họp của Thành ủy, HĐND, UBND của thành phố đều áp dụng mô hình này. Trước mỗi cuộc họp, nội dung, chương trình và tài liệu được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và cập nhật lên hệ thống để các thành viên nghiên cứu trước.

Việc này không chỉ giúp các đại biểu có thể truy cập tức thời nhiều tài liệu liên quan đến nội dung cuộc họp; tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm, tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu mà còn có thời gian để nghiên cứu tài liệu nên chất lượng thảo luận, giải quyết công việc được nâng lên.

Ông Nguyễn Quang Anh, Chánh Văn phòng Thành ủy Thái Nguyên cho biết: Trước đây, Văn phòng phải in ấn, chuyển tài liệu cho các đại biểu trước cuộc họp từ 3-5 ngày để nghiên cứu trước nên mất rất nhiều thời gian. Hiện nay, mọi tài liệu được gửi lên hệ thống, đại biểu truy cập vào hệ thống là có thể nghiên cứu, không phải in ấn, tiết kiệm được kinh phí và nhiều thời gian.

“Phòng họp không giấy” chỉ là một trong những nội dung phát triển chính quyền số mà TP Thái Nguyên đang triển khai thực hiện.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số với 3 hợp phần chính, gồm: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đến năm 2025, TP Thái Nguyên sẽ ưu tiên phát triển chính quyền số.

Cụ thể như việc xây dựng thành công Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, với tổng kinh phí dự kiến 50 tỷ đồng. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật sẽ được đầu tư để kết nối hệ thống thông tin dữ liệu dùng chung các lĩnh vực chính quyền; theo dõi, giám sát, điều phối xử lý các vấn đề liên quan đến mọi lĩnh vực, như: Phản ánh hiện trường; giám sát giao thông; an ninh công cộng; chiếu sáng đô thị…

Đến năm 2025, TP Thái Nguyên đặt mục tiêu có trên 90% thủ tục hành chính được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trên 300 doanh nghiệp số và trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.

Theo lộ trình đó, đến năm 2030, thành phố Thái Nguyên phấn đấu có trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến; trên 1.500 doanh nghiệp số; hơn 80% dân số trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử...

Ông Nguyễn Hoàng Mác, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thái Nguyên thông tin: Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số, triển khai trong toàn Đảng bộ; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn đăng ký nội dung chuyển đổi số và tham mưu kế hoạch triển khai thực hiện...

Trên cơ sở đó, thành phố thống nhất triển khai một số nội dung chuyển đổi số trong thời gian tới, như: Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh, phòng họp không giấy tờ, kết nối hệ thống thông tin dữ liệu dùng chung; phát triển hệ thống giao thông thông minh, kiểm soát an ninh trật tự, xã hội thông minh...

Với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn TP Thái Nguyên thời gian qua đã đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, việc kết nối phần mềm quản lý văn bản được Thành ủy TP Thái Nguyên phủ rộng tới 102/102 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc; 100% cán bộ, đảng viên, công chức thành phố được tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới 32/32 xã, phường.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục quan tâm thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và phần mềm tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cho 32 xã, phường đảm bảo kết nối với 4 cấp.

7 tháng đầu năm 2021, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 1.759 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4…

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, TP Thái Nguyên tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số.

Đồng thời đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng; thu hút đầu tư phát triển đô thị thông minh; khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong quản lý xã hội gắn với triển khai các chương trình chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, dự án phát triển chính quyền điện tử...

Nguồn: Theo Báo Thái Nguyên