Bộ TT&TT yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thông tin không chính xác về phòng, chống Covid-19

Ngày 13-8, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Công văn số 3082/BTTTT-CBC về việc tăng cường hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 gửi các sở thông tin và truyền thông, cơ quan báo chí và tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội.

Info-5K.jpg

Ảnh minh họa. Ngồn: Internet

Công văn nêu rõ: Cập nhật thông tin liên tục, kịp thời, chính xác từ nguồn tin chính thống của Bộ Y tế, ngành Y tế, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn; chấn chỉnh tình trạng thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, đăng tải những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật. 

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động phát hiện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện truyền thông, không gian truyền thông.

Về nội dung triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị tuyên truyền sinh động về thông điệp "5K" (Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng miền; phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, tập trung các nội dung liên quan đến tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội, tuân thủ hướng dẫn, cập nhật các quy định về cách ly y tế F0, F1; hướng dẫn thông tin tiêm vắc xin phòng Covid-19 và lợi ích của việc tiêm chủng; hướng dẫn, cảnh báo các hành vi, thói quen, kỹ năng an toàn và mất an toàn bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ lan tỏa, dễ áp dụng để mỗi người, mỗi gia đình hiểu biết thực sự đầy đủ về các biện pháp tự bảo vệ an toàn trong mùa dịch, trong vùng có dịch.

Các đài phát thanh - truyền hình tăng cường tần suất phát sóng các chương trình, chuyên mục giáo dục, phổ biến kiến thức bảo vệ sức khỏe tối thiểu 3 lần/ngày, lựa chọn phát sóng vào khung giờ, thời điểm có nhiều người nghe, người xem; đẩy mạnh sản xuất các chương trình giải trí, thông qua đó lồng ghép tuyên truyền về thông điệp "5K", hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người dân...

Cơ quan báo chí (báo in, điện tử) cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục, dành vị trí dễ tiếp cận và thể hiện nội dung thông tin sinh động, đa chiều, sáng tạo về phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố chỉ đạo, định hướng, đôn đốc các cơ quan báo chí địa phương, hệ thống thông tin cơ sở triển khai tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Các tổ chức doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội chủ động rà quét thông tin trên không gian mạng; chia sẻ, lan tỏa những thông tin truyền cảm hứng, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, hiệu quả trong phòng, chống dịch; kiến nghị biện pháp xử lý đối với thông tin xấu, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

 

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn