Chuyển đổi số ở xã miền núi Vi Hương

Vi Hương là một xã miền núi, thuộc huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn). Đây là địa phương được chọn làm xã điểm trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 1 của tỉnh Bắc Kạn.

 20210816-ta9.jpg

 Sau nửa năm thực hiện chuyển đổi số, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đời sống của người dân xã Vi Hương đã có những chuyển biến tích cực nhờ sự hỗ trợ của chương trình này. 

* Đem thương mại điện tử về một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp miền núi

HTX Thiên An (thôn Nà Ít, xã Vi Hương) chuyên sản xuất nông sản, chủ yếu phục vụ nhu cầu của cư dân trong xã và các vùng lân cận.

Vào năm 2018, chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An đã lập các trang mạng xã hội bán hàng online. Tuy nhiên, nông sản của HTX bán ra vẫn chưa được nhiều.

Từ tháng 8/2020, với sự hỗ trợ của Cục Tin học hóa, Tập đoàn công nghệ CMC, Viettel Bắc Kạn, Công ty cổ phần Viễn Thông Hà Nội và Viễn thông Bắc Kạn, HTX Thiên An nhận được sự hỗ trợ quy mô, bài bản từ Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 1, thì việc bán nông sản qua mạng của HTX Thiên An đã gia tăng đáng kể.

Nhờ sự hỗ trợ của chương trình, các sản phẩm của HTX Thiên An được sử dụng mã vạch QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với mã vạch này người dùng có thể truy xuất được toàn bộ quy trình sản xuất của sản phẩm từ thu hái, sơ chế, thời điểm đóng gói, địa chỉ sản xuất… Cùng với chất lượng sản phẩm được bảo đảm thì việc sử dụng mã vạch QR code góp phần giải thích vì sao người tiêu dùng tại nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam cách xa cả nghìn km vẫn tin tưởng vào sản phẩm của HTX Thiên An.

Trung bình mỗi tháng HTX Thiên An có khoảng 350 đơn hàng đặt online, chiếm đến 70% tổng số đơn hàng của HTX. Đây là những thay đổi và lợi ích rõ nét mà HTX Thiên An nhận được từ thành quả giai đoạn 1 chuyển đổi số xã Vi Hương.

Chị Lý Thị Quyên vui mừng chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ từ chương trình chuyển đổi số, HTX Thiên An đã hoàn thiện được quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn. Các sản phẩm của HTX được Sở Y tế Bắc Kạn cấp giấy phép lưu hành, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ sản phẩm theo quy định. HTX được hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và đạt một số kết quả như: Trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; fanpage giới thiệu các sản phẩm trên Facebook; nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản AgriConnect được xây dựng để kết nối các gian hàng trên các sàn như Postmart, Tiki, Shopee... 

Cái được không dừng lại ở doanh số tăng, có thêm nhiều đối tác mà còn là sự thay đổi về nhận thức, tư duy, phương cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại hơn cho chị và các cộng sự trong HTX.

* Thay đổi tác phong làm việc của đội ngũ công chức và đời sống ở nông thôn

Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, chương trình chuyển đổi số ở xã điểm Vi Hương còn tác động tích cực đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, tác phong làm việc của công chức xã và nhiều mặt trong đời sống của người dân nơi đây.

Theo Chủ tịch UBND xã Vi Hương Vi Văn Huân: Các hoạt động chuyển đổi số được triển khai tại xã gồm: xây dựng các kênh giao tiếp, tương tác thuận tiện hơn với người dân; nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh, cài phần mềm chuyển văn bản sang âm thanh thông qua nền tảng AI; triển khai các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng; triển khai nền tảng kết nối thương mại điện tử AgriConnect cho các sản phẩm nông sản của xã; phần mềm bán hàng Shopone; triển khai cầu truyền hình và nền tảng hỗ trợ hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth tại trạm y tế; lắp đặt trạm phát sóng di động 4G; trạm wifi công cộng tại khu vực UBND xã.

Những hoạt động trên góp phần thay đổi nhận thức, tác phong trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của lãnh đạo và công chức xã theo hướng năng động, hiện đại, chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn gần dân, vì dân. 

Đối với cư dân địa phương, đã có nhiều người đã hiểu được thế nào là chuyển đổi số, nội dung của chuyển đổi số và những lợi ích có được từ chuyển đổi số. Từ đó có sự thay đổi và chủ động nắm bắt cơ hội do chuyển đổi số mang lại trong sản xuất cũng như sinh hoạt đời thường. Nhờ đó góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, lối sống… của người dân, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.  

 

Nguồn: Theo Báo Bắc Kạn