Bến Tre thúc đẩy kinh tế số

Nghị quyết của Tỉnh ủy Bến Tre đề ra mục tiêu là “đến năm 2025, Bến Tre trở thành địa phương thành công chuyển đổi số của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phát triển công nghiệp nội dung số, thử nghiệm công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái công nghệ thông tin và truyền thông địa phương, kết nối hiệu quả vào hệ sinh thái quốc gia”, với các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số như sau:

 20210816-ta8.jpg

 - Về phát triển chính quyền số, 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc bí mật nhà nước) (mục tiêu năm 2030 lần lượt là: 100%, 90% và 70%); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh và huyện được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; 80% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ vào hệ thống của quốc gia (mục tiêu năm 2030 là 90%); từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý (mục tiêu năm 2030 là 70%).

- Về phát triển kinh tế số, đến năm 2025, kinh tế số của tỉnh chiếm 10% GRDP và 30% vào năm 2030, trong đó tỷ lệ kinh tế số của từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5% (mục tiêu năm 2030 là tối thiểu 15%), năng suất lao động bình quân hàng năm tăng tối thiểu 7% (mục tiêu năm 2030 là tối thiểu 8%), chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đạt nhóm 25 tỉnh dẫn đầu cả nước (mục tiêu năm 2030 là tỉnh thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số này).

- Về phát triển xã hội số, đến năm 2025, hạ tầng băng thông rộng phủ khắp 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%; xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh tại thành phố Bến Tre.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/10/2020 của Tỉnh ủy Bến Tre đã vạch ra các giải pháp phát triển kinh tế số tại Bến Tre như sau:

1. Tăng cường các công tác tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ.

2. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, lộ trình chuyển đổi số trên cơ sở chiến lược của cả nước, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị. Chiến lược chuyển đổi số của tỉnh phải theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng số hóa trên cơ sở phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của Bến Tre, chú trọng nguồn lực con người và xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số. Tăng cường liên kết với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo: Các viện, trường đại học, trung tâm và các đối tác khác nhằm nâng cao kỹ năng quản trị công nghệ hướng đến làm chủ các công nghệ mới. Chiến lược chuyển đổi số của tỉnh cần phải bao quát toàn tỉnh, cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương trong tỉnh.

3. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số của tỉnh. Cơ sở hạ tầng thiết bị và ứng dụng phải được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền điện tử; đặc biệt là hệ thống truyền tải dữ liệu, trung tâm tích hợp dữ liệu, năng lượng và hệ thống thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu. Triển khai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn Tỉnh, phát triển hạ tầng kết nối mạng internet nhằm tạo điều kiện nền tảng cho phát triển đô thị thông minh. Có chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đầu tư phát triển tại tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, tài chính, giao thông.

4. Hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã đồng thời chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu của kinh tế số. Tập trung triển khai phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh. Xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thành các chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành. Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước.

5. Tiếp tục khơi dậy và tạo động lực cho văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong tầng lớp thanh niên của tỉnh. 

 

Nguồn: Theo: https://kinhtevadubao.vn