Bắc Giang: Nhiều giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Trong xu hướng chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mạnh mẽ, để duy trì sản xuất, kinh doanh và tìm cơ hội phát triển, các doanh nghiệp (DN) phải tận dụng ưu thế, sức mạnh của công nghệ. Một trong những nội dung thúc đẩy CĐS của tỉnh xác định là hỗ trợ các DN nhỏ và vừa thực hiện.

20210720072721-3a1.jpg

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Sông Hồng (Việt Yên) số hóa toàn bộ quá trình sản xuất linh kiện cơ khí chính xác cao.

Toàn tỉnh hiện có gần 12 nghìn DN, chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông, Bắc Giang có khoảng 660 DN, hầu hết là kinh doanh thiết bị CNTT, điện tử viễn thông và sửa chữa máy móc, thiết bị; một bộ phận nhỏ sản xuất, đào tạo, triển khai phần mềm CNTT. Đáng chú ý một số DN lớn sản xuất linh kiện điện tử, phục vụ xuất khẩu, năm 2020 doanh thu hơn 153 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 163 tỷ đồng.

Hoạt động CĐS ở các DN thời gian qua được thực hiện khá mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh, xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính DN và hiệu ứng tác động của chủ trương, chính sách mà tỉnh đề ra. 

Theo đánh giá, Bắc Giang là một trong 20 địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu CNTT, số lượng DN và lực lượng lao động CNTT. Mặt khác, các DN viễn thông chú trọng đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng lưới, mở rộng loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, đồng bộ, bao phủ cả ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, do CĐS là hoạt động mới, phức tạp, có nhiều nội dung cần thực hiện nên vẫn còn không ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa thụ động, mức độ thực hiện hạn chế, gặp rào cản. Nhiều DN còn lúng túng, chưa xác định rõ lộ trình, kế hoạch CĐS, ứng dụng công nghệ số, triển khai số hóa để đổi mới, đáp ứng xu hướng phát triển.

Một số DN gặp khó khăn về vốn và nguồn nhân lực phục vụ CĐS bởi quá trình này đòi hỏi chi phí đầu tư hạ tầng CNTT lớn và tổ chức quản lý, nghiệp vụ chuẩn hóa. Nhận thức về CĐS từ chủ DN đến người lao động chưa đầy đủ…

Hạ tầng CNTT của toàn tỉnh tương đối hoàn thiện với hơn 1.400 trạm BTS; 100% UBND cấp xã đã kết nối Internet tốc độ cao, phủ sóng 3G, 4G; hơn 1,77 triệu thuê bao điện thoại di động (trong đó có từ 72-75% số thuê bao là điện thoại thông minh).

Trao đổi với ông Lương Xuân Điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Sông Hồng (Việt Yên) được biết, DN gồm các thành viên trẻ tuổi, có trình độ tay nghề kỹ thuật cao, đa số từng làm việc ở nước ngoài nên đã lựa chọn đột phá vào lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí chính xác, đáp ứng nhu cầu rất lớn ở các khu, cụm công nghiệp hiện nay. 

Công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị, tập trung vào chế tạo khuôn mẫu bằng hệ thống tự động chính xác cao điều khiển thông qua máy tính (máy CNC). 

“Toàn bộ công việc, thống nhất mẫu mã, giao dịch với khách hàng, chúng tôi đều thực hiện trên máy tính, môi trường Internet. Hình thức này càng tỏ ra hiệu quả trong đợt dịch bệnh vừa qua. Tuy vậy, để cụ thể hóa CĐS như thế nào vẫn còn mơ hồ, băn khoăn do thiếu nguồn lực đầu tư, vẫn phải vay vốn ngân hàng, chi phí thuê nhà xưởng cao… DN rất cần sự giúp đỡ của ngành chức năng, chính quyền để sớm CĐS thành công”, ông Điểm nói.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và UBND tỉnh đã thống nhất triển khai Chương trình phối hợp hành động thúc đẩy CĐS tỉnh Bắc Giang năm 2021, trong đó có các nội dung: Phát triển thương mại điện tử với sự tham gia của các DN, triển khai các giải pháp sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện để mỗi người dân và DN có thể mua bán sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng. Hỗ trợ CĐS cho DN nhỏ và vừa với số lượng tối thiểu 100 đơn vị.

Tuy nhiên, việc thực hiện CĐS ở các DN gặp không ít rào cản. Theo anh Nguyễn Lương Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Thành Bắc (TP Bắc Giang), Công ty hoạt động chuyên ngành về công nghệ thông tin, viễn thông, cung cấp, lắp đặt thiết bị truyền dẫn hình ảnh, ứng dụng các phần mềm thương mại thông minh... 

Hiện Công ty đang hợp tác với nhiều DN, cơ quan, đơn vị để triển khai CĐS trong lĩnh vực giáo dục, xây dựng, giám sát giao thông. Song khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận thức của nhiều người về CĐS, nhất là người đứng đầu DN, đối tác chưa hiểu rõ CĐS cần phải làm gì, bắt đầu từ đâu, CĐS mang lại hiệu quả như thế nào? Mặt khác tại Bắc Giang, nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ, tay nghề, ý thức trách nhiệm với công việc rất hiếm. 

Nhiều năm nay, DN tuyển dụng thêm mà không có, buộc phải đưa người từ nơi khác về làm việc. Giám đốc DN này đề xuất: “Từ kinh nghiệm trong nhiều năm qua, Công ty sẵn sàng hợp tác, trao đổi với các DN về CĐS vì chúng tôi xác định nếu các DN CĐS nhỏ lẻ, rời rạc, không có sự liên kết sẽ không mang lại kết quả như mong đợi, đó là CĐS nửa vời, không phát huy được sức mạnh nguồn tài nguyên dữ liệu như mục đích CĐS đặt ra".

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ triển khai các nội dung liên quan đến CĐS trong DN. Trước mắt, DN cần xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực CĐS; chuẩn bị đầy đủ dữ liệu vì đây là một dạng tài nguyên mang đến sức mạnh của CĐS. Trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu và dữ liệu DN sẵn có, các đơn vị xây dựng các tiêu chí để lựa chọn nền tảng quản trị thích hợp. 

Tiếp đó, các DN số hóa dữ liệu về nhân sự, khách hàng, quy trình, công việc... Xây dựng hệ thống báo cáo, số liệu bằng số hóa giúp DN đưa ra quyết định chính xác, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, tạo lợi thế cạnh tranh.

Với tiềm năng dân số trẻ, đông, năng động, có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực; cùng với đó là quyết tâm của tỉnh, sự tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư… đây là cơ hội lớn để các DN Bắc Giang tạo ra đột phá nhờ vào CĐS/.