Triển khai IOC tại tỉnh Thừa Thiên - Huế: Viettel giải bài toán theo cách hoàn toàn mới

Để triển khai Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) (IOC) tỉnh Thừa Thiên - Huế, Viettel đã phải tính toán, "may đo" sao cho phù hợp với đặc thù của tỉnh, bảo đảm việc phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao trải nghiệm của người dân và khách du lịch nhưng vẫn bảo tồn được nét cổ kính của trung tâm văn hóa lịch sử của đất nước.

Chia sẻ về câu chuyện ấn tượng nhất trong quá trình triển khai Trung tâm IOC trên cả nước, đại diện nhóm triển khai của Viettel cho biết, trong quá trình triển khai ĐTTM tại Thừa Thiên - Huế, chúng tôi đã tiếp cận các vấn đề theo các cách hoàn toàn mới. Khi đặt vấn đề lớn là giải quyết tất cả nhu cầu của một thành phố thì bài toán đó thực sự đồ sộ. Chúng tôi đã thống nhất với nhau việc giải bài toán đó sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể mất hàng năm, có khi hơn và thậm chí hiện nay nhiều người vẫn đang hội thảo, chuẩn hóa nhưng nội dung đó.

Chúng tôi nghĩ điều này vẫn cần như một tầm nhìn 5 - 10 năm sau để hướng tới, nhưng để thực hiện thì tiềm lực của các địa phương chưa làm được. Nếu cứ đợi thì Việt Nam sẽ tụt hậu và sẽ chẳng có thực hiện chuyển đổi số hay Chính phủ điện tử được.

base64-1624508327782687810422.png

 

Hoàn thành dự án khó và phức tạp trong 90 ngày

Dự án IOC ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là dự án có mức độ phức tạp cao trong cả khâu thiết kế, triển khai.

Thứ nhất, Huế có diện tích rộng lớn, bao gồm cả khu vực thành thị và nông thôn. Do đó, trình độ phát triển giữa các khu vực khác nhau cũng không đồng đều. Mặc dù một số khu vực đã có cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển các tiện ích của IOC, khả năng truy cập vẫn bị hạn chế ở một số khu vực. Quy hoạch thành phố thông minh là quyền lợi của mọi công dân và tăng cường sự tham gia của họ phải là trung tâm của sự phát triển.

Thứ hai, Thừa Thiên - Huế là trung tâm văn hóa lịch sử của Việt Nam. Tuy nhiên các di sản chưa được bảo tồn đúng mức do thiếu sự giám sát di sản văn hóa. Vì thế, phát triển thành phố thông minh vừa giúp người dân địa phương được sống trong một môi trường thoải mái và bền vững hơn, vừa mang trải nghiệm du lịch văn hóa tốt hơn cho khách du lịch.

Quan điểm và mục tiêu xây dựng ĐTTM của tỉnh Thừa Thiên - Huế là lấy người dân làm trung tâm, xây dựng chính quyền phục vụ; phát triển dịch vụ ĐTTM trên nền tảng chính quyền điện tử. Và thế là giải pháp "may đo" theo nhu cầu của chính quyền của Viettel đã phát huy tác dụng. Cách làm của Viettel là "liệu cơm gắp mắm", "mắm" ở đây là những nhu cầu thiết thực nhất của chính quyền, doanh nghiệp (DN) và người dân. Cái gì nóng nhất thì chọn ra làm, từ quyết tâm của người đứng đầu địa phương. Khi một việc lớn được bổ ra thành một trăm việc nhỏ thì giải quyết một việc nhỏ là trong tầm tay.

Khi việc nhỏ thành công, tạo ra hiệu ứng tích cực sẽ giúp tận dụng sức mạnh người dân cùng tham gia.

Điển hình như khi đầu tư vào hệ thống camera thông minh để giám sát, nếu tỉnh đầu tư cho tất cả các vị trí trên một địa bàn thì khoản chi phí bỏ ra rất khổng lồ. Cách tiếp cận của Viettel là bên cạnh các điểm quan trọng cần triển khai camera thông minh, chúng ta phát huy sức mạnh của cộng đồng: mỗi người dân là một camera thông minh, bằng cách triển khai app để họ thấy vấn đề gì là chụp ảnh, quay clip, gửi lên.

Những chiếc smartphone mà người dân cầm trong tay chính là các camera thông minh một cách tự nhiên, họ đã chọn lọc sẵn các thông tin, hình ảnh cần phản ánh rồi và gửi các bức xúc đó cho chính quyền.

Viettel cũng kết hợp với chính quyền phát triển tiếp các hệ sinh thái dịch vụ công khác để người dân thấy được các tiện ích thực sự, thậm chí sau này còn có thể thu phí và tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Theo dự án từ cuối năm 2016, những yêu cầu và bài toán cụ thể của Huế đã được đội ngũ chuyên gia của Viettel xác định, giúp tỉnh xây dựng một khung kiến trúc tổng thể, sau đó dựng dần các module tích hợp vào.

"May đo" theo yêu cầu của từng địa phương

Với cách làm trên, giải pháp Smart City của Viettel triển khai tại Thừa Thiên - Huế đã được công nhận là "Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á" tại Telecom Asia Awards 2019. Dự án được Viettel xây dựng theo yêu cầu và đặc thù của tỉnh và đây cũng chính là điểm nổi bật của dự án được Telecom Asia Awards 2019 ghi nhận. Ban tổ chức giải thưởng đánh giá cao về sự thông minh và phù hợp với đặc thù của tỉnh Thừa Thiên - Huế, bảo đảm việc phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao trải nghiệm của người dân và khách du lịch nhưng vẫn bảo tồn được nét cổ kính của trung tâm văn hóa lịch sử của đất nước.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: "Mô hình của Viettel áp dụng cho Thừa Thiên - Huế là mô hình đáp ứng được yêu cầu của một tỉnh địa phương có quy mô kinh tế không lớn, có đặc thù về lịch sử di sản văn hóa. Từ nhu cầu quản lý, chúng tôi đưa ra bài toán và Viettel có chuyên gia tốt để nghiên cứu, rồi đưa ra giải pháp công nghệ, kỹ thuật với mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh phù hợp".

Trung tâm IOC tỉnh Thừa Thiên - Huế do Viettel triển khai và đưa vào vận hành từ tháng 6/2018. Đến nay, Trung tâm đã đưa vào vận hành gần 20 dịch vụ ĐTTM như: phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới ĐTTM, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, thẻ điện tử, giám sát tàu cá, giám sát đảm bảo an toàn thông tin và các dịch vụ tiện ích khác.

Trung tâm IOC hình thành đã giúp chính quyền đô thị các cấp giám sát, xử lý giao thông hiệu quả; giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh; quản lý các phương tiện công cộng; giám sát an ninh, an toàn trật tự tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu, khu di tích; tiếp nhận thông tin ý kiến phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công của người dân; tiếp nhận, hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho du khách về các vấn đề gặp phải khi du lịch trên địa bàn tỉnh...

Các dịch vụ ĐTTM đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cũng như hình thành thói quen sử dịch vụ, ứng dụng trên nền tảng số trong cộng đồng xã hội; Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ đô ĐTTM; Vận hành Hệ thống thông tin tổng hợp, phân tích các chỉ tiêu kinh tế xã hội, hỗ trợ nghiệp vụ liên quan cho các ngành; Ứng dụng giải pháp công nghệ GIS mới để sớm chuyển đổi bản đồ nền, cũng như xây dựng, cập nhật dữ liệu đảm bảo hình thành các dịch vụ GIS phục vụ các ứng dụng ĐTTM.

Điểm nổi bật của mô hình ĐTTM trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế chính là xác định "người dân làm trung tâm của ĐTTM", người dân có điều kiện tương tác, thực hiện "dân chủ điện tử", tham gia vào quá trình giám sát quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.

Hiện các dịch vụ ĐTTM của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, DN đối với hoạt động của chính quyền các cấp. /.

Nguồn: ictvietnam