Cuộc đua không cân sức với OTT xuyên biên giới

Kém hơn về tiềm lực kinh tế, công nghệ; nghèo nàn hơn nội dung trong khi cạnh tranh chưa cùng mặt bằng, đã khiến các doanh nghiệp trong nước phải chịu lép vế với các nền tảng xuyên biên giới. Liệu, các doanh nghiệp có thể vượt qua?

doanh-nghiep-cover.jpg

“Người dùng hiện nay sẵn sàng trả tiền cho các nội dung giải trí hấp dẫn. Gia đình tôi vẫn giữ 1 thuê bao truyền hình để xem các kênh trong nước, nhưng thú thực xem phim trên Netflix là chủ yếu”, anh Hoàng T. Sơn nói.

Sơn đang sử dụng gói cước cao cấp của Netflix, có thể sử dụng trên nhiều thiết bị nên Sơn dùng chia sẻ gói cước với một người bạn. Tính ra, mỗi gia đình chỉ phải trả vài chục nghìn đồng mỗi tháng, nhưng tất cả các thành viên có thể xem thoải mái nhiều chương trình, bộ phim.

Nền tảng này cho phép người dùng xem các chương trình giải trí khổng lồ ở bất kỳ nơi đâu, bất cứ thiết bị nào (thậm chí cả máy chơi game) được kết nối Internet. Thậm chí, Netflix còn chạy quảng cáo cho người dùng sử dụng miễn phí trong một thời gian. Điều này thay đổi cách xem truyền hình và khiến nền tảng này trở thành thói quen của hàng triệu người trên thế giới.

ict-nh-1-85a3.jpg

Các nền tảng OTT cho phép người dùng xem trên nhiều thiết bị.

Khi người dùng chấp nhận trả tiền, Netflix - nền tảng phổ biến nhất bày ra kho video khổng lồ chất lượng cao, có bản quyền, các series bom tấn độc quyền. Netflix luôn đảm bảo mọi thumbnails (nội dung, hình ảnh và video) đều dựa trên dữ liệu của các thử nghiệm A/B Testing và trải nghiệm cá nhân hóa. Các menu giải trí hấp dẫn, trực quan và hoàn toàn tùy biến theo thói quen của người dùng.

Không những xem Netflix trên Tivi, máy tính mà nhiều người Việt, nhất là những người trẻ còn cài đặt trên cả smartphone của mình. Điều này khiến khách hàng “gây nghiện” và người dùng sẵn sàng chi tiền cho các gói cước dài hạn. Netflix đã thành công trong việc "gây nghiện" đối với những người mê phim ảnh, đặc biệt là giới trẻ của Việt Nam và sau đó họ đã kiếm tiền dễ dàng từ việc này và không phải đóng bất kỳ khoản thuế nào cho Việt Nam.

Nền tảng OTT xuyên biến giới: Từng là “cơn ác mộng” của các nhà đài

Ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền cho biết: Nền tảng OTT xuyên biên giới vào hoạt động và đã “giành giật” một lượng lớn khách hàng từ truyền hình trả tiền truyền thống. Vào khoảng năm 2018, các doanh nghiệp truyền hình trong nước mất đi khoảng 15 – 20% (trên tổng số 12 – 13 triệu thuê bao), một lượng lớn khách hàng chuyển sang các nền tảng OTT xuyên biên giới.

ict-nh-2-4157-7182.jpg

Thế mạnh về kho nội dung hấp dẫn nhiều người dùng Việt Nam.

Còn theo ông Lê Trọng Đức, Giám đốc sản phẩm FPT Play Box, trong khi thị trường truyền hình trả tiền đang có trạng thái bão hòa thì thị trường truyền hình OTT trong nước hiện nay đang cạnh tranh khốc liệt hơn. Cuộc chiến cạnh tranh này không những giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện doanh thu dịch vụ truyền hình OTT của hơn 20 doanh nghiệp trong nước đạt 150 tỷ đồng với 1,3 triệu thuê bao thì các nền tảng OTT xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt có khoảng 1 triệu thuê bao với doanh thu trên 800 tỷ đồng. Vậy điều gì khiến cho các doanh nghiệp Việt “lép vế” ngay trên chính sân nhà?

“Điểm yếu chí mạng” của doanh nghiệp Việt

Trong suốt mấy năm qua, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền nhiều lần nêu ý kiến về tình trạng “bảo hộ ngược” khiến doanh nghiệp khó sống và thị phần rơi vào tay doanh nghiệp ngoại. Việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nền tảng OTT xuyên biên giới là “không cùng mặt bằng” khi doanh nghiệp ngoại chưa bị quản lý (cấp phép, đóng phí, thuế, biên tập nội dung…). Nhưng giới chuyên môn cũng nhận định doanh nghiệp Việt còn nhiều điểm “thiếu” và “yếu” trong cuộc cạnh tranh này.

Ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV cho biết: “Nội dung là cái yếu nhất, kế đến là công nghệ và tài chính. Một dịch vụ truyền hình OTT trong nước gần như sẽ bị lỗ trong nhiều năm đầu hoạt động, trong khi người dùng thì vẫn có tâm lý muốn tìm kiếm các nội dung miễn phí và chỉ trả tiền cho các nội dung chất lượng cao”.

nen-tang-trong-nuoc-ab1b-bc4b.jpg

Một số nền tảng trong nước đã cải tiến nội dung, công nghệ để vươn lên.

Bày tỏ ý kiến, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho rằng Netflix, WeTV hay iFlix đang thu hút người dùng Việt Nam bởi trên dịch vụ có nhiều nội dung phong phú từ thể loại nội dung đến sự đa dạng từ quốc gia sản xuất. Các nền tảng này hỗ trợ nhiều ngôn ngữ với chất lượng cao (HDTV, UHDTV). Tiềm lực tài chính mạnh và các nền tảng này sẵn sàng chi trả kinh phí lớn để mua bản quyền những nội dung bản địa hay và cung cấp độc quyền trên dịch vụ.

Một điều đáng nói nữa là mức phí để sử dụng các nền tảng này phù hợp với thu nhập của một số bộ phận người Việt Nam. Chẳng hạn, Netflix có giá thuê bao từ 180.000 - 260.000 đồng/tháng. Một số nền tảng khác có giá cước rẻ hơn. Ngoài ra, khi cung cấp tại nhiều quốc gia, các nền tảng xuyên biên giới chưa chịu sự điều chỉnh của pháp luật của nước sở tại.

Doanh nghiệp Việt có cơ hội vươn lên

Để quản lý được các nền tảng truyền hình OTT xuyên biên giới, Bộ TT&TT đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP.

Ông Lưu Đình Phúc cho biết, Nghị định này bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT VoD qua mạng Internet xuyên biên giới tại Việt Nam phải thực hiện các thủ tục về cấp phép, biên tập nội dung cũng như các nghĩa vụ về thuế, phí…như đối với doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẽ kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý, tránh việc bảo hộ ngược.

Vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay là khắc phục được những điểm yếu, tận dụng lợi thế và sức mạnh công nghệ để có thể vươn lên.

Qua khảo sát nhu cầu nghe xem của người dùng, Cục PTTH&TTĐT cho biết nhu cầu nghe, xem của người dùng Việt Nam trên các nền tảng truyền hình trả tiền của Việt Nam chủ yếu là các nội dung Việt.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho biết sự am hiểu khách hàng, biết khách hàng Việt muốn gì để sáng tạo các nội dung mới, mang tính bản địa chính là lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và nhiều doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế này.

Ông Phan Thanh Giản cho rằng, chính sự cạnh tranh, “xâm chiếm” của các doanh nghiệp tỷ USD cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu và đẩy mạnh để bắt kịp các sản phẩm quốc tế trên mọi khía cạnh.