Tác động thực tế và mục tiêu đề ra sau khi thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

Nhìn chung, các Bộ, ngành, địa phương có những nỗ lực nhất định trong thực hiện giải pháp nhằm cắt giảm, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Kết quả là việc cắt giảm chí phí tuân thủ pháp luật, chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh và chi phí không chính thức theo nội dung yêu của Nghị quyết số 139/NQ-CP tiếp tục có sự cải thiện hơn so với năm trước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức quốc tế chưa công bố báo cáo xếp hạng thường niên, nên một số chỉ tiêu không có số liệu để so sánh đánh giá với các nước trong khu vực. Một số mục tiêu khác đề ra trong Nghị quyết số 139/NQ-CP thì mặc dù có cải thiện, nhưng một số chỉ tiêu (có số liệu đánh giá) vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra (xem chi tiết Bảng 1 dưới đây).

TT

Mục tiêu 2020 theo
Nghị quyết số 139/NQ-CP

Kết quả thực hiện năm 2020

(Một số số liệu để đo lường có thể chậm hơn so với thực tế. Ví dụ, chi phí không chính thức do VCCI công bố trong năm 2020 là số liệu điều tra của năm 2019)

Lưu ý

 

Mục tiêu định lượng

1

Cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN 4.

Không có số liệu để đánh giá.

Mục tiêu này cũng là một nội dung và yêu cầu của Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 68/NQ-CP.

2

Giảm 1/2 tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức.

Chỉ tiêu này đã giảm từ 59,3% (2017) xuống còn 53,6% (2019), nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa để đạt mục tiêu xuống còn 30%.

 

3

Công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên mạng Internet của cơ quan có thẩm quyền.

Một số các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiệm vụ này.

Chưa có đầy đủ số liệu để đánh giá chính xác.

4

Chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (của Ngân hàng thế giới) giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.

Không có số liệu để đánh giá.

Mục tiêu này cũng là một nội dung và yêu cầu của Nghị quyết số 02/NQ-CP.

 

Mục tiêu định tính

1

Cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định có liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh; hạn chế tối đa việc ban hành mới các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết.

Các Bộ, ngành đang triển khai thực hiện thống kê, rà soát, cập nhật và tính toán chi phí tuân thủ TTHC.

 

Mục tiêu này cũng là một nội dung và yêu cầu của Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Riêng về mục tiêu giảm chi phí không chính thức, thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 139/NQ-CP, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai một số giải pháp như sau:

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ được triển khai thực hiện theo chương trình kế hoạch thanh tra hàng năm và bảo đảm không quá 01 cuộc/doanh nghiệp, đơn vị/năm. Tỷ lệ nội dung làm việc của đoàn thanh tra, kiểm tra bị trùng lắp với doanh nghiệp giảm từ 26% năm 2015 xuống còn 11% năm 2919 (VCCI, 2020).

Một số Bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông đã công khai kết quả thanh tra, kiểm tra trên Cổng thông tin của Bộ theo đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đoàn thanh tra làm việc từ xa, ví dụ như: cuộc thanh tra được tiến hành bằng hình thức trực truyến qua phần mềm e-meeting đối với UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả chỉ làm việc 06 ngày trực tuyến/10 làm việc trực tiếp theo kế hoạch.

- Hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị; đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

- Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích trong quy định về TTHC liên quan đến kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử.

- Thực hiện quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức về các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi hành công vụ. 

- Chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Kết quả khảo sát của VCCI (2020) cho thấy chi phí không chính thức có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng. Năm 2019, hiện tượng “tham nhũng vặt” - chi phí bôi trơn quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép - đã giảm so với thời kỳ trước đó: chỉ 53,6% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Nếu so với con số 70% doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức vào năm 2006, thì con số 53,6% của năm 2019 cho thấy đã có bước tiến lớn trong nỗ lực của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, khảo sát của VCCI cũng cho thấy quy mô chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm, khi chỉ có 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 là 11,1%). Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chi trả ‘hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” chỉ còn là 41,2%, tiếp tục giảm so với con số 48,4% của năm 2018 và mức 54,9% của năm 2017. Năm 2019 có 54,1% doanh nghiệp phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ nhà nước địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm so với con số 58,2% của năm 2018. Xu hướng doanh nghiệp trong nước phải trả chi phí không chính thức không những giảm nói chung mà còn giảm ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi năm 2016, 45,8% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra thì con số này đã giảm xuống 44,9% năm 2017, 39,9% năm 2018, và xuống còn 32,5% năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cũng giảm từ mức 56,4% năm 2016 xuống 42,5% năm 2019.

Nhìn chung, trong thời gian gần đây, vấn đề tham nhũng hay chi phí không chính thức được ghi nhận được kiểm soát chặt chẽ hơn và được nhiều tổ chức quốc tế công nhận. Theo kết quả xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2019 (xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ), Việt Nam đạt 37/100 điểm (trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch), tăng 4 điểm so với năm 2018, đứng thứ 96/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu (tăng 21 bậc so với năm 2018). Trong khu vực ASEAN, chỉ có Việt Nam và Ma-lay-xi-a là hai nước có cải thiện được xem là đáng kể về điểm số CPI. Trong cả giai đoạn 2012-2019, chỉ số CPI của Việt Nam đã có những bước cải thiện đáng kể, tăng từ 31 điểm năm 2012 lên 37 điểm năm 2019.

Có thể nói chi phí không chính thức đã có xu hướng giảm, song những chỉ tiêu phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn còn tương đối cao và không đồng đều ở các ngành, lĩnh vực. Ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai sau khi giảm từ mức 32% của năm 2017 xuống còn 30,8% của năm 2018, thì lại gia tăng lên mức 36% của năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra sau khi đã giảm ấn tượng từ con số 51,9% của năm 2017 xuống còn 39,3% của năm 2018, thì kết quả năm 2019 vẫn xung quanh mức này (39,3%). Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức năm 2019 là 7,5%, tăng nhẹ so với con số 7,1% của năm 2018.

Điều này cho thấy cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan nhà nước, đồng thời cần có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ quản trị, nắm bắt và tuân thủ pháp luật tốt hơn, đồng thời tăng cường liêm chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình.

Đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu Nghị quyết đề ra là đến năm 2020 giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tức là phải giảm bằng một nửa của tỷ lệ 59,3% (điều tra năm 2017) thì mục tiêu này chưa đạt bởi vì tỷ lệ này hiện đang là 53,6% (số liệu năm 2019). Thực hiện nhiệm vụ cắt giảm chi phí không chính thức vẫn là một thách thức trong thời gian tới./.