Chuyển đổi số, đổi mới trong công tác Đảng

Nội dung về chuyển đổi số (CĐS) trong công tác Đảng là một trong những điểm mới, quan trọng đã được Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ TT&TT giao cho Đảng bộ Cục Tin học hóa chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đảng ủy Bộ và Đoàn thanh niên Bộ nghiên cứu, xây dựng nội dung để triển khai trong thời gian tới. Tại Hội nghị Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Đảng ủy Bộ TT&TT, bà Đào Hải Anh, Đảng ủy viên, Đảng ủy Cục Tin học hóa đã chia sẻ tham luận về vấn đề “Chuyển đổi số, đổi mới trong công tác Đảng” trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 .

Kết quả đạt được về chuyển đổi số năm 2020

Năm 2020 đã khép lại, Việt Nam đã có một năm 2020 khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề và trên toàn xã hội. Theo đó, năm 2020, chúng ta đã phổ cập toàn diện nhận thức về chuyển đổi số cho xã hội. Toàn dân tham gia chống dịch Covid-19, 23 triệu người dân đã cùng ứng dụng công nghệ để chống dịch, trong đó có gần 18 triệu người dân khai báo số điện thoại, đây sẽ là lực lượng công dân số nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa chuyển đổi số cho toàn xã hội; Mức độ quan tâm, tìm hiểu về chuyển đổi số cuối năm tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020.

20210121-l8.jpg

Bà Đào Hải Anh, Đảng ủy viên, Đảng ủy Cục Tin học hóa tham luận tại Hội nghị

Cũng trong năm 2020, một số lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia đã có khởi đầu mạnh mẽ, đó là 2 lĩnh vực Y tế và Giáo dục. Trong đó, ngành Y tế đã triển khai kết nối được hơn 1.500 điểm khám chữa bệnh từ xa, triển khai phần mềm quản lý cơ sở y tế phủ khắp 12.000 trạm y tế. Thông qua hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa cán bộ y tế tại tuyến có cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn; người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa cũng có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên, tạo được lòng tin của người dân với chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở nói riêng và toàn hệ thống y tế Việt Nam nói chung

Ở lĩnh vực giáo dục, cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT có thông tin của 53.000 trường học, 1.4 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh; 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến giai đoạn Covid vừa qua (trung bình các nước 67,15%).

Đặc biệt, năm 2020, ngành TT&TT thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã: chúng ta đã nghe nhiều đến đô thị thông minh, bên cạnh đó chuyển đổi số xã cũng quan trọng không kém vì liên quan trực tiếp đến người dân ở cấp chính quyền thấp nhất, xa nhất. Kết quả thí điểm tại xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn); xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) và xã 2 xã La Bằng, (huyện Đại Từ) và xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.

Đã tạo lập mã địa chỉ số Vpostcode cho các hộ gia đình, làm nền tảng triển khai thương mại điện tử; triển khai hệ thống truyền thanh không dây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên hệ thống truyền thanh xã; người dân tiếp cận thương mại điện tử: đưa các sản vật đặc trưng của xã lên các sàn thương mại điện tử thông qua nền tảng kết nối Agriconect; triển khai giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thông qua việc gắn tem số (bằng mã QR, ứng dụng công nghệ Blockchain) để tạo niềm tin cho khách hàng; hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trực tuyến

Để có được kết quả trên, yếu tố con người đóng vai trò quyết định, chuyển đổi số là chuyển đổi về nhận thức. Tiếp đến là công nghệ không phải vấn đề, các nền tảng công nghệ đều đã sẵn sàng, rất rẻ, thậm chí miễn phí, mấu chốt là phải tìm ra bài toán để giải quyết một cách bền vững. Chuyển đổi số ở cấp cơ sở nên bắt đầu tư người trẻ tuổi, đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên sẽ là lực lượng hướng dẫn người dân học và sử dụng các dịch vụ số. Có sự vào cuộc của các Doanh nghiệp công nghệ số

Cũng trong năm 2020, đã có nhiều nền tảng quan trọng phục vụ Chuyển đổi số được hình thành và ra mắt gồm: 38 Nền tảng chuyển đổi số Make in Việt Nam được ra mắt ở đa dạng các lĩnh vực (chính phủ, y tế, giáo dục, du lịch, thương mại,…); Các nền tảng đạt giải thưởng Make in Việt Nam, Viet Solutions…; Các nền tảng phục vụ cho Chính phủ số. Đó là những gì đã làm được về chuyển đổi số năm 2020, ông Đỗ Công Anh chia sẻ.

Chuyển đổi hoạt động công tác Đảng lên môi trường số của Đảng bộ Bộ TT&TT

Đảng ủy Bộ Thông tin và Truyền thông là Đảng ủy đi đầu trong chuyển đổi số. Các hoạt động lãnh đạo, điều hành và giám sát của Đảng ủy được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 sẽ có 90% các văn bản, tài liệu chính thức (theo quy định) trao đổi giữa Đảng ủy Bộ với các đảng ủy, chi ủy trực thuộc và giữa các đảng ủy, chi ủy trực thuộc được gửi/nhận dưới dạng điện tử, có tệp điện tử gắn kèm và được xác thực điện tử. Đồng thời, 90% các văn bản, tài liệu chính thức (theo quy định) của các cơ quan khác gửi đến Đảng ủy Bộ được quét, lưu dưới dạng điện tử và cập nhật vào Hệ thống quản lý, điều hành của cơ quan; 100% cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên các cơ quan đảng trực thuộc xử lý công việc trên mạng máy tính thông qua Hệ thống quản lý, điều hành của cơ quan; 100% cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên được đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về công nghệ thông tin…

Bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật để 100% văn kiện Đảng, mục lục hồ sơ kho lưu trữ các cấp uỷ được quản lý trên mạng. Triển khai các Hệ thống thông tin chuyên ngành, Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp của các cơ quan đảng tới 100% đảng uỷ, chi ủy trực thuộc; Tích hợp các hệ thống cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin của các cơ quan đảng theo mô hình kiến trúc thống nhất trong các cơ quan đảng; kết nối mạng máy tính tới 100% cấp uỷ trực thuộc; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan đảng.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, trước tiên cần chuyển đổi nhận thức; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; Quán triệt các nội dung về thực hiện chuyển đổi số trong sinh hoạt thường kỳ của Đảng ủy Bộ, các Đảng ủy, chi ủy, chi bộ trực thuộc; Đào tạo lực lượng Đoàn Thanh niên làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số tại cơ sở; Phát động phong trào thi đua chuyển đổi số trong toàn Ngành; lựa chọn, vinh danh, khen thưởng cho các điển hình tiên tiến về chuyển đổi số.

Song song với đó là kiến tạo thể chế, cần thiết xây dựng, ban hành Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ về chuyển đổi số trong ngành Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2021-2025.

Phát triển hạ tầng số, hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu, máy chủ, đường truyền phục vụ cho chuyển đổi số của Đảng ủy vận hành chung với hạ tầng số của Bộ nhằm sử dụng triệt để các hệ thống tập trung của Bộ, tránh trùng lặp; Tăng cường phương thức họp trực tuyến, sử dụng chung các phòng họp trực tuyến với cơ quan Bộ; Triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ trong các cơ quan đảng.

Phát triển dữ liệu: Xây dựng cơ sở dữ liệu đảng viên, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ kết nối, liên thông với CSDL cán bộ, công chức của Bộ, phục vụ đắc lực cho việc tra cứu, quản lý thông tin về đảng viên một cách nhanh chóng, chính xác, giúp cho việc chỉ đạo của các cấp ủy Đảng được thuận tiện, kịp thời. Xây dựng Hệ thống quản lý hồ sơ đảng viên được kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống quản lý nhân sự của Bộ nhằm phục vụ cho việc quản lý hồ sơ Đảng viên, quản lý các quyết định của đảng viên, quản lý tình trạng đảng viên, quản lý khen thưởng, kỷ luật, quản lý phát và cấp thẻ đảng viên, quản lý huy hiệu đảng, quản lý tổ chức cơ sở đảng.

Xây dựng nền tảng số: Xây dựng và triển khai Hệ thống quản lý văn bản điều hành đến các ban, cơ quan thuộc Đảng ủy Bộ, các đảng ủy trực thuộc trên cơ sở mở rộng chức năng Hệ thống quản lý văn bản điều hành của Bộ và sẵn sàng kết nối, liên thông với các hệ thống quản lý điều hành của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Văn phòng Trung ương đảng. Xây dựng Hệ thống thông tin tổng hợp, báo cáo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Bộ và các đảng ủy, chi ủy trực thuộc được thực hiện qua môi trường mạng (trừ văn bản mật).