V/v trả lời kiến nghị của cử tri TP⋅ Cần Thơ gửi Thủ tướng Chính phủ trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được công văn số 5301/VPCP-QHĐP ngày 01/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi Thủ tướng Chính phủ trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV trong đó có 01 kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, nội dung kiến nghị như sau:
 
Cử tri phản ánh:Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất mốc thời gian báo cáo định kỳ về Cải cách hành chính (CCHC), báo cáo kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC) và báo cáo Chính phủ điện tử. Trường hợp không thể thống nhất đề nghị Bộ Nội vụ quy định thời gian báo cáo định kỳ CCHC sau thời gian của báo cáo kiểm soát TTHC và báo cáo Chính phủ điện tử vì kiểm soát TTHC và Chính phủ điện tử là hai nội dung trọng tâm của công tác CCHC, được tổng hợp đưa vào báo cáo CCHC định kỳ, việc báo cáo CCHC trước báo cáo kiểm soát TTHC và báo cáo Chính phủ điện tử sẽ gây chênh lệch số liệu giữa các báo cáo của địa phương.
 
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
 
1. Về mốc báo cáo Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ chủ trì
 
- Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Nội vụ tình hình thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (điểm b, khoản 7, điều 7 của Nghị quyết số 30c/NQ-CP).
 
2. Về mốc báo cáo kiểm soát Thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ chủ trì
 
- Ngày 31/10/2017, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư số 02/2017/TT-VPCP hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, báo cáo định kỳ việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 60 Thông tư số 02/2017/TT-VPCP. Cụ thể như sau:
 
- Báo cáo định kỳ được lập hàng quý theo định kỳ 3 tháng/lần và một năm theo hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.Số liệu thực tế được lấy từ ngày 01 của tháng đầu quý đến hết ngày 15 của tháng cuối quý, số liệu thực tế 15 ngày của tháng cuối quý được cộng dồn vào quý tiếp theo.
 
-Kỳ báo cáo năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 15 tháng 12 hàng năm gồm toàn bộ số liệu thực tế được thực hiện trong kỳ báo cáo, số liệu thực tế 15 ngày cuối tháng 12 được cộng dồn vào quý I của kỳ báo cáo tiếp theo.
 
3. Về mốc báo cáo Chính phủ điện tử - Bộ TTTT chủ trì
 
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 435/LĐCP ngày 16/10/2019 về việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, hàng tháng Bộ TTTT có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương cập nhật tình hình triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP trước ngày 20 hàng tháng để Bộ TTTT tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
 
Ngoài ra, để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, Bộ TTTT đã triển khai Hệ thống báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển Chính phủ điện tử tại địa chỉ: https://bcudcntt.aita.gov.vn để các bộ, ngành, địa phương thuận tiện báo cáo trên Hệ thống.
 
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất phương án thống nhất về mốc thời gian báo cáocho phù hợp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
 
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ, trân trọng gửi tới Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ để trả lời cử tri.