Bộ TT&TT thực hiện nghi thức Chào cờ và hát Quốc ca tháng 1/2021

Theo thông lệ, sáng ngày 4/1/2021, ngày đầu tiên đi làm của năm mới, tại Trụ sở Bộ, Bộ TT&TT đã thực hiện nghi thức Chào cờ và hát Quốc ca, nghe báo cáo kết quả công tác, thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và định hướng hoạt động tháng 1 năm 2021.

20210104-ta1.jpg

Toàn cảnh Lễ chào cờ

Sau nghi thức Chào cờ và hát Quốc ca, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đã điểm lại một số hoạt động nổi bật của Bộ trong năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong tháng 1/2021 của Bộ.

Một số kết quả nổi bật của các lĩnh vực trong năm 2020
 
Năm 2020, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn ảnh hưởng nặng nề trong nước và thế giới làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh giảm sút, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, toàn ngành TT&TT đã cùng nhau đoàn kết, biến khó khăn thành cơ hội, vượt qua thách thức, tuân thủ kỷ cương và tập trung cao độ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Về lĩnh vực Bưu chính, Bộ TT&TT đã xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương. Ban hành Chỉ thị và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính; Công bố nền tảng Mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số V-Map (Vpostcode). Nền tảng Mã địa chỉ bưu chính với hơn 23 triệu địa chỉ đã được gán mã và định vị trên nền tảng bản đồ số V-map mang ý nghĩa quan trọng, là hạ tầng số để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong bưu chính và tạo nền tảng logistics cho sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số; Phát hành 21 bộ tem bưu chính theo Kế hoạch, trong đó phát hành đặc biệt các bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2020)”. Đặc biệt, việc kịp thời phát hành bộ tem “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19” trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới, Việt Nam là một trong 03 quốc gia phát hành đầu tiên bộ tem chủ đề này và đã được UPU đánh giá cao thông qua việc giới thiệu bộ tem trên fanpage của UPU.

Về lĩnh vực Viễn thông, trong năm 2020, Việt Nam đã đi tiên phong trong khu vực ASEAN và là một trong 10 nước đi đầu trong việc triển khai thương mại mạng viễn thông 5G bằng thiết bị Make in Viet Nam trong đó 3 nhà mạng lớn gồm Viettel, Vinaphone và Mobifone đã ra mắt triển khai mạng 5G tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh; Thực hiện công tác chuyển đổi IPv6 trên mạng Internet Việt Nam và Chương trình tư vấn hỗ trợ chuyển đổi IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của CQNN (IPv6 For Gov). Xây dựng và triển khai phương án bảo đảm vận hành mạng internet Việt Nam trong mọi tình huống khẩn cấp.

Lĩnh vực Ứng dụng CNTT, Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đây là văn bản đầu tiên đưa ra định hướng chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể để Việt Nam thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ số Make in Viet Nam đóng góp hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 như ứng dụng khai báo y tế NCOVI, ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone với hơn 25 triệu người dùng. Điều này đã đưa Việt Nam là một trong số ít các nước đi tiên phong trong việc sử dụng các công nghệ số để phòng, chống dịch trong toàn dân.

Về xây dựng Chính phủ điện tử: Bộ đã xây dựng và tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, trong đó quy định rõ quy trình kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử tại Nghị quyêt 17. Hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển Bộ điểm điện tử; đến hết tháng 6/2020 Bộ TTTT đạt 100% tỷ lệ DVCTT mức độ 4 (theo Nghị quyết số 17/NQ-CP thì năm 2020 đạt 30%); tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực uyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 41% (Theo Nghị Nghị quyết số 17/NQ-CP thì năm 2020 đạt 20%).

Năm 2020, an toàn, an ninh mạng Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị thế trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) với vị trí 50. Việt Nam là một số ít các quốc gia tự chủ được trên 90% các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. 100% bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; các doanh nghiệp viễn thông, Internet đã có giải pháp kỹ thuật xử lý các nguồn thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Xây dựng, trình ban hành 01 Chỉ thị Ban Bí thư, 02 Nghị định Chính phủ, 07 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng các cấp, Hội nghị cao cấp ASEAN lần thứ 37, Hội nghị ITU Digital world, Hội nghị Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41), 02 Kỳ họp Quốc hội; Rà quét, phân tích và dự đoán xu hướng thông tin trên Không gian mạng liên quan đến Đại hội Đảng, các sự kiện lớn của Đất nước; rà soát và xử lý tập trung các thông tin xuyên tạc về các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Về lĩnh vực Công nghiệp ICT, năm 2020, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu đo dại dịch Covid-19, ngành Công nghiệp ICT Việt Nam năm 2020 tiếp tục là một điểm sáng đóng góp cho đất nước với doanh thu 118 tỷ USD, tăng trưởng 7% so với năm 2019 gấp 2,4 lần tốc độ tăng GDP quốc gia, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Xây dựng, tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 22/5/2020 về việc Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Bản ghi nhớ với Diễn đàn Kinh tế thế giới về Trung tâm liên kết Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 Việt Nam. Tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ II năm 2020 với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số; tại Diễn đàn, lần đầu tiên Bộ TTTT tổ chức Lễ Công bố và trao Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 nhằm vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm xuất sắc.

Lĩnh vực báo chí, truyền thông tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên sự đồng thuận, đồng lòng, đoàn kết, gắn bó của xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, ngành TT&TT đã góp phần rất lớn cho sự thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026. Tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ; Ban hành đề án và tổ chức cấp, đổi thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025. Rà soát quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; quy hoạch, sắp xếp các cơ quan báo chí trong năm 2020 đối với khối báo chí thuộc bộ, ngành và khối báo chí địa phương đã đảm bảo đúng phương án, lộ trình theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Trong công tác quản lý thông tin trên mạng: Bộ đã liên tục đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam cho đến nay Facebook đã đáp ứng 95% và Google đáp ứng 87% yêu cầu xử lý thông tin của Việt Nam. Triển khai sơ kết 07 năm thực hiện Luật Xuất bản; Chủ trì, phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba. Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức nhiều triển lãm sách chào mừng các sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là các triển lãm trực tuyến thời Covid-19.

Về công tác tổng hợp, Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2020. Đây là triển lãm trực tuyến đầu tiên trong lịch sử triển lãm viễn thông thế giới do Việt Nam tổ chức và cũng là Hội nghị có số lượng Bộ trưởng tham gia nhiều nhất từ trước đến nay, được Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU và các nước thành viên đánh giá cao. Tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV (2020-2025) của Bộ TTTT với 20 tập thể và 41 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng vì đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Bộ TTTT giai đoạn 2015-2020.

Tham gia và làm thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương triển khai các nội dung TTTT thuộc các Dự án Giảm nghèo về TTTT về Giảm nghèo và Truyền thông về nông thôn mới. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện Phong trào thi đua Cả nước Chung tay vì người nghèo và tổ chức các đợt nhắn tin, ủng hộ người nghèo theo phát động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội... Với những thành tích đạt được, Bộ TTTT đã được Chủ tịch nước tặng Huân Chương Lao động hạng ba…

Hoàn thành công tác rà soát, khắc phục đối với các đối tượng được tuyển dụng chưa đúng, chưa đủ điều kiện theo tinh thần Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo Kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị.

Một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 01/2021 của các đơn vị Khối cơ quan Bộ

Về một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 1/2021 của các đơn vị Khối cơ quan Bộ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn yêu cầu:  Các đơn vị tập trung tiếp tục theo dõi và hoàn thành các Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đảm bảo cơ sở triển khai các kế hoạch năm 2021; hoàn thiện và trình Bộ trưởng ký các Thông tư thuộc kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2020; Tập trung chuẩn bị tốt các nội dung, công việc để tổ chức tổng kết năm 2020 của Bộ vào ngày 12/01/2021, đảm bảo các nội dung hoàn thành đúng hạn, kịp tiến độ, trọng thị, nghiêm túc, tiết kiệm và hiệu quả; Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đã phổ biến Chỉ thị 48-CT/TW năm 2020 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2021 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khối cơ quan Bộ./.