Đổi mới hình thức, ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, nâng cao kỹ năng ATTT cho người dùng

Đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) trên không gian mạng là yếu tố then chốt góp phần nâng cao năng lực quốc gia trong các hoạt động trên môi trường Internet. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT đóng vai trò quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2020 về việc phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT giai đoạn 2021-2025". Theo đó, Đề án nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm ATTT trên không gian mạng. Đây là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.

Trang bị kỹ năng đảm bảo ATTT cho người dùng Internet

20201126-pg2.jpg
 
Các mục tiêu tổng quát của Đề án là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo ATTT tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao năng lực quốc gia về bảo đảm ATTT; giảm thiểu các sự cố mất ATTT bắt nguồn từ nhận thức yếu kém của con người về các nguy cơ mất ATTT.
 
Người sử dụng Internet được trang bị đầy đủ nhận thức và các kỹ năng cơ bản về bảo đảm ATTT, có thể an tâm sử dụng mạng Internet, mạng xã hội, thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch điện tử trên không gian mạng, tham gia chính quyền điện tử, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, tích cực, hiệu quả. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhận thức được vai trò, trách nhiệm bảo đảm ATTT khi triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN).

Cơ quan, tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ CNTT, ATTT trong nước tiêu biểu đã được Bộ TT&TT, Cục ATTT đánh giá và công bố hoặc bảo trợ.

Học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng cơ bản để khai thác an toàn, hiệu quả, lành mạnh không gian mạng cho học tập, giải trí.

Đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Hình thức tuyên truyền được đổi mới, kết hợp giữa hình thức truyền thống với hình thức trực tuyến, áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tương tác tự động (chatbot) để triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách chủ động, thông minh và tự động.

Các biện pháp tuyên truyền được phối hợp linh hoạt, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng để các nội dung tuyên truyền có sức lan tỏa rộng rãi, tạo ra năng lượng tích cực, an toàn trên không gian mạng. Đồng thời, chuyển đổi việc tuyên truyền phân tán theo từng bộ, ngành sang phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, định hướng tập trung theo sự điều phối của Bộ TT&TT.

Khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tận dụng sự tham gia có trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông, các mạng xã hội Việt Nam nhằm tạo ra sự lan tỏa, kết nối đa kênh, đa nền tảng, thúc đẩy thay đổi nhận thức về ATTT của người sử dụng.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 tổ chức 3 chiến dịch nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin cơ bản quy mô lớn trải rộng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN); thiết lập 3 trang/kênh trên mạng xã hội (tiêu biểu như Facebook, Zalo, Youtube), tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm ATTT để thu hút, tiếp cận tối đa người sử dụng tham gia, kết nối trên nhiều nền tảng khác nhau...  

100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm ATTT khi ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN, Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, đô thị thông minh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;...

Trên 80% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng cần thiết để tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng; 50% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khả năng đọc tin, tư duy phê phán, phản biện về các thông tin sai lệch trên mạng nhằm tạo dựng một thế hệ mới có tư duy và sử dụng hiệu quả, tích cực trên không gian mạng;
 
Trên 80% người sử dụng nói chung và 100% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ mất ATTT và các kỹ năng cơ bản bảo đảm ATTT trên không gian mạng; các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về ATTT;

100% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin thực hiện tuyên truyền, phổ biến nguy cơ, quy trình điều phối ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin; trách nhiệm và quy tắc nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin;

Trên 90% phóng viên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lãnh đạo các cơ quan báo chí được phổ biến về các nguy cơ, hậu quả và trách nhiệm trong vấn đề mất ATTT; xu hướng và tình hình mất ATTT tại Việt Nam và trên thế giới; 100% người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhà nước được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo đảm ATTT trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; ý thức được hậu quả cũng như trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sự cố mất ATTT; 80% cơ quan, tổ chức được tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ ATTT trong nước.

Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, bao gồm: (1) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm ATTT trên không gian mạng tại các cơ sở giáo dục; (2) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và các kỹ năng cơ bản bảo đảm ATTT trên không gian mạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội; (3) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản bảo đảm ATTT qua các hệ thống thông tin cơ sở; (4) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản bảo đảm ATTT qua các phương thức khác; (5) Xây dựng nội dung tuyên truyền về bảo đảm ATTT cho các nhóm đối tượng người cao tuổi và thanh thiếu niên; (6) Định hướng nội dung, hoạt động và xây dựng, biên tập các tài liệu tuyên truyền thuộc phạm vi của Đề án.

Theo Đề án, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ trì, chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc địa bàn quản lý thực hiện Nhiệm vụ 2 của Đề án; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện Nhiệm vụ 3 của Đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình; Căn cứ nội dung của Đề án và hướng dẫn của Bộ TT&TT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và thực hiện các Kế hoạch tuyên truyền trong phạm vi cơ quan, đơn vị của mình bảo đảm toàn bộ công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết bảo đảm ATTT khi ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN, Chính quyền điện tử; Thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm ATTT trên các trang mạng xã hội do cơ quan, đơn vị sở hữu, quản lý;..

 

Nguồn: theo ictvietnam.vn