Bình Phước: Nâng cao kĩ năng bảo đảm ATTT khi sử dụng hệ thống dùng chung

Theo đại diện Sở TT&TT Bình Phước, việc tổ chức tập huấn đào tạo sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ tích hợp dùng chung cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho cán bộ chuyên trách CNTT trong việc đảm bảo an toàn thông tin khi sử dụng hệ thống dùng chung trên địa bàn tỉnh.

  Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước, ngày 12/11, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bình Phước đã tổ chức hội nghị tập huấn đào tạo sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ tích hợp dùng chung cấp tỉnh cho các công chức, viên chức, nhân viên phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

20201123-pg6.jpg
 
Nâng cao kĩ năng cần thiết cho cán bộ CNTT của tỉnh Bình Phước
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Minh Quang cho biết, Sở TT&TT Bình Phước đã hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ tích hợp dùng chung cấp tỉnh. Đến nay, 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của địa phương được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản Quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. Đồng thời, nội bộ tỉnh đã liên thông quản lý văn bản ngang, dọc 3 cấp được 188 cơ quan nhà nước, gồm: khối Đảng, Nhà nước, Công an, Quân sự từ tỉnh đến xã và có 46 đơn vị ngoài công lập kết nối vào Trục liên thông văn bản tỉnh.
 
90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật). Hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật): Cấp tỉnh đạt 80%, cấp huyện 60%, cấp xã 30%. Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất cho các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Bình Phước cũng đã liên thông cung cấp dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia và đang tiếp tục thực hiện theo lộ trình.
 
Do đó, việc tổ chức tập huấn, đào tạo sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ tích hợp dùng chung cấp tỉnh có ý nghĩa thiết thực, quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho cán bộ chuyên trách CNTT trong việc nâng cao nghiệp vụ và đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) khi sử dụng hệ thống dùng chung trên địa bàn tỉnh.
 
Tham gia lớp tập huấn, các công chức, viên chức, nhân viên phụ trách CNTT tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện được các chuyên gia CNTT của Sở TT&TT và Liên danh Mobifone - Sao Bắc Đẩu giới thiệu mô hình kiến trúc, hệ thống và các chức năng của phần mềm; hướng dẫn sử dụng các chức năng và tiếp nhận ý kiến, trả lời câu hỏi từ tổ chức, cá nhân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu chia sẻ tích hợp dùng chung cấp tỉnh.
 
Chiều cùng ngày, Sở TT&TT Bình Phước phối hợp Công ty Cổ phần An toàn thông tin Cyradar tổ chức diễn tập ATTT năm 2020 cho các công chức, viên chức, nhân viên phụ trách CNTT tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, với nhiều nội dung quan trọng về phát hiện, phân tích, xử lý và phòng ngừa các thành phần tin tặc độc hại xâm nhập trái phép trên phần mềm, hệ thống, website…
 
 
 
Xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu để đảm bảo ATTT cho hệ thống mạng của tỉnh
 
 
 
Việc tập huấn bảo đảm ATTT cho hệ thống dùng chung của tỉnh Bình Phước được cho là bước đi cần thiết khi trước đó, ngày 9/9, UBND tỉnh đã ban hành Đề án thành lập Trung tâm tích hợp dữ liệu (TTTHDL) tỉnh Bình Phước.
 
 
 
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tình Bình Phước, trước khi ban hành Đề án Thành lập trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, Bình Phước đang triển khai các hệ thống thông tin như: Cổng Dịch vụ công, Cổng Thông tin điện tử, Hệ thống Quản lý văn bản liên thông trên trục LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu) kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia... Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có TTTHDL tập trung, đạt tiêu chuẩn để quản lý đồng bộ và toàn diện, dẫn đến phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế như: Hệ thống máy chủ riêng rẽ, khó quản lý, mất nhiều nhân sự vận hành hệ thống kết nối để khai thác chung; các dữ liệu của các sở ngành, địa phương bị phân tán, chưa được khai thác sử dụng hiệu quả...
 
 
 
Từ thực trạng trên, đặt ra nhu cầu cấp bách cần xây dựng TTTHDL tỉnh. Sự hình thành và phát triển của TTTHDL này hướng đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tập trung để thay đổi cách thức quản lý nhà nước theo hướng điện tử hóa, đem đến hiệu quả và tiện ích trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành thuộc tỉnh.
 
 
 
Việc xây dựng TTTHDL đảm bảo sự tập trung, tạo dựng được hệ thống lưu trữ dữ liệu chung, tạo nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên mọi phương diện, lấy phát triển chính quyền điện tử làm trung tâm. Hiệu quả của TTTHDL mạng lại sẽ cao hơn nhiều do có sự tích hợp và tương tác từ nhiều thành phần, sự thống nhất các nguồn lực của tỉnh khi xây dựng các thành phần địa phương thông minh trong thời gian tới.
 
 
 
Theo đó, TTTHDL có chức năng liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành hệ thống công nghệ thông tin toàn tỉnh. Đây là điểm tập trung xây dựng và quản trị các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, cung cấp nhu cầu truy xuất thông tin của các cơ quan, đơn vị và các đối tượng người dùng. Trung tâm cũng là đầu mối kết nối hệ thống mạng nội bộ của tỉnh với các hệ thống mạng khác, bảo đảm an ninh bảo mật thông tin và an toàn mạng Internet cho toàn bộ hệ thống mạng của tỉnh.
 
 
 
TTTHDL có trách nhiệm phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và các tiêu chuẩn công nghệ thông tin phục vụ cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước; đảm bảo đáp ứng tích hợp các hệ thống thông tin dùng chung và chuyên ngành; là đầu mối phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng.
 
Nguồn: theo ictvietnam.vn