Việt Nam phải ra khỏi top các quốc gia nhiễm mã độc

Nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được Việt Nam đặc biệt ưu tiên trong thời gian tới.

 An toàn bảo mật thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu

"Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam xác định, bảo đảm an ninh mạng là yếu tố đặc biệt quan trọng. Đây là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của các cấp, các ngành", TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, khẳng định tại phiên khai mạc Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn, an ninh mạng Việt Nam 2020 (Vietnam Security Summit 2020) được tổ chức vào ngày 10/11/2020 tại Hà Nội.
 
Hiện nay, chuyển dịch hoạt động theo hướng số hóa là xu hướng được nhiều cơ quan nhà nước và các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) tư nhân tại Việt Nam triển khai nhằm cải thiện và tối ưu hóa hiệu quả vận hành. Tuy vậy, trong bối cảnh các tài nguyên, dữ liệu quan trọng đang được lưu trữ ngày một nhiều trên môi trường số cùng sự bùng nổ của các thiết bị kết nối cá nhân, điều này vô tình trở thành "điểm yếu" dễ bị khai thác.
 
20201116-pg10.jpg
 
Với mong muốn hỗ trợ các tổ chức, DN Việt Nam nhanh chóng cập nhật và thích ứng với các xu hướng an toàn, an ninh mạng thế hệ mới, Vietnam Security Summit 2020 năm nay lấy chủ đề "An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn".
 
Hội thảo được tổ chức dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ TT&TT; Tập đoàn IEC phối hợp cùng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) và Cục An toàn thông tin (ATTT) (Bộ TT&TT) đồng tổ chức.
 
Tham dự có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh 86, đại diện các DN CNTT và hàng trăm đại biểu đến từ các đơn vị, tổ chức thuộc khối Chính phủ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, bán lẻ và thương mại điện tử, vận tải (logistics), năng lượng, sản xuất.
 
Khẳng định tầm quan trọng của đảm bảo ATTT trên không gian số, TS. Nguyễn Đức Hiển cho biết: Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư" đã xác định ngành an toàn, an ninh mạng là một trong những ngành ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.
 
Cũng theo TS. Nguyễn Đức Hiển, ngày nay, không gian mạng trở thành"không gian chiến lược mới", "vùng lãnh thổ đặc biệt" gắn chặt chẽ với các chủ quyền về đất liền, biển đảo, trên không, vũ trụ. "Đây là không gian ưu tiên hàng đầu của các nước trên tất cả các cấp độ: chính phủ, DN cho đến người dân để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng được coi là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số", TS. Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
 
Phải có cách tiếp cận mới về đảm bảo ATTT
 
Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra trên toàn cầu dẫn đến số lượng thiết bị Internet kết nối vạn vật (IoT) và dung lượng dữ liệu sinh ra, được xử lý tăng theo cấp số nhân. Thông qua các thiết bị IoT, những kẻ tấn công đang có nhiều "cửa ngõ" hơn để thâm nhập vào kho dữ liệu của các tổ chức và khiến quy trình bảo mật thông tin càng trở nên phức tạp. Dữ liệu này đã trở thành tài nguyên quan trọng của quốc gia cũng như của mỗi tổ chức và cá nhân nhưng cùng với đó, các nguy cơ về đánh cắp, hủy hoại và giả mạo thông tin, dữ liệu ngày càng tăng cao.
 
Theo thống kê từ Cục ATTT, Bộ TT&TT, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về nhiễm mã độc, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về tấn công email và thứ 3 thế giới về tấn công botnet. Đặc biệt, các cuộc tấn công không chỉ gia tăng nhanh về số lượng, thời lượng và tần suất, mà còn được tăng cường bởi sức mạnh của các công nghệ mới, dẫn tới các vụ rò rỉ, đánh cắp, phá hủy dữ liệu quy mô lớn nhắm vào các hạ tầng trọng yếu của quốc gia, DN. Vì vậy, trong những năm vừa qua, mức độ đầu tư của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam dành cho các giải pháp bảo mật đã có sự cải thiện đáng kể.
 
Đại tá Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban, Ban Cơ yếu Chính phủ, nhận định: Tình hình an ninh mạng trong thời gian tới dự báo vẫn có nhiều biến động khó lường. Nguy cơ mất ATTT trong thời gian tới diễn biến phức tạp như: Tấn công mạng, đặc biệt là tấn công lây nhiễm mã độc sử dụng AI; Tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng… với mục tiêu tống tiền, đánh cắp thông tin, dữ liệu của tổ chức, cá nhân; Tấn công vào hạ tầng, thiết bị IoT, đô thị thông minh; đồng thời tin tặc lợi dụng các hạ tầng, thiết bị này để thực hiện tấn công mạng; Tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức nhà nước nhằm lấy cắp thông tin bí mật nhà nước; Giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bôi nhọ, nói xấu và phát tán thông tin độc hại trên mạng...
 
Các đối tượng tấn công mạng cũng đã khai thác điểm mạnh của hệ thống công nghệ AI và dữ liệu lớn vào trong kỹ thuật tấn công mạng. Những mã độc sẽ ngày càng thông minh hơn với công nghệ hiện đại, tinh xảo với khả năng giả mạo cao. Để an toàn hơn trên không gian mạng, mỗi cơ quan, tổ chức, DN và người sử dụng các thiết bị kết nối Internet phải luôn sẵn sàng để ứng phó các nguy cơ, mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng, tin tặc, mã độc…
 
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, trong 10 tháng đầu năm 2020 đã có hơn 4.000 cuộc tấn công mạng. Dự báo mới nhất về tổn thất do mất an toàn an ninh mạng cho thấy, thế giới sẽ mất ít nhất 11,4 triệu USD/phút cho các vấn đề liên quan đến vi phạm an ninh mạng trong năm 2021, tăng 100% so với năm 2015.
 
Để ứng phó với biến đổi không ngừng của các nguy cơ an toàn an ninh mạng và đặc biệt là sự tiến bộ nhanh chóng của các công nghệ mới, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục ATTT - Bộ TT&TT, đã gửi thông điệp về định hướng và mục tiêu triển khai ATTT trong những năm tới: Việt Nam muốn trở thành cường quốc về an ninh mạng thì phải làm chủ hệ sinh thái về sản phẩm an ninh mạng.
 
Trong thời gian qua, hệ sinh thái sản phẩm an toàn an ninh mạng được lãnh đạo Bộ TT&TT chỉ đạo sát sao và đã hình thành nên 8 dòng sản phẩm trong hệ sinh thái an toàn an ninh mạng, lấp đầy 90% các dòng bằng những sản phẩm "Make in Vietnam". Nhiều năm qua, Việt Nam nằm trong top 10 những quốc gia nhiễm mã độc nhiều nhất thế giới. Ra khỏi top các quốc gia này là một mục tiêu các tổ chức, đơn vị, cá nhân Việt Nam đều phải nỗ lực.
 
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao thì Việt Nam phải thực hiện mãnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Do đó, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên trong thời gian tới.
 
Trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Security Summit 2020, buổi chiều cùng ngày diễn ra 2 hội thảo chuyên đề với chủ đề: "Giám sát và ngăn ngừa hiểm họa an toàn, an ninh mạng cho các hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu quốc gia"và "Bảo vệ hệ thống thông tin DN thế hệ mới". Đồng thời cũng diễn ra Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng 2020 với sự tham gia của hơn 30 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên thế giới với các thương hiệu lớn như Viettel, Securitybox, VanTech, Netnam, TrendMicro, HikVision, Cloudflare,…
 
Các DN sẽ giới thiệu, quảng bá về các giải pháp nổi bật như bảo mật đám mây, bảo mật thiết bị đầu cuối, bảo mật thiết bị di động, quản lý truy cập và định danh, xác thực đa yếu tố, xác thực không mật khẩu, bảo mật sinh trắc học...
Nguồn: theo ictvietnam.vn