Chuyển đổi số là chìa khóa giúp Thái Nguyên sớm thực hiện những giấc mơ lớn

Ngày 12/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã dẫn đầu Đoàn công tác Bộ TT&TT đến thăm, làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. Tham gia Đoàn công tác có Thứ trưởng Phan Tâm, lãnh đạo một số đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Thái Nguyên cần Bộ TT&TT hỗ trợ thí điểm chuyển đổi số tại 4 xã đặc biệt khó khăn
 
Trong thời gian qua, bám sát Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê  duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số đảm bảo mục tiêu kép là vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực.
 
20201112-l20_1.jpg
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
 
Hiện tỷ lệ dân số tỉnh Thái Nguyên có kỹ năng số cơ bản đạt 85%; chính quyền điện tử, Chính quyền số của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc; Thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 80%; cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4 được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 50%; giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được xác thực điện tử đạt 100%; tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đạt 100%;...
 
 Đối với việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên được xây dựng trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT-TT của tỉnh đảm bảo mục tiêu: Ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước, nhằm hiện đại hóa nền hành chính, tăng tốc độ xử lý công việc, tăng năng xuất lao động, giảm chi phí hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Vệc phát triển Chính quyền điện tử để đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều phương tiện khác nhau với nền tảng thống nhất, đảm bảo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh
 
Hiện tại, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có website/portal cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định của Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được triển khai tập trung đến 100% cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã (kể cả cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như: Thuế, Hải quan, Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Quân sự,…), các đơn vị triển khai được liên thông trong việc gửi, nhận văn bản điện tử. Hệ thống quản lý văn bản của tỉnh đã liên thông 4 cấp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ/ngành/địa phương trong toàn quốc, liên thông với 100% cơ quan Đảng thuộc Tỉnh ủy Thái Nguyên.
 
20201112-l21.jpg
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác chuyển đổi số đến 9 điểm cầu của các huyện, thành, thị tại tỉnh Thái Nguyên
 
Tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị và đề xuất với Bộ TT&TT về lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành tại địa phương; thúc đẩy quá trình xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung quốc gia Yên Bình (Khu công nghiệp Yên Bình) trên diện tích 200 ha; hỗ trợ tỉnh thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 4 xã miền núi đặc biệt khó khăn (gồm: xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên); xã La Bằng (huyện Đại Từ); xã Bình Thành (huyện Định Hóa); xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai); thống nhất cơ chế hỗ trợ đầu tư nền tảng chia sẻ dữ liệu và thực hiện chuyển đổi số trên quy mô toàn tỉnh; đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng sóng 3G, 4G, hướng đến phát triển mạng 5G trên địa bàn.
 
20201112-l25.jpg
 
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc
 
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải mong muốn Bộ TT&TT và cá nhân Bộ trưởng giúp tỉnh triển khai chiến lược chuyển đổi thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới. Việc chuyển đổi số dựa trên một nền tảng số và ứng dụng CNTT là chìa khóa giúp Thái Nguyên thực hiện nhiều giấc mơ lớn, tiếp tục nối tiếp những giấc mơ khác.
 
Mặt khác, qua buổi làm việc của Đoàn công tác đã truyền cảm hứng cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về thay đổi tư duy, cách làm mới; đồng thời là bài giảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
 
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên  cam kết sẽ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, các sở/ban/ngành trong triển khai chiến lược chuyển đổi số tại địa phương và các vấn đề đã cam kết hôm nay. Đối với khu CNTT công nghệ cao tập trung Yên Bình, đây là vấn đề Thái Nguyên đang rất trăn trở bởi. khu này rất lớn, khó tìm nhà đầu tư. “Chúng tôi cam kết dọn tổ để đón đại bàng trong ngành CNTT đến đầu tư lâu dài tại Thái Nguyên, giúp chúng tôi thực hiện các giấc mơ lớn tiếp theo. Đồng thời, từ giờ đến cuối năm Thái Nguyên sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số và các vấn đề về thành phố thông minh, chính phủ số, xã hội số...”, Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.
 
Đặc biệt, tại buổi làm việc một số doanh nghiệp như:Viettel, MobiFone,VNPT, Hanoi Telecom... đã cam kết giúp miễn phí cho Thái Nguyên thực hiện thí điểm tại 4 xã miền núi đặc biệt khó khăn,
 
 
Xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực phía Bắc
 
Ngày 14/10/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1400/TTg-KSTT về việc bổ sung Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây là định hướng mới đưa tỉnh Thái Nguyên thành trung tâm công nghiệp điện tử công nghệ cao của khu vực chứ không chỉ của Việt Nam.
 
Theo lãnh đạo Vụ CNTT (Bộ TT&TT) để triển khai nhanh, có hiệu quả, Thái Nguyên cần phải xác định chủ đầu tư triển khai dự án. Sau khi địa phương chọn được chủ đầu tư và xây dựng đề án, Vụ CNTT sẽ trực tiếp hỗ trợ chấp bút hoàn thiện đề án trình Chính phủ.
 
20201112--20.jpg
 
20201112-l20.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng ký kết hợp tác phát triển thông tin và truyền thông
 
Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng: Thái Nguyên là tỉnh có hạ tầng viễn thông tương đối tốt. Cáp quang nối 100% xã, độ phủ 2G, 3G đạt 100%, 4G đặt mức 97%, hơi thấp hơn toàn quốc (toàn quốc 98,4%). Cáp quang kết nối đến các thôn hiện vẫn còn 42 thôn trắng cáp quang; di động còn 4 thôn đang trắng sóng. Bởi vậy, đây là bài toán tỉnh Thái Nguyên cần đưa vào kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông trong thời gian tới.
 
Với hạ tầng 5G theo kế hoạch các doanh nghiệp viễn thông lớn trong nước (gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone) đến tháng 6/2021, 100% người dân Thái Nguyên sử dụng mạng 4G; từ tháng 6/2021 trở đi sẽ triển khai thương mại dịch vụ 5G. MobiFone đã có dự kiến triển khai 5G tại Thái Nguyên. Do vậy, Thái Nguyên cần đặt ra vấn đề làm thế nào phối hợp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để xây dựng hạ tầng. Giai đoạn đầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai những nơi cần 5G nhất như: Các Khu công nghiệp có nhà máy thông minh, khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu, hoặc khu thương mại có mật độ cao vượt quá khả năng của 4G, trường đại học lớn.... Sở TT&TT cần xây dựng lộ trình, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai nhanh nhất để năm 2021 Thái Nguyên sẽ có mạng 5G.
 
20201112-l23.jpg
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên bức tranh lưu niệm
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Thủ tướng giao cho Bộ TT&TT phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Thái Nguyên mới có 276 doanh nghiệp/1000 dân (đạt 0,22%, thấp hơn cả nước 0,62%) là quá ít. Cần có những doanh nghiệp phát triển công nghệ lõi hoặc tạo sản phẩm, hoặc lắp đặt triển khai. Thái Nguyên phải có 1.300 doanh nghiệp thì mới thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc và hỗ trợ chuyển đổi số cho các tỉnh xung quanh vào từng ngõ ngách của xã hội nên cần rất nhiều doanh nghiệp công nghệ.
 
Theo Bộ trưởng, đối với CNTT và chuyển đổi số, người đi sau có cơ hơn người đi trước, không phải lĩnh vực tuần tự. Khi nói đến CNTT hoặc chuyển đổi số thì công nghệ không phải vấn đề chính. Mà chính là ứng dụng nó để thay đổi cách vận hành tổ chức, đổi mới quản trị quốc gia. Việc ứng dụng là câu chuyện của địa phương, chủ yếu phụ thuộc lãnh đạo địa phương. Cứ mỗi khi có một cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ xảy ra thì tương lai ngày mai rất khó dự đoán, thường không nằm trên đường kéo dài của quá khứ.
 
“Trong thời đại thay đổi nhanh chóng, khó dự đoán hiện nay, ai mạnh dạn dám thí điểm những cái mới thì người đó thắng. Và mỗi cuộc cách mạng sẽ nảy sinh 6 - 7 cường quốc hóa rồng”, Bộ trưởng chia sẻ.
 
Bộ trưởng TT&TT nhấn mạnh, Thái Nguyên nói riêng triển khai chuyển đổi số tập trung vùng miền núi, xã đặc biệt khó khăn đầu tiên là ưu tiên trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục trực tuyến để cho học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được bài giảng chất lượng cao và những giáo viên giỏi nhất Việt Nam. Tiếp theo là vấn đề y tế, ở vùng sâu, vùng xa rất ít bác sĩ nên hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai cho người dân. Cùng với đó là mở các sàn giao dịch thương mại điện tử để bà con bán được các sản phẩm nông nghiệp...
 
Trong đại dịch Covid-19, mưa, bão ở Miền Trung, hệ thống truyền thanh cơ sở, hệ thống truyền thanh thông minh đã phát huy giá trị to lớn, là kênh thông tin hiệu quả nhất. Không kênh truyền hình nào có thể tiếp cận được 80 triệu người dân Việt Nam như hệ thống loa truyền thanh. Bộ trưởng giao cho Cục Thông tin cơ sở hỗ trợ, giới thiệu doanh nghiệp và hướng dẫn sở xây dựng hệ thống thông tin nguồn cung cấp cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở trong giai đoạn tới.
 
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị Thái Nguyên phải có Nghị quyết của Tỉnh ủy về chiến lược chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số, chính quyền số, xã hội số của địa phương.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết, ngành TT&TT hiện có hơn 55.000 doanh nghiệp CNTT, công nghệ số, sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên cũng như các địa phương khác trên toàn quốc. Đồng thời, tỉnh cần chọn đột phá là công nghệ, nhất là công nghệ số, chuyển đổi số, dùng báo chí truyền thông tạo sức mạnh tinh thần để bứt phá vươn lên. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên cần hiện thực hóa ước mơ trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực phía Bắc, tạo cảm hứng cho các địa phương học tập...
 
Đối với việc đào tạo nhân lực chuyển đối số, Bộ TT&TT đang chỉ đạo chuyển đổi số tại Học viện BCVT trở thành quốc gia số thu nhỏ. Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ cho Đại học Thái Nguyên trở thành đại học số.
 
20201112-l10.jpg
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác tới thăm, làm việc với Sở Thông tin & Truyền thông
 
20201112-l13.jpg
 
20201112-l15.jpg
 
Đoàn công tác của Bộ TT&TT dâng hương và chụp ảnh lưu niệm tại Nhà truyền thống Tỉnh ủy
 
Trước đó, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến dâng hương, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà truyền thống Tỉnh ủy. Thăm và làm việc tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Để khẳng định vai trò và những đóng góp của Ngành đối với địa phương thì người đứng đầu và tập thể ngành cần thay đổi tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo, đảm nhận những nhiệm vụ mang tính chất đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Đồng chí mong muốn, ngành Thông tin và Truyền thông của tỉnh sẽ góp phần khẳng định rõ vai trò, vị thế của thông tin và truyền thông đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số hiện nay.