Bộ TT&TT xúc tiến đầu tư thương mại ICT với 11 nước Mỹ Latinh

Với chủ đề "Kết nối số Việt Nam - Mỹ Latinh", Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư thương mại ICT Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2020" đã được Bộ TT&TT tổ chức tối 29/10 theo giờ Việt Nam.

 Hội nghị được Bộ TT&TT phối hợp với 11 Đại sứ quán các nước Mỹ Latinh tại Hà Nôi bao gồm Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Cuba, Haiti, Mexico, Panama, Peru, Uruguay và Venezuela.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một động lực để các nước xích lại gần nhau 

Hội nghị nhằm thúc đẩy kết nối hơn nữa giữa Việt Nam với các nước khu vực Mỹ - La tinh – một khu vực vốn có khoảng cách xa về địa lý nhưng còn nhiều tiềm năng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì việc tận dụng nền tảng số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thực sự là một động lực và công cụ hữu hiệu để các nước xích lại gần nhau dễ dàng hơn, trong đó quan hệ giữa các nước càng xa thì việc tận dụng lợi thế càng có vai trò hơn nữa.
 
20201030-l8.jpg
 
Thứ trưởng Phan Tâm: Khoảng cách không gian giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh sẽ được giảm xuống, hợp tác và đối tác sẽ được tăng cường
trên nhiều phương diện nhờ Internet, các mô hình kinh doanh mới
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Trong thời đại toàn cầu hóa được hỗ trợ bởi công nghệ số, sự di chuyển của con người, dòng chảy hàng hóa và ý tưởng được tăng tốc nhờ các phương tiện giao thông và phương thức liên lạc mới.
 
Mặc dù có khoảng cách bán cầu giữa Việt Nam và Mỹ Latinh, Thứ trưởng cho biết Việt Nam và các nước Mỹ Latinh nếu nắm bắt và phát huy tối đa lợi thế của công nghệ số, khoảng cách không gian sẽ được giảm xuống, trong khi hợp tác và đối tác sẽ được tăng cường trên nhiều phương diện nhờ Internet và các mô hình kinh doanh mới đang tạo điều kiện cho các dòng thương mại. Các thương nhân nhỏ có thể bán hàng hóa của họ trên các nền tảng thương mại điện tử cho khách hàng dù họ ở Mỹ Latinh hay Việt Nam.
 
Cũng nhờ công nghệ số, bệnh nhân được điều trị tốt hơn với các công cụ thực tế ảo, dịch vụ y tế từ xa thông qua mạng 5G tốc độ cao. Điều này đang thay đổi cách bệnh nhân đang được điều trị, bất kể vị trí nào.
 
20201030-l6.jpg
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Theo Thứ trưởng, tại Việt Nam, có rất nhiều người muốn học tiếng Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha và khám phá văn hóa Mỹ Latinh. Bằng cách sử dụng nền tảng học tập từ xa (e-learning), Việt Nam có thể kết nối giáo viên từ các nước Mỹ Latinh và sinh viên từ Việt Nam để thực hiện nhiều lớp học trực tuyến.
 
Trong đại dịch Covid-19, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Công nghệ số đã được chứng minh là quan trọng trong việc giúp các quốc gia thích nghi và đáp ứng với Covid-19, cho phép làm việc và học tập từ xa, chuyển nhiều hoạt động kinh tế - xã hội lên mạng".
 
Tại Việt Nam, nhờ áp dụng kịp thời công nghệ số, Việt Nam nằm trong số rất ít quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng GDP gần 2% trong nửa đầu năm 2020 và duy trì thành công mức "bình thường mới" trong khi đại dịch được kiểm soát tốt.
 
Việt Nam quyết tâm phát triển nền kinh tế số và áp dụng rộng rãi công nghệ số vào mọi lĩnh vực. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia chuyển đổi số, mở đường cho việc hình thành Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số vào năm 2025.
 
20201030-l5.jpg
20201030-l7.jpg
 
Các đại biểu tham quan trưng bày hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
 
Việt Nam mong muốn mang lại cơ hội cạnh tranh để đưa Việt Nam trở thành điểm đến tốt nhất trong khu vực cho DN số phát triển và thành công. Việt Nam đặc biệt khuyến khích các công ty công nghệ nước ngoài hợp tác với ngành công nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất thông minh, IoT, AI, dữ liệu lớn, blockchain, thực tế ảo, an ninh mạng, Fintech, in 3D, hệ sinh thái 5G, ...
 
Thứ trưởng cũng thông tin đến các đại biểu: Lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam đang chuyển đổi một cách chiến lược từ gia công phần mềm sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất các sản phẩm kỹ thuật số bởi các công ty công nghệ trong nước trong khuôn khổ chiến dịch "Make in Vietnam".
 
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Phan Tâm tin tưởng đây là thời điểm thích hợp để các DN công nghệ số Mỹ Latinh tìm hiểu và đầu tư vào thị trường Việt Nam. Chúng ta hãy hy vọng diễn đàn này sẽ đặt viên đá đầu tiên cho một thị trường kỹ thuật số chung Việt Nam - Mỹ Latinh trong tương lai.
 
Chia sẻ các giải pháp ICT nổi bật
 
Trong khuôn khổ diễn đàn, các DN ICT Việt Nam đã giới thiệu các sản phẩm Make in Vietnam như Viettel đã giới thiệu trạm gốc 5G gNodeB, hệ thống tính cước trực tuyến vOCS 4.0, thiết bị theo dõi Vessel. VNPT giới thiệu các sản phẩm chính phủ điện tử, VNPT eKYC,… Bkav giới thiệu camera an ninh tích hợp AI, điện thoại Bphone.
 
Trong khi đó, ông Marcelo Kosec, CEO của Bantotal cho biết Bantotal là một bộ giải pháp công nghệ toàn diện cho các ngân hàng đã được triển khai ở các tổ chức tài chính lớn của châu Mỹ Latinh. Giải pháp hỗ trợ cho các tổ chức tài chính chuyển đối số.
 
Cũng tại Hội nghị, mạng lưới thông tin quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới công nghệ ở Peru đã giới thiệu tổng quan dự án Perú Cris. Dự án nhằm củng cố, quản lý thông tin khoa học và học thuật trên toàn Peru, để tạo số liệu thống kê hỗ trợ việc ra quyết định ở cấp thể chế, khu vực, ngành và quốc gia.