Thuốc lá – thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn phổi mãn tính

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra rất nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhiều người muốn bỏ thuốc lá khi phải sống chung với tình trạng khó thở do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì đã quá muộn màng.

benh-phoi-tac-nghen-man-tinh.jpg

Đo chức năng hô hấp cho người bệnh COPD.
 
Cứ chiều thứ 6 hàng tuần, bà Nguyễn Thị Lan lại rẽ vào quầy thuốc gần nhà trên phố Nghĩa Tân, Hà Nội để mua nước súc miệng cai thuốc lá cho chồng là ông Nguyễn Văn T. Bà Lan cho biết, chồng bà năm nay 58 tuổi những đã có thâm niên hơn 30 năm hút thuốc lá. Trong ngần ấy thời gian, ông T cũng đã 5-7 lần cai thuốc nhưng đều thất bại.
 
Năm ngoái, ông thường xuyên lên cơn khó thở và phải đi cấp cứu. Tại bệnh viện, ông được các bác sĩ chẩn đoán bị tắc nghẽn phổi mãn tính. Sau khi điều trị bệnh này một thời gian, ông T thấy đỡ về nhà và quyết tâm một lần nữa cai nghiện thuốc lá.
Theo bà Lan, chồng bà hút rất nhiều thuốc lá mà gia đình khuyên nhủ thế nào cũng không bỏ được. Mỗi lần cai là một lần hút nhiều hơn. “Khi đến bệnh viện, nhìn những bệnh nhân ăn cũng khó, thở càng khó hơn đều do tác hại thuốc lá ông ấy cũng cảm thấy ám ảnh nhưng đến bây giờ bỏ thuốc lá thì đã quá muộn”, bà Lan nói.
 
Trường hợp của chồng bà Lan chỉ là một trong vô số các ca bệnh được các bác sĩ chuẩn đoán bị tắc nghẽn phổi mãn tính có nguyên nhân chính do thuốc lá gây ra.
 
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 90% bệnh nhân mắc tắc nghẽn phổi mãn tính do nguyên nhân từ hút thuốc lá. Người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính dễ dẫn đến nguy cơ tàn phế, tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. Tắc nghẽn phổi mãn tính cũng là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
 
Khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh nhân hay xuất hiện triệu chứng ho có đờm hoặc ho khan, khó thở bởi khả năng sản xuất chất nhầy nhiều làm tắc nghẽn phế khí, các phế nang giảm dẫn tới lượng oxy vào phổi để cung cấp cho các mạch máu giảm. Bệnh nhân thường chủ quan với chính những triệu chứng ho, khạc đờm mạn tính và coi những triệu chứng này là bình thường ở người hút thuốc hoặc tiếp xúc khói, bụi. Do vậy, bệnh không được phát hiện kịp thời, nên tiếp tục tiến triển nặng dần lên. Nhiều bệnh nhân chỉ đi khám khi đã xuất hiện khó thở, thường lúc đó bệnh đã ở giai đoạn muộn. Ban đầu, khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, càng về sau khó thở càng xuất hiện thường xuyên hơn và đến giai đoạn cuối cùng của bệnh, khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi tại giường.
 
Khói thuốc lá chứa các chất độc hại có ảnh hưởng đến chức năng phổi. Độc tố được hít trực tiếp vào phổi trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến kích thích phổi nghiêm trọng, gây ra sự khởi đầu của tắc nghẽn phổi mãn tính. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá vẫn tiếp tục và lâu dài, phổi ngày càng bị tổn thương, dẫn đến tình trạng viêm và suy thoái.
 
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng viêm mạn tính đường thở do tiếp xúc các  yếu tố độc hại từ ngoài môi trường đứng đầu là thuốc lá, bụi khói, ô nhiễm môi trường. Quá trình viêm mạn tính đã làm đường thở bị sưng nề, sau đó là xơ hóa, tăng tiết đàm nhớt và co thắt cơ trơn phế quản làm đường thở tắc nghẽn, thành vách phế nang bị phá hủy làm các phế nang bị căng dãn bất thường gây nên ứ khí trong phổi.
 
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhưng việc điều trị có thể làm giảm nhẹ triệu chứng, giảm biến chứng, và nâng cao chất lượng sống.
 
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể điều trị, ngăn ngừa bằng cách: Trước hết, bệnh nhân cai thuốc lá, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Những bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính thường có diễn tiến tăng dần lên và nặng thêm sau mỗi đợt cấp. Nguyên nhân gây ra đợt cấp chủ yếu do nhiễm virus, vi trùng. Sau mỗi đợt cấp, bệnh nhân mệt và yếu hơn, chức năng phổi xấu hơn. Do đó, bệnh nhân cần chú ý giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh nhiễm lạnh, nhất là vệ sinh răng miệng, thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt để nâng cao sức khỏe thể lực, chích ngừa cúm và phế cầu theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên phối hợp với điều trị không dùng thuốc như: tập vật lý trị liệu hô hấp, tập thở chúm môi, tập thở cơ hoành để cơ thể thích nghi dần với môi trường bên ngoài... Các bệnh nhân nên tập hợp thành nhóm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính để trao đổi những kinh nghiệm về cách sử dụng thuốc, tập thể dục, cai thuốc lá... dưới sự trợ giúp của y bác sĩ. Mặt khác, bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính khi làm việc gắng sức thường mệt mỏi, nên có tâm lý cảm thấy bị thừa thải, dễ dẫn đến trầm cảm, nên sinh hoạt nhóm làm cho tinh thần bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính thoải mái hơn.
 
Đặc biệt, các chuyên gia y tế nhấn mạnh, cai thuốc là việc quan trọng nhất mà người bệnh cần làm để có thể chung sống tốt hơn với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nếu người hút thuốc lá mắc bệnh này mà vẫn hút thuốc thì các biện pháp điều trị sẽ không phát huy tác dụng.