Chú trọng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá để ngư dân yên tâm vươn khơi

Toàn huyện Bố Trạch có 6 xã biển, trong đó tại 4 xã: Đức Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch và Hải Trạch, người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào biển. 4 xã này hiện có 320 tàu thuyền có công suất lớn, bảo đảm việc đánh bắt thủy, hải sản xa bờ; xã Đức Trạch chiếm phần lớn với 256 tàu thuyền. Để góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã chỉ đạo các địa phương nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đặc biệt là mô hình dịch vụ nghề cá ở các xã biển.

20201009-l12.jpg

Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân vươn khơi bán biển dài ngày

Trao đổi về việc thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vươn khơi đánh bắt, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: “Tính đến nay, toàn huyện có 350 tàu cá được hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng trong năm 2019, kinh phí hỗ trợ trên toàn huyện gần 78 tỷ đồng, đưa tổng số kinh phí hỗ trợ cho đến thời điểm này là trên 470 tỷ đồng. Cứ mỗi dịp đầu năm, chính quyền các xã đều tổ chức lễ ra khơi khai thác thủy hải sản, hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm bám biển sản xuất… Đặc biệt, huyện Bố Trạch đã chú trọng khuyến khích, vận động người dân, nhất là người dân các xã biển xây dựng mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá. Từ đó, các xã mở rộng và tiến tới xây dựng sản xuất theo chuỗi liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho ngư dân yên tâm khải thác hải sản trên biển".

Khu dịch vụ hậu cần nghề cá do một số cá nhân trên địa bàn thôn Thanh Gianh (xã Thanh Trạch) vừa được phối hợp đầu tư xây dựng là mô hình điển hình đầu tiên của huyện Bố Trạch và đang phát huy tốt hiệu quả. 
 
Bên cạnh đó,xã Thanh Trạch huyện Bố Trạch là địa phương có lợi thế trong việc phát triển kinh tế biển. Trong những năm qua cùng với việc hỗ trợ ngư dân đóng mới những đội tàu lớn mạnh để bám giữ ngư trường truyền thống, thì các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được xã đặc biệt quan tâm, phát triển. Hiện xã Thanh Trạch có 17 cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Mặc dù từ giữa tháng 4 năm nay do sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở dịch vụ, nhưng nhờ việc chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm nên các dịch vụ hậu cần nghề cá của xã vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Hiện nay các cơ sở đang tạo việc làm (thường xuyên và thời vụ) cho khoảng 1.000 lao động, lợi nhuận trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 10 tỷ đồng.  Để dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, trong thời gian tới chính quyền xã Thanh Trạch sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung ương, của tỉnh để đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần, đặc biệt là thu mua và cung cấp nhiên liệu, thức ăn, đá lạnh ngay tại cảng.
 
 
Ông Nguyễn Văn Cước, một thành viên góp vốn cho biết, công trình đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động được gần 5 tháng, với kinh phí trên 7 tỷ đồng. Các hạng mục của công trình đã hoàn tất, gồm: 2 cầu cảng cập tàu, ki ốt thu mua hải sản, nhà điều hành, cửa hàng dầu nhiên liệu, đường bê tông nối cầu cảng..., nhằm cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ khâu đầu đến khâu cuối phục vụ đánh bắt hải sản trên biển. Công trình có công suất 7-10 thuyền cập cảng/ngày; tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong thôn, xã và một số xã lân cận.
 
20201009-l11.jpg
 
Thương lái thu mua cá cơm tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bố Trạch
 
Có mặt tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá vào giữa buổi sáng, chúng tôi thấy trên bến dưới thuyền tấp nập người mua bán các loại hải sản. Ông Nguyễn Văn Hảo, ở thôn Thanh Gianh, chủ tàu cá 100CV chia sẻ: “Từ khi có khu dịch vụ hậu cần nghề cá này, tàu cá của tôi thường xuyên cập cảng, sử dụng các dịch vụ tại đây, bởi thuận tiện và dịch vụ tin cậy. Tàu của tôi có công suất vừa phải nên sản lượng cũng khoảng 1 tấn/tháng, gồm: mực, cá hố, cá mú... phục vụ xuất khẩu. Không chỉ riêng tôi mà nhiều chủ tàu đều có cảm giác yên tâm mỗi lần cập cảng tại đây sau những chuyến đánh bắt trên biển”.
 
Ngoài thuận tiện cho các chủ tàu cập cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá còn là địa điểm thuận lợi cho hàng trăm lao động sống phụ thuộc vào các dịch vụ nghề cá. Nhờ công trình đầu tư đồng bộ, khang trang, việc vận chuyển, thu mua các loại hải sản và mang đi các chợ đầu mối tiêu thụ cũng suôn sẻ, dễ dàng…
 
Theo ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, hiện, toàn xã có 35 tàu có công suất từ 90CV trở lên (chia thành 4 THT sản xuất trên biển) tích cực ra khơi đánh bắt hải sản. Để tiếp tục động viên, khích lệ ngư dân bám biển sản xuất, xã đã tạo điều kiện cho các cá nhân xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo thuận lợi hơn và cảm giác yên tâm cho tàu cá ngư dân cập cảng sau thời gian đánh bắt trên biển. “Công trình khu dịch vụ hậu cần nghề cá đưa vào sử dụng không chỉ tạo việc làm cho nhiều người dân ở thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch, làm giàu cho các chủ đầu tư mà còn góp phần giảm tải cho Cảng cá sông Gianh và Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tàu cá cửa Gianh”, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch Nguyễn Văn Lào trao đổi thêm.
 
Ông Nguyễn Văn Cước cho hay, thời gian tới, ông và các cá nhân góp vốn sẽ mở rộng khu dịch vụ với các hạng mục, như: nhà xưởng chế biến hải sản, nhà cấp đông hải sản..., tiến tới mở rộng dịch vụ để sản xuất theo chuỗi liên kết. Từ đó, khu dịch vụ sẽ góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm và tạo thêm việc làm cho bà con trong thôn, trong xã. Có như vậy ngư dân trên địa bàn sẽ yên tâm đánh bắt dài ngày trên biển mà không phải lo thủy, hải sản mất giá hay đầu ra không ổn định.
 
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, tỉnh Quảng Bình hiện có 28 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, chủ yếu hoạt động thu mua cá, tôm, mực và cung cấp xăng dầu, nhu yếu phẩm... cho các tàu đánh bắt xa bờ. Trong đó, nổi bật có tàu vỏ thép Long Khánh của Công ty TNHH Hồng Công (TP. Đồng Hới) hạ thủy vào tháng 4-2016, với ưu điểm là có trang thiết bị hiện đại, có hầm bảo ôn nên bảo quản được thủy sản tươi lâu, chất lượng đảm bảo và có thể hoạt động thu mua cả tháng trên biển; Đội tàu 10 chiếc làm nghề dịch vụ thu mua trên biển của thôn Văn Phú, xã Quảng Văn lần lượt hạ thủy và hoạt động từ năm 2015 đến nay đã hỗ trợ cho bà con ngư dân khai thác, đánh bắt tại các vùng biển xa; Tàu dịch vụ hậu cần công suất 1.000CV của anh Nguyễn Thế Lưu ở xã Cảnh Dương hạ thủy vào tháng 6/2017 có chức năng thu mua thủy sản và cung cấp các loại nhu yếu phẩm, đá lạnh trên biển cho tàu cá xa bờ…
 
Có thể nói, tàu hậu cần nghề cá như "chợ di động" trên biển chuyên cung ứng dầu máy, nhu yếu phẩm kịp thời cho tàu cá đánh bắt dài ngày; đồng thời rút ngắn thời gian trở về đất liền bán hải sản và tiếp nhiên liệu của ngư dân, nên hiệu quả kinh tế cao hơn, chất lượng sản phẩm khai thác được bảo quản tốt tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến. Cùng với đó, nhờ mối liên kết chặt chẽ nên đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, giảm bớt các rủi ro trong hoạt động sản xuất trên biển.