Phát huy mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”

Thời gian qua mô hình “Cảnh sát biển (CSB) đồng hành với ngư dân”, bao cảm xúc đọng lại sau hành trình không chỉ là nghĩa tình trọn vẹn của người chiến sĩ với ngư dân đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mà còn kết nối trái tim của đất liền, với đảo. Giữa mênh mông trời nước Hoàng Sa, Trường Sa, ngư dân có thể vững tin, rằng những chuyến đi của mình sẽ không bao giờ đơn độc…Chương trình bao gồm nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chia sẻ, động viên ngư dân vươn khơi bám biển, chăm sóc sức khỏe, thăm, tặng quà và giao lưu với người dân huyện đảo.

20200825-l1.jpg

CSB đồng hành với ngư dân tại Quảng Ngãi

Cảng Tam Quang, một ngày sóng yên. Tàu CSB 8002 rúc một hồi còi dài tạm biệt đất liền, rồi rẽ sóng, hướng về đảo Lý Sơn. Đã đặt chân lên rất nhiều hòn đảo, nhưng với chuyến đi lần này, Trung tá Hà Quốc Cường - Phó phòng Dân vận và công tác quần chúng Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh CSB) vẫn có những xúc cảm đặc biệt. Mỗi chuyến đi, là một hành trình kỳ công chuẩn bị, từ việc lên kế hoạch, kết nối, hậu cần… Chính tình cảm mộc mạc, chân chất của ngư dân đêm ngày bám biển cùng sự can trường của họ trên ngọn sóng Hoàng Sa, Trường Sa trở thành một niềm thôi thúc anh và đồng đội nỗ lực kết nối và tổ chức cho mỗi chương trình. “Mỗi chuyến đi, là một lần chúng tôi được gặp lại những người có chung tên gọi: ngư dân. Chất chứa sau con người ăn sóng nói gió là tấm lòng quyết tâm bám biển, niềm tin vững chắc vào chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi giữa biển khơi bao la luôn có sự đồng hành của những người lính CSB và triệu triệu trái tim từ đất liền” -  Trung tá Cường tâm sự.

Chỉ mất chừng hai tiếng đồng hồ để đến được Lý Sơn. Tàu thả neo, những phần quà được cẩn thận chuyền tay xuống dưới ca nô. Chòng chành theo con sóng, nhưng rồi khi đặt chân lên đảo, niềm háo hức đủ sức xua tan những mệt mỏi của chuyến đi. Nghĩa trang liệt sĩ huyện đảo Lý Sơn, Đài tưởng niệm đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, những nén hương được thắp lên trong niềm thành kính. Đoàn lại tiếp tục ghé thăm các đơn vị quân đội, công an đóng chân trên địa bàn huyện đảo. Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết - Phó Chính ủy CSB chia sẻ, trong chuyến đi lần này, đoàn đã kết nối nhiều đơn vị, các nhà hảo tâm từ khắp mọi miền Tổ quốc, đồng hành với CSB sẻ chia, động viên với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo. “Với ý nghĩa thiết thực của mô hình, CSB luôn nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và đồng hành của rất nhiều đơn vị, các nhà hảo tâm trong nhiều chuyến đi. Thông qua đó, cũng là cơ hội để những trái tim của đất liền gắn kết với đảo, động viên, trao gửi niềm tin cho người dân, nhất là những ngư dân đang bám biển Hoàng Sa, Trường Sa” - Thiếu tướng Quyết cho biết.
 
Rất đông bà con ở Lý Sơn đã tìm đến Trung tâm Y tế huyện đảo, chờ đợi được khám chữa bệnh. Từ nhiều ngày trước, họ đã nhận được tin đoàn cán bộ, y bác sĩ của CSB thăm khám, cấp phát thuốc. Ông Nguyễn Bảy (41 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải) chia sẻ, ở đảo, bà con đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh khi có nhu cầu. Tuy nhiên, do điều kiện của trung tâm y tế huyện còn khó khăn, nên khi nhận được thông tin, ông cùng nhiều bà con ở huyện đảo rất mừng. “Tôi bị đau xương khớp nhiều năm, vẫn uống thuốc thường xuyên nhưng cũng chưa đỡ. Nhờ dịp này, tôi được bác sĩ của lực lượng CSB khám, tư vấn rất kỹ về chế độ ăn uống, điều trị, được cấp phát thuốc miễn phí. Dân đảo rất mong sẽ có được nhiều hoạt động như thế này để bà con có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn” - ông Bảy nói.
 
Hàng loạt hoạt động ý nghĩa cứ thế tiếp nối trong hành trình về với Lý Sơn. Phía cảng cá An Hải, Vùng CSB 2 xuống từng tàu cá, gặp từng ngư dân. Chẳng ai xa lạ với những cán bộ CSB, bởi trong hành trình đánh bắt, họ đã không ít lần gặp nhau, nhận từng chút nước ngọt, từng mớ rau xanh từ cán bộ, chiến sĩ. Hàng chục túi thuốc y tế, nhiều phần quà được trao cho các thuyền trưởng trên tàu cá. Ngư dân Bùi Nam, chủ tàu cá QNg -96562 xúc động nhận lá cờ Tổ quốc từ tay Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy Vùng CSB 2, rồi cẩn thận leo lên nóc tàu, thay lá cờ mới vào vị trí lá cờ Tổ quốc đã bạc màu vì gió biển. “Suốt nhiều năm nay, khi đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, ngư dân chúng tôi luôn cảm thấy an tâm mỗi khi có sự hiện diện của tàu CSB. Sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng của các anh là nguồn động lực để ngư dân sẵn sàng ra khơi đánh bắt, tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc” - ngư dân Bùi Nam chia sẻ.
 
20201009-l4.jpg
 
Cảng cá Tam Quang góp phần tạo động lực phát triển nghề cá bền vững khu vực Quảng Nam, Quảng ngãi
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: Quảng Nam sẽ đầu tư kết hợp cảng cá Tam Quang với sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tàu cá An Hòa (2 xã Tam Quang, Tam Giang) để hình thành khu hậu cần nghề cá lớn, giúp quá trình sản xuất của ngư dân được thuận tiện, thông suốt hơn. Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đã lập dự án, trình ngành chức năng phê duyệt, triển khai trong giai đoạn 2020 - 2023 với nguồn kinh phí dự kiến hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách Trung ương. Công trình cảng cá Tam Quang được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Khu dịch vụ thương mại thủy sản hậu cần nghề cá cảng cá Tam Quang được Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát đầu tư với nguồn vốn hơn 122 tỷ đồng, gồm các hạng mục khu sơ chế và kho cấp đông thủy sản, chợ đầu mối thủy sản, hệ thống cấp thoát nước, khu để xe, nhà công vụ, hệ thống xử lý nước thải...
 
Mùa biển lặng. Trên bến cá An Hải, nhiều tàu trở về, và cũng có những con tàu đã đầy đủ lương thực, thực phẩm, sẵn sàng cho chuyến đi dài. Trước giờ xuất phát, họ kịp nhận thêm những túi thuốc, được chỉ dẫn kỹ lưỡng cách sử dụng, nhận những phần quà như một chút may mắn lúc khởi hành. Trên nóc tàu, những lá cờ Tổ quốc vừa được thay, căng phồng trong gió biển, theo ngư dân lên đường…