Cần có quy định và chính sách nghiêm đối với sản phẩm thuốc lá mới

Nội dung truyền thông về tác hại của thuốc lá cần hấp dẫn hơn, cần đề cập đến những lầm tưởng thực sự xảy ra trong giới trẻ để các bạn có nhận thức đúng đắn hơn về thuốc lá thế hệ mới.

donbefo0led-1.jpg

Tác phẩm “Don’t be fooled” (Đừng để bị đánh lừa) đã được trao giải đặc biệt cho sản phẩm áp phích.

Tổ chức HealthBridge và Trung tâm quản trị và kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC), đối tác của dự án STOP (Stopping Tobacco Organizations and Products)-cơ quan giám sát ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu vừa chính thức thông báo giải thưởng của Việt Nam trong cuộc thi truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá toàn cầu 2020 với chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”.
 
Có 12 bài dự thi được lựa chon trên toàn cầu từ 450 bài dự thi của hơn 40 quốc gia. Bài dự thi của Hoàng Thị Thu Thủy – Việt Nam đã được trao giải đặc biệt cho sản phẩm áp phích với tiêu đề “Đừng để bị lừa dối”.
 
Vui mừng với giải thưởng mình đạt được, Thu Thủy cho biết: Đây là một cuộc thi lớn nhất mà em được biết tổ chức cho giới trẻ về đề tài phòng chống tác hại thuốc lá. Hiện nay ngành công nghiệp thuốc lá bắt đầu có những sản phẩm thuốc lá nhắm đến giới trẻ nên cuộc này tổ chức sẽ mang lại hiệu quả truyền thông rất lớn nếu như có nhiều bạn trẻ tham gia và truyền thông cho chương trình.
 
Ý tưởng bài thi của Thủy dựa trên một dẫn chứng cụ thể về sự dối trá của ngành công nghiệp thuốc lá. Vào tháng 1 năm 2018, Philip Morris International - công ty thuốc lá quốc tế hàng đầu, với nguồn nhân lực đa dạng hơn 73,500 nhân viên đến từ mọi nơi trên thế giới cho biết: “Chúng tôi đã bỏ thuốc hút”. Vào tháng 2 năm 2019, Philip Morris International lại cho biết, “chúng tôi đã bán 740 tỷ điếu thuốc trong năm 2018”. Điều này chứng minh là các công ty thuốc lá vẫn luôn sản xuất và bán thuốc lá.
 
Những năm gần đây, các công ty thuốc lá lại tiếp tục đưa ra rất nhiều những sản phẩm thuốc lá mới với bao bì mẫu mã đẹp mắt, nhiều mùi vị nhằm hướng tới giới trẻ. Các công ty thuốc lá cũng tiếp tục quảng cáo là những sản phẩm này an toàn hơn, ít nicotine hơn... nhưng thực tế thì những sản phẩm này vẫn gây nghiện. Nhiều người dùng lầm tưởng là các sản phẩm thuốc lá mới sẽ giúp giảm hại hoặc giúp cai được thuốc lá nhưng thực ra không phải, có nhiều trường hợp sau khi sử dụng thì họ nghiện cả thuốc lá lẫn các sản phẩm thuốc lá mới…
 
Từ những tìm hiểu trên mà Thủy có ý tưởng để xây dựng tác phẩm “Don’t be fooled” (Đừng để bị đánh lừa) – Tác phẩm là bức tranh mô tả sự hai mặt của công ty thuốc lá khi nói một đằng lại làm một nẻo. Và nếu tin vào những lời lừa dối đó, bước tiếp theo những người dùng thuốc lá phải đối mặt, chính là thần chết).
 
Chia sẻ với phóng viên về công tác truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá hiện nay, Thủy nói: Truyền thông phòng chống tác hại thuốc lálà một chủ đề khó. Khó là bởi vì nó khô khan. Những thông tin về tác hại và những hệ quả của nó đôi khi không hấp dẫn bằng những dòng quảng cáo của các công ty thuốc lá nên sự chú ý còn không được như mong đợi. Đặc biệt là đối với giới trẻ, việc có nhiều sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện và khiến nhiều người lầm tưởng về nó khiến cho việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể tăng nhiều hơn.
 
“Em cho rằng việc cần thiết bây giờ là phải có quy định và chính sách nghiêm đối với các sản phẩm thuốc lá mới nhằm ngăn chặn sự phát triển của nó ở Việt Nam – vì nếu không can thiệp kịp thời, những sản phẩm này sẽ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ ngay lúc này của Việt Nam, nhưng bạn trẻ 2000s. Và một điều cần chú trọng nữa là nội dung truyền thông cần hấp dẫn hơn, thu hút giới trẻ hơn, đề cập đến những lầm tưởng thực sự xảy ra trong giới trẻ để các bạn có nhận thức đúng đắn hơn về thuốc lá thế hệ mới”.